Chuyện giò chả ngày tết thời bao cấp
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 07:24, 13/02/2018
Bây giờ nói chuyện thèm ăn giò, bọn trẻ nó cười. Tưởng thèm gì, lại thèm giò. Khổ, nào chúng có bao giờ chết thèm chết nhạt như mình hồi xưa mà hiểu được.
Nhớ lần trong một bài viết về thời bao cấp, tôi kể rằng hồi bé có khi cả năm cũng chỉ được một đôi lần ăn giò (mà mỗi món giò lụa), cô em tôi đọc xong, giãy nảy lên anh viết thế sai toét rồi. Hỏi sao sai, cô bảo chính xác là chỉ một lần thôi, vào dịp tết âm lịch, chứ ngoài ra không còn lần nào nữa. Ngày rằm, ngày cúng giỗ cũng chỉ thịt lợn thịt gà luộc rán kho nấu, tôm cá trên mâm cỗ cũng đậm hơn ngày thường, nhưng tịnh không có giò nhé. Đó là món của những bậc thượng lưu, đại phú, làm chi mà đến được dân quê. Ừ nhỉ.
Không được ăn giò nhưng biết đến giò từ bé. Đầu thập niên 1960, lúc mới đi học, vào lớp vỡ lòng của cụ giáo Bạt (học cụ được nửa năm thì chuyển lên lớp tập chép của cụ giáo Mông ở làng Trà Phương, xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, TP.Hải Phòng quê tôi), đám trẻ lên 5 lên 6 đứa nào cũng thuộc bài “giã giò, giỏ cá” khi cụ Bạt dạy đến dấu thanh hỏi và ngã. Âm o thì học ngay từ bài đầu tiên “Ò ó o” vẽ một con gà trống rõ oai vệ đang há mỏ cất tiếng gáy. Bài học văn hóa đầu đời thế hệ tôi bắt đầu từ con gà trống, từ tiếng gà gáy. Lâu nay người ta cứ cãi nhau đâu là âm đầu, thì đúng là âm a trong bảng chữ cái, nhưng học đầu tiên lại là âm o. Ấy, cái thời chúng tôi nó vậy, cãi cọ chi cho mệt.
Tôi cũng chả nhớ cụ giáo Bạt làng Trà có giải thích gì thêm về giò chả không bởi khi ấy còn bé quá. Lớn lên, lớn mãi suốt nhiều năm sau vẫn chỉ biết tới thịt lợn kho hoặc luộc, con tôm con cá kho mặn, họa hoằn con gà luộc, chứ không biết giò chả. Bọn trẻ con thỉnh thoảng hỏi nhau mày thèm món gì, đứa bảo chỉ thích thịt gà luộc, đứa thì thèm cá chép rán chấm mắm loại 1, đứa muốn ăn ruốc (thịt chà bông)... Nhưng chẳng đứa nào thèm giò, đơn giản bởi không biết món ấy mặt mũi nó ra sao. Phải nhớn chút nữa mới được nếm mùi vị giò. Giò lụa hẳn hoi, tự làm lấy.
Dạo nhà tôi đã vào hợp tác xã nông nghiệp (nửa đầu những năm 1960), thịt lợn hiếm lắm. Dân thành phố sướng hơn nhà quê, có sổ lương thực, có phiếu thực phẩm, chứ nông dân phải tự túc tự cấp hết. Lợn nuôi lớn không được giết thịt, phải bán tất cho nhà nước. Cám bã rau cỏ cho lợn thì dân tự lo, còn lợn do nhà nước quản. Ông nào mà giết lợn chui, họ biết được, có khi bị đi tù.
