Sau chuyện đời tư đẫm nước mắt kể trên truyền hình, Lê Giang và các nghệ sĩ được gì?
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 06:47, 07/12/2017
Khi những gameshow hài nhảm, hài tục tạm thời lắng xuống bởi nhận được sự phản ứng, chỉ trích lên án của dư luận xã hội thì một thể loại truyền hình mới xuất hiện. Đó là những talkshow truyền hình chuyên khai thác chuyện đời tư của nghệ sĩ. Có thể nói đây là đề tài thu hút sự quan tâm của một bộ phận khán giả. Bất cứ chương trình truyền hình nào, đặc biệt là những chương trình giải trí, nếu có khán giả, có lượng người xem (rating) nhiều cũng đồng nghĩa nó sẽ có những hợp đồng quảng cáo béo bở kèm theo, và nhà sản xuất tha hồ thu lợi nhuận từ việc “bán” những câu chuyện đời tư của nghệ sĩ… còn hậu quả nó như thế nào liệu họ có quan tâm đến hay không?
Trong số những chương trình truyền hình chuyên khai thác chuyện đời tư của nghệ sĩ vừa đề cập ở trên có thể kể đến những cái tên “đình đám” gây xôn xao trong dư luận vừa qua là những talkshow như Lần đầu tôi kể (HTV2), Chuyện tối nay với Thành (BRT), Sau ánh hào quang (HTV7)… Khách mời của chương trình này là những nghệ sĩ nổi tiếng, rất quen thuộc với mọi thành phần khán giả. Từ đó những câu chuyện đời tư đẫm nước mắt trong quá khứ của họ được lần lượt phơi bày trên sóng truyền hình. Thậm chí có những câu chuyện không mấy liên quan đến con đường phấn đấu gian nan để đến với nghệ thuật của họ như bị chồng đánh, người yêu phản bội, tình tay ba tay, li hôn… được kể một cách rất “hồn nhiên” không thương tiếc.
Có thể hiệu quả từ những câu chuyện thương tâm đó sẽ giúp cho người nghệ sĩ nhận được sự thương xót, chia sẻ, đồng cảm của khán giả trong một giới hạn nhất định nào đó. Thế nhưng đối với những người có liên quan trực tiếp trong câu chuyện sẽ gặp vô vàn rắc rối trong đời sống hiện tại bởi sự đàm tiếu, thậm chí bị ghét bỏ và lên án của cộng đồng. Đó là chưa nói nhân vật chính trong talkshow có “diễn” hay không và lời nói của họ chứa bao nhiêu phần trăm sự thật. Nếu bình tâm hơn, người xem truyền hình sẽ dễ dàng nhận thấy câu chuyện thường được khai thác một chiều, không hề có sự kiểm chứng đối đáp của "người thứ ba".
Dù được nhân vật chính chấp nhận chia sẻ những góc khuất trong quá khứ trên sóng truyền hình, thế nhưng cách khai thác quá đà của nhà sản xuất cũng có thể dẫn đến những hậu quả liên quan đến pháp lý do làm tổn hại đến người có liên quan.
Trên thực tế, việc khai thác “chuyện đời tư” của người khác đã bắt đầu có những diễn biến phức tạp. Cụ thể là trong chương trình Sau ánh hào quang được phát sóng gần đây, nghệ sĩ Lê Giang đã có những chia sẻ về bi kịch của cuộc đời mình trong quá khứ với chồng cũ là diễn viên hài Duy Phương. Trong đó, Lê Giang nói đến việc bị chồng cũ bạo hành ném từ cầu thang xuống… Thế nhưng nghệ sĩ Duy Phương đã chính thức lên tiếng bác bỏ những thông tin đó. Duy Phương cho rằng danh dự của ông bị ảnh hưởng nặng nề sẽ nhờ luật sự khởi kiện.
"Chương trình phát sóng đã ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống và tinh thần của toàn bộ gia đình tôi. Tôi đang kinh doanh buôn bán, khi cuộc nói chuyện một chiều của Lê Giang lên sóng, người ta đánh giá tôi rất nặng nề. Mấy nay đâu có còn ai tìm đến quán tôi uống vài chai bia, những tổn thất này ai sẽ chịu? Nói tôi bạo hành, đây là tội hình sự, đâu có thể muốn nói là nói. Tôi muốn làm việc với bên chương trình, ai là người làm ra nó. Chương trình là để giáo dục người ta trở thành những người tốt, đâu phải là chỗ phỉ báng danh dự người khác thiếu chứng cứ như vậy. Tôi cũng là nghệ sĩ, nhiều người biết cách liên lạc với tôi, sao họ không hỏi tôi dù chỉ một câu là "Anh Phương ơi, điều này có đúng hay không?", sao có thể thông tin một chiều? Ai là người giám sát, ai là người cho lên sóng đều cần phải đứng ra chịu trách nhiệm" – nghệ sĩ Duy Phương bức xúc lên tiếng.
Chưa biết sự việc của nghệ sĩ Duy Phương và chương trình Sau ánh hào quang sẽ diễn biến đến đâu nhưng rõ ràng đây là lời cảnh báo cho việc lạm dụng khai thác chuyện đời tư của nghệ sĩ một cách thái quá sẽ có nhiều khả năng dẫn đến những hậu quả rất tiêu cực.
Về phía người nghệ sĩ cũng cần hiểu rằng để có được sự ái mộ của khán giả chính là do tài năng, công sức, sự phấn đấu không ngừng nghỉ trong quá trình lao động nghệ thuật chứ không phải từ những câu chuyện đời tư bi thảm đầy nước mắt trong quá khứ. Khi xác định mình là người của công chúng thì người nghệ sĩ cũng phải xác định rằng những câu chuyện mình sắp chia sẻ sẽ ảnh hương tiêu cực hay tích cực đến người khác, từ đó nên cân nhắc đưa ra những quyết định sáng suốt. Có những quá khứ cần được nói ra nếu đó là bài học để người khác tránh sai lầm như mình từng vấp phải, và có những quá khứ cần được khép lại nếu điều đó có nguy cơ làm ảnh hưởng đến đời tư của của người khác.
Giữa bối cảnh các chương trình giải trí trên truyền hình đang có xu hướng ngày càng nhạt nhẽo và nghèo nàn về thể loại thì việc xuất hiện một chương trình có đề tài mới lạ để thay thế là điều đáng hoan nghênh, đặc biệt những chương trình nói về sự nghiệp, sự phấn đấu vươn lên, cũng như những góc khuất chưa biết về người nghệ sĩ sẽ góp phần giúp khán giả có được góc nhìn đa chiều về thần tượng của họ… Tuy nhiên chuyện đời tư của nghệ sĩ được khai thác ở giới hạn nào, đó mới là câu chuyện cần bàn tới một cách nghiêm túc.
“Nếu nhân vật tiết lộ bí mật đời tư mà xâm phạm, gây ảnh hưởng tới người thứ ba thì người kia có quyền khởi kiện vì tội danh xâm phạm bí mật đời tư. Đó là, trong trường hợp nhân vật nêu đích danh tên tuổi người thứ ba. Trường hợp không chỉ đích danh, không ai có quyền khởi kiện nhân vật bởi mọi thứ chỉ là suy diễn”.
Luật sư Hồng Thái
(Giám đốc Công ty Luật Quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp)
Tiểu Vũ