Sài Gòn, góc khuất tận cùng ồn ã và sâu lắng
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 18:34, 26/06/2017
Sống ở Sài Gòn trên dưới ba mươi năm mình nhận ra một điều thú vị đó là một dòng mạch sống chảy sinh động, tươi tắn chưa bao giờ đứng lại. Ở những thành phố khác có thể cũng vậy nhưng nhịp chậm và trầm hơn nên đôi khi khuất lấp, chúng ta không nhận ra. Đặc biệt thời hoàng kim của báo giấy. Cứ thử hình dung mỗi buổi sáng người qua sạp có thể chứng kiến trước mắt hàng trăm tờ báo, tạp chí, phụ san… đủ sắc màu sắc sặc sỡ. Tin tức thượng vàng hạ cám. Thời báo mạng thì sôi động chỗ khác. Một sự kiện văn hoá, showbiz diễn ra đều được tạo sóng trên mỗi facebook cá nhân lan đến tận từng comment nhỏ. Và cứ thế, tự tắt lặn đi lúc nào không biết. Bởi chờ đón một trận thuỷ triều khác. Cảm giác như mỗi ngày đều có một cơn sóng lớn. Nhiều thú vị và bất ngờ.
Như vụ tiền và tình của Cao Toàn Mỹ và hoa hậu Trương Hồ Phương Nga đưa nhau ra toà diễn ra giữa màu hè năm nay. Hết đợt sóng này đến con sóng khác. Nhiều chi tiết lật xoáy, bất ngờ, khó tin, vô tiền khoáng hậu. Mà dư luận cũng chẳng nghiêng hẳn về bên nào. Cuộc đời là thế! Hài cười ra nước mắt. Sài Gòn là thế! Mỗi người một vai diễn. Đôi khi hội thoại, độc diễn một mình trên facebook mà nhiều sáng tạo cũng có khối kẻ theo dõi, khối người like. Và cũng chỉ thế thôi! Hồn ai nấy giữ. Hồn ai người ấy mang đi…
Thi sĩ Bùi Giáng có nhiều câu thơ gắn liền với phường phố, đời sống thị dân Sài Gòn
Còn nhớ có lần tò mò mình đã tìm đến uống cà phê Highland ở Manor Nguyễn Hữu Cảnh gần cầu Sài Gòn. Highland là một chuỗi cà phê sang trọng chiếm những vị trí đẹp nhất ở Hòn ngọc Viễn đông này. Vậy mà tại Manor đã phát hiện ra trong bánh kem có 1 con chuột chết ngọt (!). Sự kiện này gây ồn ào trên các mạng xã hội suốt thời gian đó. Mình cũng tò mò vào xem hình ảnh con chuột đó trên các trang mạng. Phải nói rất khó phân định có phải đúng là chuột thật hay không vì nó phết đầy… socola nâu! Giám đốc Highland là một người nước ngoài cũng lên báo chí phân trần, nói lại cho rõ. Đọc kỹ cũng chẳng biết thực hư có chuột hay không? Mình ghi lại chuyện này cốt để nói ở Sài Gòn mọi thứ có thể diễn ra một cách bất ngờ. Nó như bản chất cuộc sống. Trôi chảy, bất đắc dĩ. Không điều gì lại không có thể ở Sài Gòn. Ai có thể nghĩ trong bánh kem cao cấp của một thương hiệu nổi tiếng lại có chuột (!). Và cũng không loại trừ việc sắp đặt hạ bệ nhau của các đối thủ. Mọi việc duyên dáng, ùn đẩy nhau đi…
Trong văn chương cũng vậy! Một thời và có lẽ đến bây giờ vẫn còn quan niệm rằng văn chương chính thống phải ở Hà Nội. Sài Gòn chỉ là đất báo chí mà thôi! Cách so sánh như thế có vẻ không ổn. Ở chỗ văn chương Sài Gòn vẫn sống, vẫn chảy một dòng riêng, mặc kệ thị phi. Cứ tưởng tượng văn chương Sài Gòn có thể loại trừ các ông Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam, Vương Hồng Sển, Nguyễn Hiến Lê… mà xem! Còn gì là Sài Gòn nữa! Mà các ông cứ viết tưng tửng chơi chơi, chơi tháo máu theo cách của các ông đấy chứ! Có phải trửng giỡn, tầm ruồng đâu! Nhưng cái cách của các ông hình như tiêu sái! Chẳng xem quan trọng để đời, vang danh hậu thế là gì! Cứ viết thôi! Lúc hai mươi tuổi mình thích văn Nguyễn Tuân. Thấy ông sắc sảo, tư biện, đọc ký nghe hơi văn cứ choang choang, mê lắm! Nhưng sau đó đọc Phạm Công Thiện lại thấy Nguyễn Tuân thua hẳn! Phạm Công Thiện lại có vẻ điên thật. Trí tuệ, phá sản trào lộng! Nguyễn Tuân vẫn còn “hơn thua” với văn chương nhiều! Phạm Công Thiện thì không! Chẳng hơn thua gì! Viết là giết, là diệt! Tới cùng thì thôi! Vỉ vậy so sánh thật khó! Các giá trị còn thay đổi theo từng thời kỳ, từng lứa tuổi!...
