Chuyện lan man về bão

Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 13:07, 12/06/2017

Miền Bắc và miền Trung thường chịu nhiều bão nhất. Chịu riết rồi quen, thậm chí xem nó như cơn gió thoảng. Cũng như dân miền Tây Nam Bộ chịu lũ, năm nao không có lũ thì nhớ, kêu toáng lên đòi lũ về.
Sau mỗi trận bão, cây cối gẫy đổ ngổn ngang - Ảnh: Internet

Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương vừa thông báo trên biển Đông đã hình thành cơn bão số 1 của năm nay 2017 có tên Merbok. Lại nhớ năm ngoái lúc nghe tin bão số 1 nhăm nhe xông vào vùng duyên hải từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa tôi cứ lo lo. Hải Phòng quê tôi ở chính giữa dải ven biển ấy. Tôi gọi điện về cho ông em rể, hỏi thăm tình hình thế nào. Y giả nhời yên tâm, cũng chưa to lắm, nhà cửa chằng buộc kỹ lưỡng rồi. Thì biết vậy. Không yên tâm cũng đành chịu chứ xa xôi thế này, cách chi mà cùng cả nhà lo chống bão.

Xứ ta, hầu như năm nào cũng trên dưới chục trận bão lớn nhỏ. Về đặc sản bão, Đại Cồ Việt An Nam mình có nhẽ chỉ kém Philippines, Đài Loan và Nhật Bản. Được may mắn ở vị thế đất địa chiến lược, một thời từng nổi danh là tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa, tuyến đầu chống đế quốc… vinh dự quá rồi, hay là ông trời bắt xứ ta phải trả giá, gánh vác thiên tai bớt cho nơi khác để cân đối với cái được chăng. Tôi lẩn thẩn nghĩ vậy.

Cứ vào khoảng từ tháng 6 tây trở về sau đến cuối năm là ai nấy đều chuẩn bị tinh thần chống bão. Hồi xưa vừa chống đế quốc, vừa chống bão, mặt lúc nào cũng vêu vao bởi vất vả. Nay chỉ còn kẻ thù bão thôi, cũng đơ đỡ, nhẹ bớt đi. Nhiều năm bão dồn dập, vừa dứt cơn này lại nối trận khác. Có những cơn bão gây kinh hoàng, bão Chanchu ở miền Trung năm 2006 chẳng hạn, hơn 200 người chết, mất tích, vùi thân đáy biển. Sợ bão, ai chả sợ, nhưng nếu người trên bờ sợ một thì ngư dân sợ mười. Bão trên đất liền làm tan cửa nát nhà, còn bão biển lấy hết cả tàu bè lẫn cái mạng sống. Nhưng không ra biển, ngại bão thì lấy gì bỏ vào mồm.

Miền Bắc và miền Trung thường chịu nhiều bão nhất. Chịu riết rồi quen, thậm chí xem nó như cơn gió thoảng. Cũng như dân miền Tây Nam Bộ chịu lũ, năm nao không có lũ thì nhớ, kêu toáng lên. Phải nói đất Nam Bộ được trời ban phước, chả bão biếc gì. Nhưng sống chung với lũ thì được chứ sống chung với bão chỉ có chết. Nhà cửa vùng Nam Bộ nhiều nơi tuềnh toàng, chỉ cơn gió hạng vừa vừa cũng hất phăng, ấy vậy mà cứ trụ hết năm này qua năm khác. Bà con cười bảo, làm đủ ăn thôi, làm ra để ăn chứ không phải để đắp vào cái nhà. Chả bù cho xứ Bắc, nhà chưa xong thì chưa yên tâm. Đàn ông miền Bắc và miền Trung có 2 nhiệm vụ tiên khởi: làm nhà, lấy vợ. Xong hai trọng trách ấy thì mới có thể tạm xoa tay được. Dạo xưa, ông anh họ tôi đổ được cái nhà mái bằng bê tông cốt tre, khoái quá trèo lên thách bão, từ nay tao đố mày làm gì được tao đấy.

