Cuốn sách về Tự do của triết gia có ảnh hưởng nhất thế kỷ XX
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 12:12, 16/05/2020
“Tự do đầu tiên và cuối cùng” được xuất bản lần đầu vào năm 1954, là tác phẩm đầu tiên giới thiệu tư tưởng của J.Krishnamurti đến với đại chúng, khi ông đã bước vào tuổi 60. Cuốn này cũng định hình phong cách cho những tác phẩm về sau của ông: gợi mở mời chào độc giả cùng suy nghĩ về những vấn đề phổ quát ở phần đầu, nối tiếp là những đối thoại cởi mở dưới hình thức Q&A, mà phần nhiều những đối thoại này được trích và biên tập lại từ những buổi nói chuyện với công chúng trước đó.
Trong tác phẩm “Tự do đầu tiên và Cuối cùng” đặt nền tảng cho hệ thống tư duy của mình, ông đưa vào đó cả những chủ đề sẽ còn lặp lại và bàn luận trong những tác phẩm khác: bản ngã là gì, niềm tin, sợ hãi và đam mê, tương quan giữa chủ thể suy nghĩ và đối tượng của nó, cá nhân và xã hội, chức năng của tâm trí, liệu nó có thể giải quyết được các vấn đề của con người… Tất cả được ông diễn đạt bằng ngôn từ dễ hiểu và dẫn chứng bằng những hành vi ứng xử đời thường của mỗi cá nhân để người đọc tự quan sát.
Nhưng không vì thế mà đây là tác phẩm có thể chiêm nghiệm thấu đáo ngay lập tức. Các chủ đề quen thuộc được ông “lật lại” – hỏi lại chính người đọc vì sao lại dễ dàng chấp nhận vô điều kiện. Như NIỀM TIN chẳng hạn. Bạn đọc có thể bất ngờ khi ông hạ thấp niềm tin. Niềm tin chính trị, tín ngưỡng khi được cá nhân xác thực nó sẽ là rào cản khi đối mặt với hệ thống niềm tin khác mình. Suy xét kỹ hơn thì niềm tin là “kháng thể” sản sinh từ nỗi sợ hãi những chuyện sẽ xảy ra với chúng ta trong tương lai. Do đó, niềm tin trở thành bức màn che khi “người suy nghĩ” muốn hiểu được chính mình, gây ra những hiểu lầm về thực tại đang diễn ra ngay trước mắt.
Dù được xuất bản cách đây hơn nửa thế kỷ, nhưng chủ đề về thiền định, chánh niệm mà truyền thông hiện nay đang quan tâm cũng đã được ông dành nhiều trang để bàn về nó. Ông không theo một giáo phái hay tổ chức nào, nên quan niệm về thiền của ông cũng có phần khác với các đạo sĩ tu hành hay với ai đang thực hành yoga để tĩnh tâm trốn khỏi sự ồn ã của cuộc sống (stress). Ông cho đó là “Bạn xây dựng một bức tường ngăn cách bằng việc tập trung vào một tư tưởng mà bạn chọn, rồi bạn cố gắng tránh né tất cả các tư tưởng khác”. Hay, “Bạn bỏ thời gian chiến đấu với những tư duy của mình.”… Ông cho đó là ảo tưởng, “dù thiền định, áp đặt kỷ luật cho bản thân nhiều đến đâu đi nữa thì cũng không thể làm cho tâm trí tĩnh lặng, theo đúng ý nghĩa của từ này.”
Hay chủ đề “Cá nhân và xã hội” và “Tự biết mình”. Cá nhân là công cụ của xã hội? Không, ông cho rằng xã hội là sản phẩm của sự tương giao cá nhân. Sự tương giao này đã không lấy lòng yêu thương, trắc ẩn làm nền tảng nên xã hội ngày càng rối ren. Và, “Bởi vì bạn và tôi không sáng tạo, nên chúng ta đã đẩy xã hội tới tình trạng hỗn độn này.” Từ đó ông kiến giải con đường duy nhất để chấm dứt sự rối ren này là mỗi cá nhân phải tự biết mình. “Tự biết mình là khởi đầu của trí tuệ, và do đó là khởi đầu của sự biến chuyển hoặc sự phục hưng.” Và không có một vị guru, đức cứu tinh, bậc đạo có thể giúp bạn tự biết mình ngoài chính bạn.
Chúng ta ai cũng muốn tự do. Bạn nghĩ gì khi nói về từ này? Tự do làm điều mình thích? Tự do chọn lựa? “Xách ba lô lên và đi” để có cảm giác được tự do? Trí óc nô lệ cho phóng chiếu riêng, đòi hỏi riêng, dục vọng và thoả mãn riêng; trí óc nô lệ cho khát vọng, thèm muốn. Và dành thời gian bận tâm cho những vấn đề đó nên hình như chúng ta không hề hỏi xem có thể nào tự do bên trong, mà chúng ta cứ đòi tự do bên ngoài, đi chống lại xã hội, chống lại cấu trúc xã hội nào đó.
Và như nói ở trên thì vấn đề của bạn là vấn đề của xã hội. Phải chăng bạn đang trốn tránh chính vấn đề của mình? Đa số chúng ta không hề muốn và tìm xem có thể nào tự do bên trong. Xuyên suốt cuốn sách, ông gợi ý độc giả tự quan sát bản thân. Quan sát ý niệm khởi phát đằng sau những xung đột nội tâm gây nên sự bất an – điều gây ra cảm giác “thiếu tự do”.
Viết tác phẩm ở tuổi 60, khi đã đi qua 2 cuộc thế chiến và đại khủng hoảng, Krishnamurti thấy rằng sự tiến bộ về khoa học kỹ thuật không giải quyết được những vấn đề cơ bản của con người mà dường như xã hội càng rối ren hơn. Tâm trí của con người không có những bước nhảy đột phá như những phát minh kia… Tự do là vấn đề căn bản nhất của mỗi con người vẫn chưa bao giờ được giải quyết thấu đáo. Ông cho rằng không thể tìm kiếm điều đó từ bên ngoài, nó chỉ có thể tìm thấy trên con đường khám phá tâm trí bên trong của mỗi cá nhân. Hẳn là điều này cũng đòi hỏi sự dũng cảm để làm cuộc cách mạng bên trong, dừng lại những tri thức vốn thuộc về quá khứ, từ bỏ con người chúng ta muốn trở thành vốn là ảo tưởng về tương lai… vượt qua cả biểu tượng, ngôn từ (công cụ của tư duy) để quan sát thực tại mà không suy xét phê phán, chấp nhận cái đang là (what is).
Dù rằng bạn có thể thấy quan điểm của ông có tương đồng đôi chút với đạo Phật hay Thiền. Nhưng lối thuyết giảng của ông không phải mô thức của đạo sư, và cũng không chủ đích truyền bá cho một tôn giáo nào. Một cách tương đối thì có thể xem lời của ông như gợi mở cho những ai đang trăn trở đi tìm lẽ sống cho mình, mà theo ông đó là “tự do một cách tuyệt đối và không điều kiện”.
Minh Luân