Nhà thơ Nguyễn Duy nhỏ lệ khi 'Tưởng Niệm' vua Duy Tân trên đất Huế
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 10:31, 28/09/2017
Từ đảo Réunion đến sân khấu đèn màu
Đêm 26.9 là đêm đặc biệt với nhà thơ Nguyễn Duy bởi đây là lần đầu tiên ông đọc thơ, ngâm thơ và thưởng thức thơ của chính ông ngay trên đất Huế, dẫu ông đã sáng tác từ rất lâu và có không ít bài thơ về vùng đất cố đô nhiều duyên nợ này. Và có lẽ từ khi quen biết, kết giao với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn năm 1975 đến nay trên đất Huế, hôm nay Nguyễn Duy mới có dịp “trở về” giao tình với người bạn quá cố trong một tâm thức khác. Đó là chương trình “Vọng cố đô” như một buổi giao tình với một chương trình nghệ thuật do gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nhà thơ Nguyễn Duy tổ chức.
Chương trình được diễn ra tại một hội trường không lớn của ĐH Huế thuộc khối nhà có từ thời Pháp thuộc; sân khấu được trang hoàng đơn sơ dưới ánh đèn màu với tấm pano in hình ảnh cửa Hiển Nhơn cổ kính (1 trong 4 cửa của Hoàng thành, đại nội Huế) mang dấu ấn kiến trúc Đông - Tây giao thoa độc đáo. Trong số các tác phẩm trình bày của nhà thơ Nguyễn Duy, có lẽ mang lại nhiều cảm xúc nhất cho người nghe và chính vị tác giả tuổi 70 này là bài thơ “Tưởng Niệm” - khóc vua Duy Tân (Tuyển tập Thơ lục bát, NXB Văn nghệ 2017).
Nghệ sĩ Thanh Tâm (Huế) giúp NSND Thanh Hoài (Hà Nội) đứng dậy sau khi kết thúc ngâm bài thơ Tưởng Niệm về vua Duy Tân với tâm trạng quá xúc động - Ảnh: Nhật Lam
Nước mắt không kìm nổi của NSND Thanh Hoài sau câu thơ “Người yêu nước chẳng mất ngôi bao giờ…” - Ảnh: Nhật Lam
Chia sẻ với Một Thế Giới, nhà thơ Nguyễn Duy kể cách nay hàng chục năm ông đã đến viếng ngôi nhà mà vua Duy Tân trú ngụ ở đảo Réunion, Ấn Độ dương khi vị vua bị thực dân Pháp lưu đầy và nhà thơ cũng đã từng đọc thơ trước mộ đức vua khi mà hài cốt ngài chưa được đưa về Huế an táng. “Lúc nào đọc thơ về vua Duy Tân tôi cũng khóc, trước mộ ngài tôi cũng khóc và lần này tôi cũng không ngăn được cảm xúc ấy. Ngài là vị vua yêu nước và thật sự tài giỏi nhưng lại gặp phải nghịch cảnh… Mình hay xúc động khi nghĩ và đọc về ngài”, nhà thơ thổ lộ
Bài thơ “Tưởng Niệm” có 3 khổ, mỗi khổ 4 câu và nhà thơ đã kết thúc bằng tiếng nấc nghẹn ngào khi đọc gần như đứt quãng những chữ cuối cùng. “Mặt trời vẫn mọc đằng đông/lăng minh quân vẫn dựng trong lòng người/bao triều vua phế đi rồi/người yêu nước chẳng mất ngôi bao giờ…”. Không chỉ nhà thơ Nguyễn Duy, khi chuyển sang thể hiện bằng hình thức chèo, NSND Thanh Hoài cũng đã không cầm được nước mắt. Bà run lên trong mỗi câu từ, vầng điệu và rồi chấp đôi tay vái vọng trong mắt lệ nhòa: “Người yêu nước chẳng mất ngôi bao giờ…”.
