Chuyện nghe đài

Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 05:51, 20/06/2018

Có những người nghiện nghe đài, buổi tối vừa làm việc nhà vừa nghe, chủ yếu là mấy chương trình ưa thích: Tiếng thơ, Câu chuyện cảnh giác, Đọc truyện đêm khuya, Khắp nơi ca hát, Dân ca và nhạc cổ truyền.
Một buổi phát thanh của đài phát thanh Giải phóng, còn gọi là đài Tiếng nói Việt Nam B thời chiến tranh - Ảnh: Tư liệu/Internet

Hồi xưa cứ gọi nôm na là nghe đài, tức nghe radio bây giờ.

Những năm cuối thập niên 50, sau đó tiếp đến thập niên 60, đầu 70 ở miền Bắc, thông tin đến với mọi người chủ yếu qua hệ thống đài phát thanh. Báo giấy như báo Nhân Dân, báo của đảng bộ các tỉnh thành chỉ dành cho cán bộ. Báo Nhân Dân ra hằng ngày, còn các báo tỉnh thành mỗi tuần chỉ có 2 - 3 số. Chính vì thế, phóng viên báo Nhân Dân oách lắm, đi tới đâu cũng được tiếp đón long trọng, nể vì, đãi cơm gà cá gỏi, trò chuyện một điều thưa anh, hai điều thưa anh, khi về lại lễ mễ quà cáp gói to gói nhỏ. Phóng viên thường trú báo Nhân Dân có lẽ quyền chỉ kém bí thư tỉnh thành, dọa ai một câu “cho lên báo” là đối tượng xanh mặt. Gần như một mình một chợ, tha hồ tác nghiệp.

Làm báo mà lên tới chức tổng biên tập báo Nhân Dân tức là kịch trần, cỡ ông Hoàng Tùng suốt bao năm được coi như thân tín của cụ Hồ, tới mức có những điều cần trao đổi hẹp thì cụ lại cho gọi chú Hoàng Tùng (theo hồi ký của ông Vũ Kỳ, thư ký của cụ). Và điều này nữa, cho tới tận bây giờ, có cả trăm tờ báo ra hằng ngày nhưng chỉ mỗi báo Nhân Dân được gọi là nhật báo. Kể cũng lạ.

Cũng thuộc cơ quan truyền thông trung ương nhưng phóng viên đài Tiếng nói Việt Nam ít nổi tiếng, không quan trọng bằng nhà báo của tờ Nhân Dân. Có lẽ trong hoàn cảnh thời bấy giờ, nhà đài chủ yếu chỉ đọc phát những bài đã in trên báo nên đội ngũ phóng viên mỏng, tên tuổi lặng lẽ. Người dân ít nghe đài bởi nhiều lý do: không mấy ai có radio (gọi là cái đài) bởi hiếm và rất đắt; nông thôn sau này có hệ thống loa truyền thanh, mỗi nhà một cái loa kim đơn giản hộp gỗ, trong chứa cục nam châm gắn với màng loa giấy nghe rè rè lí nhí, cũng chẳng vô lum vô liếc, công tắc công tiếc gì, cứ tới giờ tổng đài mở thì trố lên, hết giờ tự tắt cái phụp. Lại nữa, nông dân suốt ngày ngoài đồng, thời gian đâu mà nghe đài. Tối về còn tắm rửa giặt giũ, cơm cháo, lo thúc tụi trẻ con học bài, chưa kể rau bèo cám bã, xay thóc giã gạo, thôi thì trăm thứ việc lút đầu lút cổ, thở không ra hơi. Ngơi cái tay là mắt đã nhắm tịt, vừa kềnh xuống giường đã kéo gỗ ầm ầm, muốn nghe đài cũng chả gượng dậy nổi.

Vậy nhưng có người nghiện nghe đài, buổi tối vừa làm việc nhà vừa nghe, chủ yếu là mấy chương trình ưa thích: Tiếng thơ, Câu chuyện cảnh giác, Đọc truyện đêm khuya, Khắp nơi ca hát, Dân ca và nhạc cổ truyền. Và đặc biệt nhất, 2 thứ mà đài đem đến cho người dân có tác dụng thực sự. Thứ nhất, đó là bản tin dự báo thời tiết, mỗi ngày 2 lần, vào lúc sáng sớm và tối mịt. Thứ nhì, là tiếng tín hiệu báo giờ, vào những thời điểm chốt trong ngày: 6 giờ sáng, 12 giờ trưa, 9 giờ tối. Với đông đảo “bạn nghe đài”, nhất là nông dân, thì đó là những thời điểm quan trọng. Không có đồng hồ, lâu nay dựa vào tiếng gà gáy, vào độ cao mặt trời, nay thêm tín hiệu báo giờ để mà biết lúc phải ra đồng, đi học, đi canh gác máy bay. Chuỗi âm thanh 4 tiếng tút, 1 tiếng tít kéo dài, “tút, tút, tút, tút, tít…” đã thành ký ức khó quên của hàng triệu người thời ấy.

