Chuyện đại học: Nhiều chưa hẳn đã tốt
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 14:11, 29/06/2018
Kỳ 1: http://motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri-c-80/tap-van-c-172/chuyen-dai-hoc-thi-duoi-tam-bom-my-90843.html
Kỳ 2: http://motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri-c-80/tap-van-c-172/chuyen-dai-hoc-chinh-thuc-buoc-vao-doi-90977.html
Bài trước, tôi có nhắc về ngôi trường đặc biệt mà đầu năm 1977 tôi ba lô, khăn gói quả mướp từ Hải Phòng vào Sài Gòn nhận công tác. Tiền thân của nó là Viện đại học cộng đồng Tiền Giang, một mô hình mới mẻ của giáo dục đại học ở miền Nam. Sau 1975, viện được thay bằng tên Trường dự bị đại học Tiền Giang, rồi đến năm 1982 đổi lần cuối thành Trường dự bị đại học TP.HCM. Lai lịch vắn tắt như vậy để lý giải vì sao nó lại có 2 cơ sở, chính thì ở khu của Đại học Văn khoa cũ tại 91 Nguyễn Chí Thanh, Q.5, Sài Gòn; còn phụ (lúc đầu là chính) ven quốc lộ 4, cách ngã ba Trung Lương khoảng 2km, ở huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Những năm đầu trong nghề, tôi phải thường xuyên dạy cả hai cơ sở, nửa đầu tuần ở Sài Gòn, nửa cuối tuần thì Tiền Giang.
Trường tôi cũng giống như nhiều trường đại học khác của miền Nam sau 1975, đội ngũ giảng dạy có rất nhiều giáo viên cũ, được gọi là diện lưu dung (nghe cái tên đã thấy sự kẻ cả của phe thắng). Thú thực, tôi nhận thấy ở trường tôi cũng như nhiều trường đại học khác tại miền Nam bấy giờ, lúc đầu nhiều giáo viên, giảng viên cả già lẫn trẻ ở miền Bắc vào, mang tư thế của “bên thắng cuộc” nên thường ra vẻ ta đây, thậm chí coi trời bằng vung. Ngược lại, số lưu dung kia thì mặc cảm, rụt rè, e ngại, cam chịu. Nhưng môi trường khoa học chứ có phải cơ quan hành chính đâu mà đè nén ra oai với nhau mãi. Một thời gian sau, đám Bắc chúng tôi phải công nhận rằng trong những giảng viên cũ nhiều người rất giỏi, cực giỏi, nhất là về chuyên môn và ngoại ngữ. Chúng tôi, hầu hết trong đám giáo viên Nam tiến có lẽ chỉ hơn họ được mỗi cái vững lập trường giai cấp “ai thắng ai”, thấm nhuần chủ nghĩa Mác-Lênin, còn những thứ khác có lẽ phải xem lại. Ngay trường tôi, số lưu dung rất nhiều người giỏi, chuyên môn vững, ngoại ngữ tiếng Anh hoặc tiếng Pháp cứ vanh vách như tiếng mẹ đẻ. Có thể kể tên một số anh chị như Cung Bỉnh Duyệt, Huỳnh Công Sanh, Đỗ Trung Hưng, Nguyễn Hữu Nghiệp, Võ Thanh Long, Trần Mạnh Hảo, Chu Đức Khánh, Nguyễn Hữu Pha, Châu Hoàng Tiểng, Nguyễn Thị Tố Quỳnh, Phan Văn Ba, Trần Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Hữu… Anh Hữu cùng tổ bộ môn với tôi, tuổi chưa đầy 40 mà tóc bạc trắng, tiếng Anh tiếng Pháp làu làu, kiến thức về lịch sử, địa lý vùng đất phương Nam rất thâm sâu, chơi đồ cổ không phải dạng vừa. Những người Nam tiến khác trình độ thế nào thì tôi không rõ lắm chứ bản thân tôi tự thấy theo được họ cũng còn khướt.