Nhà thơ Nguyễn Duy Xúc động khi đọc, ngâm một số bài thơ của mình về Huế - Ảnh: Nhật Lam
Chia sẻ với chúng tôi, NSND Thanh Hoài bộc bạch: “Khi đọc bài thơ về vua Duy Tân, mình đã cố cầm lòng lại vì sợ phải khóc mà không ngâm được. Và rồi khi ngâm, mình như thấy ngài trở về đây chứng kiến, về với con cháu. Ngài là người rất có công với đất nước mà lại bị lưu đày, tấm thân nằm lại hàng chục năm nơi xứ người mãi sau này mới về được với sông Hương, cứ nghĩ thế nên mình không kìm được nước mắt”, NSND Thanh Hoài xúc động.
Tiếp biến thi ca và âm nhạc
Tham gia “Vọng cố đô” có hàng chục nghệ sĩ gạo cội của nhóm nghệ thuật Đông Kinh Cổ Nhạc (Hà Nội) và nhóm Nghệ thuật Phú Xuân Huế. Cùng với một số ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được trình diễn, “biến tấu” dưới làn điệu vè Huế và “Hò mái nhì”, trong thời gian ngắn ngủi của chương trình, nhiều bài thơ hay, lay động của nhà thơ Nguyễn Duy viết về Huế, về những người bạn Huế cũng đã được trình bày như: Đi ngang thành nội (1976) và một số tác phẩm thơ xuất bản năm 2017 như Giấc Huế, Nhớ bạn (tặng Hoàng Phủ Ngọc Tường), Hỏi thăm (tặng Bửu Chỉ), Nét và hình (tặng Trịnh Công Sơn)…
Đặc biệt, nhiều tác phẩm không chỉ được ngâm bởi chính tác giả, mà còn được thể hiện dưới làn điệu âm nhạc cổ truyền như hát chèo, chầu văn (Nét và hình), hát văn và hầu đồng (Tôi và em, và thánh thần), hát xẩm (Xẩm ngọng)… đã đưa người nghe trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Nhà thơ Nguyễn Duy cho rằng với hình thức thể hiện thơ của ông qua làn điệu âm nhạc cổ truyền Bắc bộ như thế có thể dễ chấp nhận. “Những bài thơ ấy là thơ lục bát nên khi thể hiện trên nền nhạc truyền thống Bắc bộ thì vào rất là ngon, ngọt lừ. Như cá gặp nước ấy”, nhà thơ Nguyễn Duy nói vui.
NSND Xuân Thạch với hát xẩm “Xẩm ngọng” của Nguyễn Duy - Ảnh: Nhật Lam
Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh (bìa phải) đại diện gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tặng hoa cho các nghệ sĩ tham gia biểu diễn chương trình “Vọng cố đô” - Ảnh: Nhật Lam
Ngay cả tuyệt tác “Đánh thức tiềm lực” không chỉ được tác giả đọc trong trào dâng xúc cảm, mà còn được NSND Minh Gái (Hà Nội) hát bằng tuồng Bắc để tạm kết chương trình “Vọng cố đô” cũng đã khiến nhiều người ngỡ ngàng bởi không chỉ cái chất đau đáu về thời cuộc có trong bài thơ, mà còn là phương thức thể nghiệm đầy thi vị của sự tiếp biến giữa âm nhạc truyền thống và thi ca đương đại.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế tham dự chương trình
Trên hàng ghế khán giả, cùng với bạn bè người Việt và ngoại quốc của nhà thơ Nguyễn Duy và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, những khán giả ái mộ họ, còn có vợ chồng Chủ tịch và Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao và Nguyễn Dung. Họ chăm chú lắng nghe, thưởng thức các tác phẩm của hai vị nghệ sĩ suốt chương trình với hơn 1 giờ rưỡi. Đây là điều hiếm thấy với lãnh đạo tỉnh này trong một chương trình nghệ thuật mang tính giao tình và ở cấp quy mô "gia đình", nhất là những ngày này Huế đang bận rộn với các chương trình nghị sự trong khuôn khổ APEC.
Nhật Lam