Những tác phẩm viết về Sài Gòn của học giả Vương Hồng Sển
Sài Gòn cứ chảy một dòng riêng biệt như thế! Nó ồn ã, vui tươi! Chấp nhận mọi trào lưu, mọi thay đổi! Cứ tưởng nó tưng tửng như không biết đoái hoài giận hờn gì, sao cũng được như thực tế, thấy vậy mà không phải vậy!
Mình chơi với anh Nguyễn Thanh Hoài, là người cháu rể của Bùi Giáng thực hiện di cảo của ông. Có lần mình hỏi anh hai câu thơ: “Sài gòn chợ lớn rong chơi / Đi lên đi xuống đã đời du côn” có phải do Bùi Giáng viết không? Anh Hoài nói theo anh là không! Thơ ứng khẩu của Bùi nhiều bao nhiêu thì thơ dân gian viết rồi gán ghép cho Bùi cũng nhiều như vậy! Tuy nhiên, Bùi không khi nào càn quấy đến mức nhận thân phận mình là “du côn” như cách biểu đạt trong hai câu này. Bùi giáng cực kỳ ý thức về thân phận mình. Điên cũng chỉ là một cách thế mà ông lựa chọn cho một giai đoạn quá nhiễu nhương của thời cuộc. Và điều đó không phải cứ ném tất cả những gì càn quấy, phản trí thức, dân chủ vào ông cũng được! Ông đâu phải cái sọt rác! Viết “du côn” như hai câu thơ trên là quá lộ liễu, nhằm ám chỉ một việc nào đó. Không phải tinh thần của ông.
Chương trình tưởng niệm nhạc sĩ Y Vân "60 năm cuộc đời"
Nhạc sĩ Y Vân viết ca khúc “Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi” nhịp điệu sôi trào cũng nói lên được cái đẹp rực rỡ, quấn quýt man dại của Hòn Ngọc Viễn Đông. Một Sài Gòn trước 1975. Thế hệ viết bọn mình không biết nhiều lắm về đời sống văn nghệ sĩ thời đó. Mà quả thật, mình cũng chưa đọc được cuốn sách nào viết về chuyện này. Mà mình xem cũng khá nhiều từ Tạ Tỵ, Dương Nghiễm Mậu, Cung Tích Biền, Nguyễn Mạnh Côn, Hồ Hữu Tường, Vũ Hạnh… nhưng phần lớn đó là những tác phẩm lẻ mẻ. Cái tinh thần chung của văn nghệ một thời đoạn gần như không có. Nghe kể nó đẹp như một huyền thoại nhưng cũng ba lăng nhăng như huyền thoại! Người kể khi tiếc nuối thường tiết chế thêm một số ảo ảnh! Nhiều đứa bạn mình nói đó là thiên đường cộng hòa văn nghệ! Thời tươi đẹp đó không bao giờ trở lại! Mình thì chẳng bao giờ tin vào thiên đường! Mình chỉ thích nét phồn thực của một cái chợ trời dân chủ! Màu sắc và hương vị sáng tạo thường thoát xác trầm tư chỗ ấy…
Sài Gòn, 26.6.2017
Nguyễn Hữu Hồng Minh