Đến Tết Nguyên đán hằng năm thì quy định có thoáng hơn. Hợp tác xã cho phép khoảng dăm bảy nhà được đụng với nhau con lợn 30-40 ký hơi. Thường hóa kiếp nó vào chiều 29 tháng chạp để mọi nhà còn có thịt sắp sửa cúng bữa trưa giao thừa 30. Nhà tôi hay đụng thịt lợn với nhà bác Ỷ, chú Chung, anh Trác, anh Huy… Chia rất đều, riêng chủ nhà nuôi lợn được nhỉnh hơn chút. Sau khi chia xong, thày tôi và bác Ỷ chọn những miếng nạc ngon nhất, còn nóng hổi, tươi rói, lọc hết mỡ hết gân, giao cho anh em tôi và anh em anh Tân - Sĩ con bác Ỷ, cả bọn ngồi dạng chân chèo giã thật lực. Tiếng chày giã giò đều đặn thình thịch vui tai ngày cuối năm, đến nỗi hàng mấy chục năm sau, ngay cả trong năm tháng bom đạn ầm ầm, cứ vang mãi trong ký ức, đến tận bây giờ. Thày tôi và bác Ỷ gói mỗi nhà một cái giò rõ to, rồi làm cả nem thính gạo rang trộn bì nữa. Có năm bu tôi và bác Ỷ gái còn gói bánh chưng, chả nhiều nhào gì, khoảng chục cái cho hai nhà, nồi luộc giò, luộc bánh chưng sôi sùng sục đêm 29, bọn trẻ túm tụm xung quanh vừa đỡ rét, vừa chờ vớt cái bánh mụi (bánh nhỏ được gói bằng chút gạo đỗ vét voi còn lại do không đủ một chiếc bánh) mà hai bà mẹ đã hứa cho. Anh Tân học trước tôi một lớp, hay chuyện tiếu lâm, kể chuyện suốt đêm, cả đám lăn ra cười trong ánh lửa bập bùng. Anh ấy giã giò khéo hơn anh em tôi nhiều, nhịp chày chắc nịch, đều, mạnh, thịt nhuyễn hơn. Đang học lớp 9 thì anh đi bộ đội, lính cao xạ. Trận địa trúng bom Mỹ, anh bị hơi bom ép mất sức khỏe phải ra quân, rồi tâm thần nặng, cứ suốt ngày đi rong ngoài đường hát nghêu ngao, nhất là câu “nơi chiến trận ta tiến lên phía trước, những bàn chân nhuộm đỏ đất quê hương, đất căm hờn giục ta nhẹ bước, súng trên vai mang bài hát lên đường”. Hồi giữa năm 80 tôi về quê nghe người làng kể anh đã mất rồi.
Lạ ở chỗ, khi đám dân quê chúng tôi bị “cấm vận giò chả” thì thời ấy vẫn thỉnh thoảng nghe có nhà nọ nhà kia, hoặc nhà giàu, hoặc cán bộ to, giò ăn không hết, phải đem kho lên ăn dần. Chú Cước có lần bảo chúng nó nói phét, giò thái mỏng như cái lá nhãn còn đếch có mà ăn, làm quái gì còn giò thừa mà kho. Mình nghèo nên cứ nghĩ ai cũng như mình. Thế mà có lần trên báo Hải Phòng kể chuyện nhà kia khi xin nước gạo của một gia đình giàu về nuôi lợn, khua tay vào đáy thùng nước gạo mò được cả mấy miếng giò thiu. Kinh thật, đúng là kẻ ăn không hết người lần không ra.
Bao nhiêu năm ròng chỉ ao ước biết đến bao giờ được ăn miếng giò cắn ngập chân răng. Đầu năm 1973, đám sinh viên chúng tôi từ nơi sơ tán trên Hà Bắc được chuyển về Hà Nội. Có lần ông anh họ tôi sống ở thủ đô chở thằng em đi chơi cho biết phố phường. Hai anh em lọc cọc chiếc xe đạp ngang qua nhà hàng Phú Gia trông ra hồ Gươm. Anh tôi bảo đây là nơi ăn uống sang trọng bậc nhất của Hà Nội, đặc biệt có món cơm tám giò chả. Tôi hỏi anh đã được ăn Phú Gia bao giờ chưa, anh cười, thì tao cũng chỉ nghe người ta nói thế chứ tiền đâu mà vào. Nhưng anh nói thêm, đám dân các vùng Vọng, Cót, Chèm, Vẽ, Mễ Trì… họ vẫn vào nội thành bán cơm tám giò chả, mỗi người chỉ một cái thúng, đậy tấm vỉ cói đan, xung quanh chèn ủ rơm cho nóng. Họ đi rao khắp phố, “cơm tám giò chả đơi, ai ăn ra mua nào”, chỉ có điều phải mắt trước mắt sau dòm chừng mấy ông quản lý thị trường, bởi gạo và thịt là thứ do nhà nước quản lý, xem như hàng quốc cấm, họ mà tóm được thì mất cả thúng lẫn giò.
Bữa giò ngon nhất trong đời tôi là bữa cơm ở nhà nàng. Chiều 30 tết Giáp Dần 1974 tôi còng lưng đạp xe ra nhà nàng ở Phòng (tức nội thành Hải Phòng) để chúc tết. Bu tôi mua 2 chục cam rõ ngon, buộc cẩn thận vào gác ba ga xe đạp, dặn con ra biếu và chúc tết ông bà (thông gia). Mẹ nàng và cả chị Quý và các em ân cần giữ tôi lại ăn cơm chiều giao thừa rồi hẵng về. Tôi ngập ngừng nhưng nhưng cuối cùng đánh liều ở lại, nhưng trong bữa giữ ý ăn nhỏ nhẻ. Nàng biết vậy cười tủm tỉm, gắp cho tôi liên tục, bát cơm tú hụ những giò lụa, tôi căng bụng giò. Giờ nhiều lúc nhớ lại, nghĩ mình hồi ấy cũng tợn thật.
Nguyễn Thông