Xung quanh tiếng tút tít này có giai thoại vui. Một ông nông dân, nghe kể là ở Hưng Yên, tối hôm trước nghe đài phát bản tin dự báo thời tiết, loa rằng “gió nhẹ, nhiều mây, tầm nhìn xa trên 10 ki lô mét, đêm không mưa, ban ngày trời nắng” liền hối cả nhà dậy sớm thái khoai lang để chút nữa có nắng to thì đổ ra sân gạch phơi. Đã mấy ngày mưa gió sụt sùi, khoai kia không thái không có nắng phơi thì thối ủng hết mất. Khi cả tạ khoai đã thái xong, chẳng thấy ông mặt trời thò lên, chỉ mây đen kéo đặc, mưa sầm sập. Ông cụ giận lắm, chỉ tay vào cái loa kim mắng nhiếc “từ nay ông không tin mày cái gì nữa, ông chỉ còn tin mỗi tiếng tiếng tút tút thôi”. Cũng may “của tin còn một chút này”, chứ báo giờ mà cũng sai nữa thì ông cụ mất hết sạch. Còn hồi những năm 80 thì người ta truyền tai nhau chuyện bà con dân tộc thiểu số vùng cao khen “cái nhà nước trên đài” nó hay nó tốt hơn nhà nước trong thực tế nhiều.

Phải nói rằng những năm chiến tranh, mỗi lần hệ thống loa vang vang nhạc hiệu bằng bài Diệt phát xít (của Nguyễn Đình Thi) rồi hòa với giọng trầm ấm, rắn rỏi, vững vàng từ hai giọng đọc Việt Khoa - Tuyết Mai “Đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”, lòng người cứ tự dưng rạo rực, phấn chấn. Hồi nhỏ tôi được nghe người nhớn kể khi cụ Hồ chọn quốc ca, các mưu sĩ, cố vấn đã dâng lên cụ 2 bài, Tiến quân ca của Văn Cao và Diệt phát xít của Nguyễn Đình Thi. Cả hai ông dạo ấy đều rất trẻ, tuổi thanh niên, chưa qua trường âm nhạc nào nhưng đã đóng mốc chắc khừ vào nền âm nhạc nước nhà bằng hai ca khúc hào hùng, đầy âm vang thời đại. Cuối cùng cụ Hồ sau những suy nghĩ nâng lên đặt xuống, chọn Tiến quân ca làm bài hát chung của cả nước, để rồi chúng ta có bài quốc ca còn vang mãi tới bây giờ. Khi làm việc với ông Trần Lâm, giám đốc đầu tiên của đài Tiếng nói Việt Nam, bố ông Trần Bình Minh giám đốc VTV bây giờ, cụ Hồ nhất trí với nhà đài lấy bài Diệt phát xít làm nhạc hiệu. Thật vinh dự cho hai tác phẩm, hai nhạc sĩ, những âm thanh ấy đã đi suốt mấy cuộc chiến tranh, qua bao trắc trở gập ghềnh, khúc quanh lịch sử, vang mãi cùng năm tháng, lắng giữa lòng hàng triệu con người.

Có nhẽ cũng nên biên thêm ra đây tí ti chuyện xoay quanh hai bài hát lịch sử này. Điều may mắn là bài Diệt phát xít cứ thế gắn bó với nhà đài, hằng ngày nhạc hiệu vang lên trong mỗi buổi phát thanh, tới mức tự dưng lúc nào nó bặt đi thì dân chúng xôn xao, ngơ ngác hỏi nhau không biết đã xảy ra chuyện gì. Năm 1972, Mỹ mở lại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, nhất là 12 ngày đêm dữ dội, một trong những mục tiêu quan trọng nhất máy bay Mỹ phải phá cho bằng được là cột phát sóng chính của đài Tiếng nói Việt Nam, nhằm buộc nhà đài phải “im mồm”. Cột phát sóng cao cả trăm mét do Liên Xô giúp xây dựng tại vùng lúa Mễ Trì huyện Từ Liêm đã bị tên lửa Mỹ quật đổ nhưng chỉ vài phút sau trên không trung vẫn vươn cao bay vút làn sóng điện radio, vẫn dõng dạc “Đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”, liền mạch tới mức gần như bạn nghe đài chưa hề bị mất bị xén một buổi nào chương trình “Đọc truyện đêm khuya” hoặc “Truyện cảnh giác”, "Tiếng thơ". Đó phải nói là điều kỳ diệu. Đầu năm 1973, khi đám sinh viên chúng tôi kéo quân từ ven sông Cầu về Mễ Trì, tò mò tới coi khu vực cột phát sóng vẫn còn thấy cột cũ gãy gục nhưng cạnh đó đã ngạo nghễ vươn lên cột mới hoành tráng hơn, cao vút trời xanh, tỏa bóng xuống đầm sen Phùng Khoang đang vào mùa hàm tiếu ngào ngạt hương thơm.

