Sách về phân biệt chủng tộc hút người đọc nhất tại Mỹ
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 16:03, 10/06/2020
Phong trào “Black Lives Matter” vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt tại Mỹ và tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ sang nhiều quốc gia khác. Tranh luận xoay quanh chủ đề phân biệt chủng tộc xuất hiện với mật độ dày đặc trên mọi phương tiện truyền thông đại chúng, từ các tờ báo lớn cho đến mạng xã hội và truyền hình. Điều này đã khiến nhu cầu đọc sách viết về phân biệt chủng tộc đột ngột tăng mạnh.
Trong “10 cuốn sách bán chạy nhất tuần qua” của Amazon, có 7 tên sách nói về chủng tộc hoặc phân biệt chủng tộc. Con số tương tự của hệ thống Barnes & Noble là 9/10 bao gồm các tên sách như How to Be an Antiracist (tạm dịch: Làm thế nào để trở thành một người không kỳ thị) của Ibram X. Kendi, White Fragility (Sự mỏng manh của người da trắng) của Robin DiAngelo và So You Want to Talk About Race (Bạn muốn nói về chủng tộc) của Ijeoma Oluo.
Danh sách “15 cuốn sách phi hư cấu bán chạy nhất tuần qua” (e-book lẫn bản in) của New York Times có 5 cuốn về phân biệt chủng tộc. Trong đó, cuốn The New Jim Crow nói về làn sóng tống giam hàng loạt người Mỹ gốc Phi của nhà văn Michelle Alexander được xuất bản tận 10 năm trước. Trước khi vụ việc George Floyd xảy ra vào ngày 25.5, danh sách này không có bất kỳ cuốn nào về phân biệt chủng tộc.
“Mọi người muốn có những cuốn sách này ngay hôm nay. Họ nghĩ rằng đây là điều ít nhất họ có thể làm vào lúc này”, Kelly Estep - chủ một hiệu sách tại bang Kentucky cho biết.
Cuốn Stamped: Racism, Antiracism and You (Đóng dấu: Phân biệt chủng tộc, chống phân biệt chủng tộc và bạn) của nhà văn trẻ Jason Reynolds đứng đầu danh sách sách bán chạy nhất (bản bìa cứng) thể loại YA của New York Times. Nó từng chiếm vị trí này ngay khi vừa ra mắt vào tháng 3 năm nay.
Reynolds hy vọng thông qua Stamped có thể giúp giới trẻ Mỹ hiểu rõ về tệ nạn phân biệt chủng tộc và sử dụng nó như bàn đạp để đấu tranh chống lại cái ác. “Tôi rất biết ơn vì mọi người đang cố gắng tìm kiếm thông tin để giúp họ hiểu rõ hơn về những gì đang xảy ra trên đất nước mình. Tôi hy vọng đó không phải là một hiệu ứng tức thời nảy sinh từ cảm giác tội lỗi và không muốn đứng ngoài cuộc. Tôi mong rằng mọi người hãy xem cuốn sách này là khởi đầu cho hành trình kéo dài cả đời người đấu tranh chống lại cái ác”, anh nói.
Kể cả thể loại sách dành cho thiếu nhi - vốn thường xoay quanh những chủ đề thân thiện với trẻ nhỏ - cũng bắt đầu xuất hiện những cuốn sách về phân biệt chủng tộc. Cuốn Antiracist Baby (Em bé chống phân biệt chủng tộc) của Mr. Kendi dự kiến ra mắt trong tháng 6 này bởi Penguin Young Reader sẽ tăng từ 50.000 bản cho lần in đầu tiên lên 100.000 bản.
“Con số này là phi thường đối với bất kỳ cuốn sách dành cho trẻ em nào, và đặc biệt là dành cho đối tượng tới 3 tuổi”, Elyse Marshall - giám đốc quảng cáo của Penguin Young Readers cho biết. “Bây giờ, rất hiếm khi nhìn thấy một cuốn sách đứng đầu danh sách bán chạy nhất trước khi nó được bán và nó phản ánh thế giới chúng ta đang sống”.
Nhu cầu tăng cao đến mức nhiều cửa hàng sách đã cháy hàng. Miriam Chotiner-Gardner - nhân viên phụ trách nhập hàng cho một cửa hàng sách tại Manhattan cho biết hầu hết khách hàng chỉ mua một cuốn sách về phân biệt chủng tộc đi kèm với những tên sách khác, nhưng cũng có nhiều khách hàng mua cùng lúc 5-7 cuốn như để nghiên cứu hoặc sưu tầm.
“Các nhà xuất bản đang làm hết sức để đáp ứng nhu cầu hiện nay. Sách hết hôm nay sẽ có lại vào tuần sau dù vào lúc bình thường, cần đến vài tuần mới có thể tái bản”, Miriam nói.
Jason Reynolds
Không dừng lại ở đó, thể loại audiobook (sách nói) cũng ghi nhận sự thống trị của các sách về chủ đề phân biệt chủng tộc.
Libro.fm là một công ty chuyên phát hành audiobook có hợp tác với 1.200 cửa hàng sách tại Mỹ và Canada. Hôm thứ sáu, toàn bộ 10 đầu sách bán chạy nhất của công ty này đều về phân biệt chủng tộc. Doanh số ước tính tăng 500% so với cùng kỳ tháng trước.
Mặc dù vậy, theo Jason Reynolds thì mua sách và đọc sách là chưa đủ. “Nếu bạn là người da trắng thì việc đọc cuốn sách này không hề giúp bạn trở thành một người tốt. Đây chỉ là cơ hội để bạn có thể đấu tranh để làm điều tốt thôi”, anh nói.
Mai Thảo