Một hôm, tôi hỏi thầy Chu Đức Khánh, giáo viên toán, sao anh học kinh thế, vừa lấy bằng cử nhân toán của Đại học Khoa học Sài Gòn (anh Khánh là học trò cưng của thầy GS Đặng Đình Áng), vừa lấy bằng tốt nghiệp Viện quốc gia Âm nhạc Sài Gòn. Anh ấy cười bảo tưởng gì, sinh viên miền Nam trước 1975 học 2 - 3 trường cùng lúc là chuyện thường. Thầy Long thì kể các trường đại học đều mở rộng cửa, rất ít trường tổ chức thi tuyển sinh, mà cứ đậu tú tài 2, rồi đăng ký, đóng tiền là học, muốn học bao nhiêu trường cũng được. Làm gì có chuyện chen nhau luyện thi như bây giờ. Quan trọng là đầu ra, chất lượng đầu ra. Nền đại học của miền Nam trước 1975 không quan tâm đến đầu vào, chỉ cốt đầu ra thôi. Học thế nào thì học, cứ phải lấy được đủ chứng chỉ, không đủ và không đạt chất lượng thì cứ việc học cho đến già hoặc vào lính. Thầy Long còn đọc câu ca “Rớt tú tài anh đi binh sĩ/Em ở nhà lấy Mỹ nuôi con/Bao giờ yên chuyện nước non/Anh về anh có Mỹ con anh bồng”, không muốn đi lính thì phải ráng học đại học cho bằng được.
Thầy trò Trường DBĐH TP.HCM khóa 1982-1983 - Ảnh: Châu Hoàng Tiểng
Đời dạy học của tôi gắn với Trường dự bị đại học TP.HCM tổng cộng hơn 17 năm trời (từ năm 1977 đến 1992, rồi thêm năm 1995 sau đó). Gần như phần tuổi xuân phơi phới, cái thời hăng hái nhất tôi đã gắn với bục giảng sư phạm, sau này bỏ nghề, những lúc vẩn vơ nghĩ lại cũng tiêng tiếc.
Khoảng mấy năm đầu thập niên 80, hình như năm 1982 thì phải, phong trào luyện thi đại học được khơi lên. Đành rằng do nhu cầu mà phát sinh nhưng có thể nói luyện thi đã dần dà làm hỏng chất lượng đại học. Những học sinh trình độ kém, ít tài năng sau cú trượt lần 1 hoặc lần 2 đã dồn hết sức cho đợt luyện thi, chỉ học ròng rã 3 môn theo khối thi, sẽ đủ khả năng đánh bật những học sinh phổ thông mới tốt nghiệp tuy khá và giỏi nhưng vừa trải qua kỳ thi vất vả, đã mệt nhoài nên khó đua tranh.
Trong suốt hơn hai chục năm trời, Trường dự bị đại học TP.HCM nổi tiếng là trung tâm luyện thi uy tín, mỗi năm thu hút hàng nghìn học sinh khắp cả miền Nam. Có những năm, vào thời điểm hoàng kim luyện thi, thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Năm phải ra lệnh hạn chế nhận thí sinh vào trường mặc dù nhận vào là thu bộn tiền, một phần bởi không đủ chỗ học, phần khác giáo viên dồn giờ dạy cho luyện thi nhiều quá nên chểnh mảng nhiệm vụ chính. Đồng tiền kiếm được từ luyện thi giúp cho đời sống giáo viên khá hơn nhưng hầu như chả mấy ai nghĩ rằng chính họ đã góp phần làm hư hỏng hệ đại học. Tôi có anh bạn là giảng viên Trường đại học Tổng hợp, bên ấy cũng căng ra luyện thi, anh kể có ngày dạy luyện thi tới 11 tiết, sáng 4, chiều 4, tối 3, chỉ kịp nhét miếng cơm vào mồm rồi cuống cuồng tất tả lên lớp. Giảng như cái máy. Lúc nào cũng thèm ngủ. Sài Gòn những năm đó trong giới giáo viên tồn tại một câu lạc bộ có tên CLB 30 triệu. Ai dạy luyện thi thu nhập 30 triệu đồng/tháng thì đương nhiên được gia nhập CLB này. Vàng những năm đầu thập niên 1990 chỉ khoảng 3 triệu đồng/lượng. Đồng tiền khiến nhiều thầy cô bị say, say tiền. Một thầy ở trường tôi, thầy L. dạy toán, dạy nhiều đến mức bị kiệt sức, suy nhược cơ thể, vào bệnh viện được vài hôm thì mất.