Bài quốc ca Tiến quân ca mặc dù ở vị trí hàng đỉnh, ngôi vương của làng nhạc nước nhà nhưng lại không có được cái may mắn, xuôi lọt như bạn song sinh Diệt phát xít. Đầu thập niên 1980, chúng tôi nghe xì xào nhà nước sẽ đổi quốc ca. Ông bạn tôi, thầy giáo Nguyễn Văn Vy, một người cực kỳ nghiêm túc, trong cuộc họp bộ môn nghe ai đó thông tin điều ấy bèn bày tỏ ngay, bậy, tầm bậy, đổi gì thì đổi, xưa nay có ai đi đổi quốc ca bao giờ, ngay cả thay đổi chính thể có khi người ta còn ráng giữ lại quốc ca, nó là hồn cốt của nước của dân rồi, thay là thay thế nào... Thầy Vy làm một thôi một hồi, cứ như đang nói trước quốc hội tại hội trường Ba Đình chứ không phải cái phòng nhà cấp 4 rộng 10 mét vuông của tổ bộ môn. Nhưng mặc thầy Vy và những người như thầy, người ta, tức là người có quyền, cứ quyết định thay. Tôi còn nhớ láng máng báo chí đồng loạt đăng thông báo của đảng, nhà nước, quốc hội là sẽ đổi quốc ca cho phù hợp tình hình mới của cách mạng, nay quốc hội chính thức phát động cuộc thi sáng tác quốc ca mới. Nhiều bài báo phân tích rất “có lý có tình” thời đại mới ắt phải quốc ca mới, thậm chí có bài còn kể lể bóng gió cụ tác giả Văn Cao hồi xưa “phạm” thế này thế nọ, ý rằng không xứng đáng là tác giả quốc ca nữa, thay là đúng rồi. Rất nhiều người tham gia cuộc thi sáng tác tân quốc ca, từ những nhạc sĩ chuyên nghiệp như Huy Du, Hồ Bắc, Đỗ Nhuận, Nguyễn Đức Toàn, Hoàng Vân, Trần Chung… (để làm gương) tới những anh chỉ mới tập tọe vài ba nốt nhạc son phe, cũng hào hứng gửi tác phẩm về dự. Những bài được Ban Giám khảo chọn vào vòng trong đều được dàn dựng phát trên đài để lấy ý kiến quần chúng nhân dân. Tôi còn nhớ có bài của nhạc sĩ Hồ Bắc vào chung khảo. Ông là một nhạc sĩ tài hoa, trải qua hai thời chống Pháp và chống Mỹ viết nhiều bài rất hay, như Làng tôi, Bến cảng quê hương tôi, Tổ quốc yêu thương… nhưng quả thật khi nghe bài dự thi quốc ca của ông (lâu quá tôi quên tên) thì chỉ biết ngậm ngùi than hỏng hỏng. Nhiều nhạc sĩ lừng danh khác cũng rơi vào tình trạng vậy. Còn số những bài của “nhạc sĩ” không chuyên thì ôi thôi, như thầy Vy bảo, nếu được chọn làm quốc ca thì dân bịt tai chạy hết. Cuộc thi gia hạn đến cuối năm 1981 vẫn không chọn được bài nào mang hồn cốt quốc ca. Dân gian thời bấy giờ đùa, hay là chọn mấy bài kiểu Bèo dạt mây trôi, Người ơi người ở đừng về, Đèn cù… có sẵn mà lại hay, khỏi phải thi nữa. Cuối cùng, cuộc thi kết thúc không kèn không trống, chẳng ai tổng kết, chẳng công bố gì sất, để rồi Tiến quân ca của cụ Văn Cao vẫn chễm trệ tự tin không thể lay chuyển trong mỗi lần làm lễ chào cờ cho tới tận bây giờ.

Nguyễn Thông