Có lẽ do miền Bắc bão gió liên miên nên ngay cả trong truyền thuyết, truyện dân gian cũng đầy mùi bão. Truyện Sơn tinh Thủy tinh là minh chứng. Nông dân miền Bắc xứ ta ít học nhưng đều là những nhà thiên văn đại tài, họ chỉ nhìn mặt trời, mặt trăng, đám mây, cái ráng mỡ gà… là có thể biết có bão hay không, to hay nhỏ, để mà chuẩn bị phòng chống. Nhưng ở miền Nam lại khác, văn chương hầu như không phản ánh cuộc đấu tranh chống thiên tai mà chỉ biên ghi kể lại công cuộc chinh phục thiên nhiên, khai hoang mở đất, khám phá thế giới vật chất giàu có phong phú. Không có chuyện Sơn tinh bão gió nhưng đầy chuyện thú vị rằng bắt cá sấu thế nào, bẫy cọp ra sao, cách nấu canh chua cá lóc, cách gặt lúa trời… Một vùng đất hội đủ cả thiên thời địa lợi nhân hòa mà để cho nó nghèo đi, dân phải chịu khó khăn thiếu thốn vất vả, dù có một phần nguyên do biến đổi khí hậu và tình trạng nhân mãn đi chăng nữa, thì chính quyền cũng nên nghiêm túc tự vấn vì đâu ra nông nỗi như vậy.

Hồi tôi còn bé, tôi sợ bão nhưng cũng thích bão. Ông anh tôi kiếm ở đâu ra tờ áp phích thông tin về bão, về sức gió, dán trên bức tường đất đầu hồi nhà. Tôi còn nhớ có hình ảnh 12 cấp gió, mở đầu là “gió cấp 0: khói bay lên thẳng”, cuối cùng là gió cấp 12 kèm tranh vẽ cảnh đổ nhà trốc cây gãy cột điện. Tôi từng chứng kiến những cơn bão cực lớn như bão số 7 năm 1967, bão số 7 năm 1969, bão số 8 năm 1972, nhà cửa sập, mái ngói tốc, cây cối gãy đổ ngổn ngang. Cơn bão số 7 năm 1967 làm đổ nhà chú Hô làng tôi, tường sập đè chết cả phụ nữ và trẻ con, thương lắm. Về sau, mỗi lần có việc phải vào nhà bá Điện là chị bu tôi, đi ngang qua vườn bà In có cái miếu cổ đã sợ rồi, lại qua vườn chuối hoang có căn nhà đổ cứ có cảm giác chờn chợn, sờ sợ là.

Trận bão năm 1969, ông anh tôi đang học lớp 10, trường cấp 3 huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) khi đó sơ tán về xã Tân Phong, cách nhà tôi khoảng 7-8 cây số. Anh tôi nghe thông báo có bão vội thu xếp về giúp thầy bu và các em chống bão, đạp xe thiếu nhi Liên Xô đi men theo đường ven bờ sông Đa Độ về, nửa đường gió tạt mạnh suýt bị lôi xuống sông. Về đến nhà, anh kể lại chuyện bị cuồng phong định lôi biếu cho hà bá, thày bảo hú vía, chắc nhờ ông bà phù hộ.

Nhưng sau khi bão tan thì tụi trẻ con khoái chí, tha hồ ăn bòng ăn bưởi rụng. Việc đầu tiên là ba chân bốn cẳng phốc ngay ra ngoài đình, nơi có hai cây nhãn cổ thụ. Mùa nhãn nào cũng vậy, hai anh em ông Tống ông Thùng mua bao luôn cả cây nên bọn trẻ con đành chịu cảnh thèm thuồng bởi các ông ấy canh gác gắt lắm. Nhưng trời mà hành thì các ông ấy phải chịu thua. Có năm, nhãn gần chín bị bão quật rụng phủ đầy sân đình, trẻ con tha hồ nhặt, căng túi quần túi áo, ăn rả rích. Ông Tống ông Thùng đành để bọn trẻ nhặt bởi nhãn ấy chả bán được cho ai. Các ông ngước nhìn trời căm lắm, nhưng trẻ con thì sướng, cười rinh rích.

Sau bão khoảng 1 ngày, rau muống non bấy mơn mởn, hái về luộc ăn no. Hình như bão nó có chất gì ấy làm cho ngọn rau ngon thế. Ốc bươu khi bão vừa dứt là nổi lên đầy ao, vớt về luộc lá chanh chấm mắm ớt ngon tuyệt. Thường sau bão bao giờ cũng có vài trận mưa, các cụ gọi là “mưa đền cây”, cây nào không bị đổ chỉ sau mấy trận mưa là hồi lại ngay. Lúa cũng hồi phục rất nhanh. Bão xong, chỉ dân mấy thôn Tú Đôi, Du Lễ xã Kiến Quốc gần xã tôi là sướng nhất. Họ ở vùng hạ lưu sông Văn Úc, tôm cá rất sẵn, bão xong càng sẵn. Hôm trước bão tan, hôm sau đã thấy họ vừa đi vừa rao lanh lảnh “tôm cá rẻ đơi, ai mua cá rẻ thì khỏe nào. Ai ra mua nào”.

Nguyễn Thông