Thú nhàn du đi nhà sách của người Sài Gòn
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 08:00, 22/07/2017
Tuần trước, sáng thứ Ba, nhân việc tìm một cuốn sách cũ, tôi thử lên mạng “tra cứu”. Thực ra thông tin về các nhà sách internet đã có từ lâu nhưng vốn là kẻ vẫn hay đi tìm sách thực chứ không ảo nên bây giờ tôi mới thử. Ở trang web của Tiki.vn hướng dẫn tôi điền 1 số thông tin như địa chỉ email, tên sách, số điện thoại và cần mua sách tên gì? Thể loại nào? Giao ở đâu? Tôi vừa chuyển mail ít phút thì đã nhận được hồi báo tôi sẽ nhận được sách vào trưa ngày thứ Tư.
Thế nhưng, nhanh hơn thỏa thuận, gần cuối giờ chiều thứ Ba tôi đã nhận được điện thoại của nhân viên Tiki đang đợi ở dưới tiền sảnh văn phòng. Tôi vừa bước xuống đã nghe tiếng chào của một cậu thanh niên khá trẻ. Em vẫn ngồi trên xe máy và đang chở một thùng hàng nặng. Em cho tôi biết, trong thùng toàn là sách và em sẽ đi giao ngay cho khách hàng mới kịp hợp đồng hôm nay. Tôi có nói với em là tôi không vội, trưa mai, thứ Tư, đúng hẹn Tiki giao cho tôi vẫn được. Em cười cho biết kịp thời và nhanh nhất cho khách hàng vẫn là cung cách chọn lựa phục vụ của công ty em. Kể câu chuyện này tôi muốn nói rằng, chúng ta ai cũng dễ dàng tìm được cuốn sách, tác phẩm mình cần với vài cú gõ trên máy tính.
Các nhà sách trên mạng giao ấn phẩm người đặt mua tận nơi và rất nhanh.
Nhưng nhàn du đi nhà sách tìm sách vẫn là cái thú nhất với người đọc. Hình như vậy. Bởi cái sự đọc cần ung dung, thong thả. Không thể vội mà lĩnh hội được cái sâu sắc, cái hay của chữ nghĩa. Được thả mình trong thế giới trang trí huyền ảo bởi hàng ngàn tác phẩm...
Có những chiều Sài Gòn phố nhưng cũng có những chiều Sài Gòn sách. Nhàn du để "đóng hộp" trong một nhà sách và thỏa trí tưởng tượng với thế giới muôn màu đa sắc của nó. Ừ, thì cũng là một thú chơi!
Những nhà sách tôi vẫn thường hay đến là Nguyễn Huệ, nhà sách Sài Gòn, Thăng Long, Khai Trí… Nhiều, nhiều lắm không thể kể hết. Ngoài các nhà sách của hệ thống Fahasa, các công ty cổ phần như Phương Nam, là các nhà sách tư nhân làm sách đáng nể trên thị trường như Quang Minh, Trẻ, Văn Lang, Trí Việt, Nhã Nam, Huy Hoàng, Sách Hà Nội...
Họ dám đầu tư lớn vào những bộ sách của Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Đăng Thục, sách triết học với những cái tên nặng ký như Lịch sử triết học phương Đông, Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Thiền luận, Xã hội học đại cương, Những tư tưởng lớn từ những tác phẩm vĩ đại, Kinh văn của các trường phái triết học Ấn Độ, Những điều trọng yếu trong tâm lý học... Thành thử tiện đâu đi đấy. Như xem chim hót, ngắm cây thế, xem cá kiểng. Thi thoảng tiện đường Gò Vấp thì tạt vào Nguyễn Thái Sơn, Thiên Vương; đi Bình Thạnh thì Nguyễn Văn Cừ, An Thái… Cũng khá thú là chuyện sách ở Ngã Năm Chuồng Chó. Cách không xa nhà sách Lạc Xuân bao nhiêu là nhà truyền thống thư viện Gò Vấp. Ở đó có quán cà phê cóc mà người khách thường trực mỗi ngày là ông già Sơn Nam. Sau một chầu đối ẩm với ông, "bắn" qua nhà sách bề thế bên cạnh, đối mặt với một dãy toàn những tác phẩm "khai khẩn đàng trong" của nhà văn do Nhà xuất bản Trẻ thực hiện sau khi mua "trọn gói" bản quyền, mới thấy người càng lúc càng già, chỉ có sách mỗi ngày mỗi trẻ. Cũng ở chốn này tôi từng diện kiến Vương Hồng Sển và Bùi Giáng. Vương thì ngồi như bất động trong tĩnh đường của mình và Bùi thì tung gậy múa may quay cuồng vì một kỳ thú nào đó đang nhập thế vang vọng trong tâm trí. Rồi họ theo thời gian đi xa mãi. Chỉ còn những cuốn sách như những con mắt tình nhân ngóng xuống từ trên cao.
