8 tiểu thuyết hay nhất về dịch bệnh
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 06:50, 01/04/2020
The Andromeda Strain
Tác giả: Michael Crichton
Năm phát hành: 1969
Một tàu thăm dò không gian quân sự được gửi đi để thu thập các mẫu sinh vật đến từ không gian đang lơ lửng trong bầu khí quyển. Sau đó, một hiện tượng chết người diễn ra tại một thị trấn của bang Arizona và chỉ còn lại hai người sống sót: một cụ già nghiện ngập và một đứa trẻ sơ sinh. Chính phủ Mỹ đã buộc phải sử dụng đến Project Wildfire - một giao thức ứng phó khẩn cấp tuyệt mật. Các nhà khoa học hàng đầu được huy động nhưng họ không hề hay biết gì về thứ đang chờ đợi mình phía trước.
The Andromeda Strain từng lọt vào danh sách New York Times Best Sellers và nhận được nhiều lời khen từ giới phê bình. Nó đã được chuyển thể thành phim điện ảnh vào năm 1971 và phim truyền hình vào năm 2008.
Bird Box
Tác giả: Josh Malerman
Năm phát hành: 2014
Tiểu thuyết này đã được Netflix chuyển thể thành phim vào năm 2018 với vai chính giao cho nữ diễn viên từng đoạt giải Oscar Sandra Bullock. Bird Box xoay quanh một dịch bệnh trong đó con người sẽ bất chợt điên loạn nếu nhìn thấy một thứ bí ẩn đang lang thang ngoài phố. Bịt mắt được xem là giải pháp hiệu quả nhất nhưng cũng nguy hiểm. Nhóm người sống sót trong phim trú ẩn trong một ngôi nhà gần sông và quá sợ hãi để có thể ra ngoài.
Câu chuyện của Josh Malerman là một bức tranh khủng khiếp về một thế giới bị mắc kẹt, ngăn cách và đầy sợ hãi. Phần tiếp theo mang tên Malorie dự kiến ra mắt vào hè năm nay.
The Stand
Tác giả: Stephen King
Năm phát hành: 1978
Trong bối cảnh hiện nay, The Stand của Stephen King đang thu hút trở lại sự chú ý từ độc giả. Tiểu thuyết này kể về câu chuyện của một bệnh nhân trốn thoát khỏi một cơ sở xét nghiệm, vô tình mang theo một chủng siêu cúm đột biến có thể quét sạch 99% dân số thế giới trong vài tuần. Từ những người dân thường sợ hãi, Abagail (108 tuổi) và Randall Flagg đã nổi lên như các lãnh tụ thời chiến nhằm chống lại sự xâm lấn của con virus. Tuy nhiên, Abagail lựa chọn giải pháp hòa bình trong khi Flagg chuộng bạo lực. Chính vì thế, những người sống sót buộc phải chọn giữa 1 trong 2 đồng thời số phận của toàn nhân loại cũng nằm trong tay họ.
Đài CBS vừa mua bản quyền chuyển thể The Stand thành loạt phim dài 10 tập nhưng chưa công bố ngày lên sóng.
The Plague
Tác giả: Albert Camus
Năm phát hành: 1947
Đây là một tác phẩm kinh điển của văn học Pháp xuất bản năm 1947. Nó kể về cơn đại dịch đã càn quét thành phố Oran của vùng thuộc địa Algerian. Và ngay cả khi kết thúc, nó vẫn ám ảnh tâm trí của người dân nơi đây. Sau khi COVID-19 bùng phát tại Pháp, doanh thu bán ra của The Plague đã tăng 300% so với năm ngoái – theo số liệu của wesbite Edistat. Rất nhiều bài viết với nội dung “Những gì chúng ta có thể học hỏi từ The Plague” liên tục xuất hiện trên các tờ báo lớn. Tiểu thuyết này từng được dựng thành kịch và chuyển thể thành phim điện ảnh.
The Companions
Tác giả: Katie M. Flynn
Năm phát hành: 2020
Vừa lên kệ vào đầu tháng này, The Companions có nội dung không thể hợp thời thế hơn. Bang California bị virus tấn công khiến người dân không thể ra ngoài. Trong khi đó, người chết có thể thoải mái di chuyển và thậm chí là làm vỏ bọc chứa linh hồn. Chính vì thế, những kẻ lắm tiền đã chuyển giao ý thức của họ vào xác của những người nghèo thông qua chương trình “Người đồng hành” do công ty Metis quản lý. Theo thời gian, một tầng lớp mới ra đời nhưng bị tước đi những quyền cơ bản của con người. Đó là khi nhân vật chính xuất hiện – Lilac (16 tuổi), một cô bé nổi loạn đã dám đứng lên phá vỡ xiềng xích.
Station Eleven
Tác giả: Emily St. John Mandel
Năm phát hành: 2014
Một ngôi sao Hollywood bất ngờ qua đời vì bị đau tim trong lúc đang ghi hình cho phim King Lear. Đó là sự kiện đầu tiên của một phản ứng dây chuyền được biết đến như “đại dịch cúm lợn” hay “Cúm Georgia”. Nó lan nhanh và tiêu diệt gần hết dân số thế giới trong nháy mắt. Câu chuyện dẫn dắt từ trước và sau khi đại dịch diễn ra.
Station Eleven là tiểu thuyết thứ 4 của Emily Mandel và đã chiến thắng giải Arthur C. Clarke Award.
The American Plague
Tác giả: Molly Caldwell Crosby
Năm phát hành: 2003
Tiểu thuyết này có tên đầy đủ là An American Plague: the true and terrifying story of the yellow fever epidemic of 1793 (tạm dịch: Một tai họa Mỹ: Câu chuyện chưa được kể về bệnh sốt vàng, dịch bệnh đã định hình lịch sử của chúng ta). Nội dung mở màn bằng bối cảnh thành phố Philadelphia vào năm 1973 – thành phố lớn nhất khu vực Bắc Mỹ khi ấy. Một dịch bệnh đã tấn công thành phố, giết chết 50% bệnh nhân nhưng không rõ nó đến từ đâu, hoạt động như thế nào ngoại trừ cái tên “bệnh sốt vàng”. Tác giả đã nhấn mạnh hành động anh hùng của cộng đồng người Mỹ gốc Phi trong việc chống dịch cũng như khủng hoảng chính trị của Mỹ dưới thờ George Washington.
The American Plague từng lọt vào vòng chung kết Giải thưởng Sách quốc gia năm 2003.
The Eyes of Darkness
Tác giả: Dean Koontz
Năm phát hành: 1981
Vào thời điểm vừa ra mắt, The Eyes of Darkness không được đánh giá cao bởi nội dung không thật sự xuất sắc hay mới lạ. Thế nhưng, có vài chi tiết trong tiểu thuyết trùng khớp với đại dịch COVID-19 đã khiến nó trở thành tâm điểm của truyền thông trong vài tháng gần đây. Cụ thể, tác giả đã viết về một loại virus chết người có tên là "Vũ Hán 400". Ông mô tả đó là một căn bệnh viêm phổi nghiêm trọng, "tấn công phổi và ống phế quản” và “không có thuốc điều trị”.
Mai Thảo