Các nhóm nhạc K-pop nỗ lực vươn ra thế giới
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 13:29, 03/10/2019
Cách mà siêu sao toàn cầu BTS thành công là độc nhất. Tin tức của nhóm nhạc nam gồm 7 thành viên lan sang Hàn Quốc sau khi nhóm tấn công thị trường chủ đạo Mỹ.
Trước BTS, chỉ có một công thức thành công cố định dành cho các nhóm nhạc K-pop. Họ phải thành công tại quê nhà trước. Chỉ khi đó tin tức mới lan ra nước ngoài, thu hút các công ty nước ngoài mời họ sang biểu diễn.
BTS đã phá vỡ kiểu “thành công tại thị trường nội địa” đó, sau khi ca sĩ Psy cũng cho thấy có thể đạt được thành công trên sân khấu âm nhạc nước ngoài.
Nhóm nhạc NCT
Lấy cảm hứng từ BTS, nhiều nhóm nhạc Hàn Quốc đang cố gắng mô phỏng công thức K-pop “hướng ngoại”.
Các nhóm nhạc nam này bao gồm Monsta X, Nu’est và NCT. Cả 3 đều lưu diễn vòng quanh thế giới, đặc biệt là ở Mỹ, để quảng bá hoạt động quốc tế của họ. Họ đã xuất hiện trên các chương trình truyền hình Mỹ, ví dụ như “The Ellen DeGeneres Show” và “Good Morning America”, nhằm thu hút người hâm mộ Mỹ và tiếp tục lưu diễn vòng quanh thế giới nhằm làm tăng sự nổi tiếng.
Chương trình lưu diễn vòng quanh thế giới là rào cản đầu tiên đối với các nhóm nhạc khi biểu diễn trước người hâm mộ quốc tế. Giống BTS, những người tiến thẳng ra nước ngoài 2 năm sau khi xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên vào năm 2013, Monsta X và Seventeen, cả 2 đều ra mắt năm 2015, cũng lưu diễn vòng quanh thế giới 2 năm sau đó vào năm 2017.
“Kể từ khi xuất hiện trước công chúng lần đầu tiên, Seventeen đã theo đuổi và tập trung vào các buổi biểu diễn. Sau khi nhìn thấy khả năng trong các chương trình âm nhạc châu Á, chúng tôi chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng người hâm mộ và quy mô hội trường biểu diễn cũng tăng 6 lần so với lần đầu tiên ở Đài Bắc”, một nhân viên thuộc Pledis Entertainment, công ty quản lý Seventeen, kể.
Nhóm nhạc Seventeen
Monsta X hát tại Liên hoan âm nhạc iHeart Radio ở Las Vegas, khi tham gia chung tiết mục với DJ nổi tiếng Steve Aoki. Nhóm cũng biểu diễn trong chương trình truyền hình Good Morning America, Jimmy Kimmel Live và The Ellen DeGeneres Show, khi nâng cao kỳ vọng của người hâm mộ rằng nhóm có thể là BTS tiếp theo.
NCT, một nhóm nhạc nam gồm 18 thành viên, đã thành lập một đơn vị phụ tên là NCT 127 để xây dựng cơ sở người hâm mộ toàn cầu. Nhóm đã biểu diễn ở Mỹ, Canada, Mexico và các nước châu Á. Giống như Monsta X, NCT 127 cũng biểu diễn tại chương trình “Jingle Ball Kick Off” do iHeart Radio tổ chức hồi cuối tháng 9.
Những nhóm nhạc thần tượng toàn cầu này đã xây dựng cơ sở người hâm mộ toàn cầu, nhưng sức hút của họ ngay tại quê nhà yếu hơn. Đối với Monsta X, album thứ 6 của nó đứng đầu bảng xếp hạng âm nhạc của Hàn Quốc lần đầu tiên vào tháng 11 năm ngoái. Nhưng nó không nhận được giải thưởng Tân binh của năm vì lịch làm việc dày đặc ở nước ngoài. Các thành viên của nhóm thậm chí còn không tham gia nhiều trong các chương trình truyền hình thực tế vì họ bận di chuyển.
Nhóm nhạc Nu est
Nu’est, một nhóm nhạc nam gồm 5 thành viên, là một nhóm “hướng ngoại” khác. Tuy nhiên, những người hâm mộ Hàn Quốc ngày càng cảm thấy khó mà nhìn thấy họ biểu diễn ở Hàn Quốc vì các thành viên tập trung cho các chương trình lưu diễn ở nước ngoài nhiều hơn kể từ khi ra mắt công chúng lần đầu tiên. Kết quả là, Hwan Min-hyun phải tham gia chương trình truyền hình thực tế “Produce 101” mùa 2, phát trên kênh truyền hình âm nhạc thịnh hành Mnet ở Hàn Quốc, nhằm làm tăng sự nổi tiếng của nhóm nhạc tại quê nhà.
Sự vắng mặt của họ tại Hàn Quốc khiến cho một số người hâm mộ ở đây cảm thấy bị bỏ rơi vì họ nghĩ các thần tượng của họ ít chú ý đến họ. Trên một trong những website giải trí lớn nhất Instiz, nhiều bài đăng được đưa lên mỗi ngày phàn nàn về sự vắng mặt của các thần tượng của họ.
Những người sử dụng Twitter chế giễu tình huống này, nói rằng các thần tượng K-pop đang tổ chức một “chương trình âm nhạc có tính chất thăm hỏi” ở Hàn Quốc khi các ngôi sao biểu diễn tại quê nhà.
Lý do chính khi thực hiện chiến thuật hướng ngoại này là sự cạnh tranh ở đây cực cao.
“Đây là cách đối với nhiều công ty tầm trung để tồn tại khi ở Hàn Quốc có quá nhiều công ty”, Lee Gyu-tag, một giáo sư trợ lý về Nghiên cứu Văn hóa tại Đại học George Mason, Mỹ trình bày.
Monsta X, nhóm nhạc nam K-pop gồm 7 thành viên, hát tại Liên hoan âm nhạc iHeart Radio ở Las Vegas vào ngày 21.9
“Một nguyên nhân thực tế hơn có thể là các nghệ sĩ và công ty kiếm được nhiều tiền hơn ở nước ngoài và thu được nhiều lợi nhuận hơn từ các buổi biểu diễn ở nước ngoài”.
24K, một nhóm nhạc nam gồm 7 thành viên ra mắt công chúng lần đầu tiên năm 2012, đã thu hút nhiều người hâm mộ ở châu Âu và Nam Mỹ, dù không thu hút được nhiều người hâm mộ tại quê nhà.
“Là một công ty tầm trung, chúng tôi phải đối mặt với những hạn chế trong quảng bá và tiếp thị”, Kim Sung-gwang, giám đốc Công ty giải trí Choeun Entertainment chia sẻ. “Sau khi theo dõi thị trường Mỹ, chúng tôi quyết định chúng tôi có thể đánh cược bằng cách sản xuất nhạc EDM”.
“Đã có những nỗ lực liên tục kể từ thế hệ thần tượng K-pop đầu tiên như H.O.T, và giờ đây cho thấy thành quả”, Seo Jung-min-gab, một nhà phê bình âm nhạc nhận xét. “Điều này không chỉ dành cho các thần tượng K-pop mà còn dành cho các nghệ sĩ thuộc các thể loại khác nhau. Trên sân khấu âm nhạc, các thần tượng không còn cho rằng chuyện lưu diễn vòng quanh thế giới là điều gì đó đặc biệt, mà là chuyện phải làm nếu họ không muốn bị tụt hậu”.
Mê Linh