Nhưng không phải thầy cô nào cũng khá lên nhờ luyện thi đại học. Chủ yếu lên hương là các môn ‘tự nhiên” phục vụ khối thi A và B (toán, lý, hóa, sinh) chứ đám “xã hội” văn sử địa hầu hết chịu cảnh đói dài. Tôi dân “văn tổng hợp” cố trụ mãi nhưng học sinh luyện thi môn văn cứ ngày càng teo dần. Chả muốn kéo dài tình trạng vừa lên lớp, vừa giữ xe cho học trò, vừa nuôi gà công nghiệp, làm sữa chua, nuôi cá trê phi, nuôi chim cút, xỏ mành trúc… nên đầu năm 1993 tôi quyết định xin nghỉ một cục, đi làm thuê cho một công ty nước ngoài. Thầy Nguyễn Văn Vy đồng môn đồng hương đùa bảo giá ông dấn thêm tí nữa đi tìm đường cứu nước cứu nhà luôn thì có phải một công đôi việc không. Tôi dạy buổi cuối cùng với tâm trạng ngổn ngang, sau đó lặng lẽ xuống phòng hành chính ký nhận quyết định nghỉ việc, qua phòng tài vụ lĩnh cục tiền, được chưa đầy 3 triệu đồng, tính ra sau 16 năm liên tục làm việc cho nhà nước được gần 8 chỉ vàng. Số tiền ấy chưa kịp dùng vào việc gì thì một người quen là bộ đội ở Cần Thơ bất ngờ lên hỏi mượn, hẹn 1 tuần trả. Vợ chồng tôi nể quá, đưa rồi mà cứ lo lo. Sau 2 tuần chả thấy ảnh đâu, bặt tăm, từ bấy không gặp lại con nợ nữa. Xuống Cần Thơ dò hỏi, hóa ra anh ta bị quân đội loại ngũ, đã lừa một lượt tất tật người quen rồi cả vợ con kéo nhau bùng mất. Sau 16 năm, tôi quay lại thời ban đầu với hai bàn tay trắng.
Giờ nhớ lại chuyện cũ của thầy Khánh thầy Long, so sánh thấy đúng là nền đại học của chúng ta bây giờ vừa kềnh càng vừa có vấn đề về chất lượng. Những kỳ thi tuyển sinh ngày càng nặng nề, tốn kém, trở thành thứ tai ách cho xã hội. Bao nhiêu tiền của, công sức đổ vào thủ tục hành dân vĩ đại ấy nhưng vẫn không làm những người cai quản giáo dục vừa lòng. Bây giờ mở mắt ra là nhìn thấy trường đại học. Trường đại học mở nhan nhan trên khắp nước. Tỉnh thành nào cũng cố đua chen cho bằng anh bằng em, ít nhất cũng phải lập vài ba trường. Ngay cả một tỉnh nhỏ nghèo như Trà Vinh mà cũng có tới 4 trường đại học. Xã hội được đại học hóa một cách khiên cưỡng. Một nước có hàng vạn giáo sư, phó giáo sư, hàng mấy trăm nghìn tiến sĩ nhưng hầu như rất ít công trình khoa học đáng kể cho sự nghiệp ích quốc lợi dân. Mỗi năm gần 200.000 thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp không có công ăn việc làm, lý do cơ bản là trình độ kém… Nhưng mặc, hằng năm người ta vẫn ào ào mở trường đại học, rầm rộ thi cử, tuyển sinh, thu tiền, coi như không có chuyện gì xảy ra.
Có người bảo con thuyền giáo dục xứ này, nhất là giáo dục đại học, chưa cần ra biển rộng, chỉ quanh quẩn trong cừ kênh mương rạch, ao tù hồ cạn cũng đã đủ chao đảo, chấp chới, mắc cạn rồi.
Nguyễn Thông