Nhà sách Nguyễn Huệ - Quận 1 trung tâm Sài Gòn
Sách thì vẫn chỉ là… sách thôi nhưng không gian cho nó mỗi nơi mỗi khác. Đó cũng là cái thú cho người "du sách". Du là nhàn, là đi chơi, là ngắm ngưỡng. Nhiều khi chẳng để tìm kiếm hay cần phải mua một cuốn nào. Ở nhà sách Nguyễn Huệ đài các và sang trọng, người chơi như được "sang" lên với sách vì rành rành là đang đứng ở khu trung tâm. Ở Xuân Thu lại có khu sách ngoại văn giảm giá. Nhiều cô cậu sinh viên đang chụm lại bàn bạc nên chọn cuốn nào giữa Vendredi ou Les Limbes du Pacifique của Michel Tournier hay Tropsic of Capricorn của Henry Miller. Ở nhà sách Sài Gòn thì cách xếp đặt bố cục, giới thiệu tác phẩm mới có vẻ bắt mắt. Có riêng một giá trưng bày những cuốn sách nổi tiếng trong giới "trường văn trận bút" vừa xuất hay tái bản
Kể cũng lạ vì nhà sách có nhiều "đầu" mới nhất và cập nhật nhất với tôi lại là Nguyễn Văn Cừ, nhưng không phải ở quận 5 bên hông trường Đại học Khoa học tự nhiên mà ở cuối giao đường Xô Viết Nghệ Tĩnh theo hướng đi ra Bến xe Miền Đông. Ở đây gần như xuất hiện đầy đủ các cuốn sách mới vừa được giới thiệu quảng bá rầm rộ trên báo chí. Nhất là các đầu sách in ở phía Bắc. Ví dụ như Chỉ tại con chích chòe của Dương Tường, Đi tìm nhân vật của Tạ Duy Anh, Cơ hội của Chúa của Nguyễn Việt Hà hay Cõi người rung chuông tận thế của Hồ Anh Thái, Báu vật của đời của Mạc Ngôn hay Linh Sơn của Cao Hành Kiện, Cây không gió của Lý Nhuệ…
Năm 1992, nhà văn kiêm nhà phê bình Robert Coover, "cha đỡ đầu" của siêu tiểu thuyết tiên đoán trên tờ New York Time Book Review một "ngày tận thế của sách" với sự ra đời của sách điện tử. Cáo chung năm kỷ nguyên của sách in đồng thời khai tử cho cách viết và cách đọc truyền thống sẵn sàng bước qua thời kỳ "hậu Gutenberg". Nếu ngày ấy trở thành hiện thực thì sao nhỉ? Còn đâu những chiều nhàn du sách Sài Gòn? Nhưng thôi, cứ hy vọng ngày ấy mãi sẽ là "mơ về xa lắm"!
Bởi cái thi vị ở sách in không hẳn ở chỗ chất lượng, nội dung một tác phẩm mà còn chính là màu sắc, là một nhu cầu văn hóa. Chưa bao giờ sách in đẹp và nhiều như hiện nay. Nhìn sách uy nghi bày lớp lang trên giá trong những nhà sách khác gì những hoa văn trang trí trên trần cung điện tâm hồn lộng lẫy. Sách như những pháo đài ngôn ngữ mà qua mỗi chiếc bìa oai phong như một chiến hạm.
Với sách, như trước một thế giới mới sẽ khám phá hãy bước chậm...
Một hiệu sách đẹp ở nước ngoài
Khi đường sách Nguyễn Văn Bình một địa chỉ văn hoá, ngay trung tâm Sài Gòn, bên hông nhà thờ Đức Bà mở ra, gần như tề tựu được bạn bè, độc giả yêu sách, mê sách, tìm sách. Tìm được một tác phẩm hay, như ý mở ra trước một ly cà phê đen giữa chiều nhạt nắng với từng trang giấy thơm tho ngỡ không có gì thích hơn và thú hơn.
Tôi có một người bạn là họa sĩ trình bày nổi tiếng, đã mất. Thỉnh thoảng, đến nhà sách ngắm những chiếc bìa do anh thiết kế tôi lại nhớ...
Thử hình dung những e-books, hyper-fiction, hypertext… sẽ được trưng bày hay có những chiếc bìa ra sao nhỉ? Liệu có phải là những màn hình to đùng, chữ nhoay nhoáy, màu sắc phóng tràn loạn xị?
Số phận con người và thời gian càng mỏng manh bao nhiêu nếu như chỉ đặt dưới một phím enter hay một nút backspace.
Khi không còn hình thức, nó sẽ dễ dàng bị lãng quên hay ngập lút trong vô vàn sự kiện. Không còn những bước chậm cho những chiều nhàn du sách…
Đường sách Sài Gòn 18.7.2017
Nguyễn Hữu Hồng Minh