Tản mạn ngày cuối tuần
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 06:21, 23/04/2017
Buổi sáng, đang thay đồ chuẩn bị đi ăn sáng với đứa bạn thân lâu ngày không gặp thì anh trai gọi, hỏi có về nhà không, về thì ghé ăn vịt nấu chao. Thế là hớt hải chạy về cho sớm, sợ lọ mọ mãi đến trưa mới ăn sáng xong thì chẳng còn bụng dạ nào mà ăn thức ăn anh đã chuẩn bị. Các anh chị mình, mình hiểu, khi đã nhận lời mời và “vác” bụng đến ăn cứ phải ăn cho nhiều, càng nhiều càng tốt thì anh chị mới vui. Được cái, gì chứ khoản đấy thì mình hơi bị nhiệt tình. Nhà nào mời mình về ăn uống là mọi người ăn đều ngon miệng theo vì mình ăn món gì cũng ngon. Chắc tại dễ nuôi từ nhỏ. Không cần cao sang mỹ vị gì, các món càng dân dã càng thích.
Cứ tưởng sẽ đông đúc như mỗi khi tổ chức ăn uống, từ 3 đến 4 gia đình tụ tập lại, ngoài người lớn, có ít nhất cũng khoảng chục đứa cháu nhỏ. Mình hăng hái xách một túi nước ngọt, bánh trái đủ các loại theo sở thích của đám cháu. Về tới nơi, chẳng có ai. Chỉ mỗi gia đình anh chị và mình.
Ăn xong thì đã quá trưa, chị dâu rủ vô phòng bật máy lạnh ngủ. Mình rất sợ ở những nơi êm ấm như thế trong khoảng thời gian hạn hẹp này vì mình có thể ngủ quên đến tối. Mà chỉ còn lại một buổi chiều cho đủ thứ việc, thăm người nọ người kia… Thế là quyết tâm chạy về nhà. Từ nhà anh về nhà còn có mấy trăm mét.
Về gần đến nhà thì mưa tầm tã. Mưa đột ngột làm mình ngơ ngác giữa đám gạch đổ nát do đang giải tỏa. Cả một khúc đường về nhà trống hoác, lạ lẫm. Chạy luôn thì ướt hết mà lấy áo mưa ra thì lười nên đành trú mưa. Trú ngay vào mái hiên của một nhà đang rất đông người nhốn nháo, lộn xộn. Lại ngơ ngác vì nhìn thấy những giọt nước mắt… Trời ạ, thì ra là đám tang, bác ấy là người bạn đánh cờ lâu năm của bố, vừa qua đời do tai nạn. Mình bật khóc ngon lành. Nhớ tới hình ảnh quen thuộc của bác mỗi khi ngồi trước nhà mình đánh cờ cùng bố. Mình nghĩ về thân phận con người, về cái chết, về cõi vĩnh hằng… Không biết bố có gặp được bác không?
Cả buổi chiều, người cứ bần thần ra…
Những trăn trở, lo lắng, mong chờ… khép hết lại. Đó là lúc con người thanh thản nhất. Mình cũng vậy, ví dụ như chẳng may nằm xuống, có phải là sẽ nhẹ nhàng hơn không? Lúc ấy, quan trọng gì đâu với những điều chưa làm được ở tuổi 30 làm mình ray rứt mãi; không phải chờ đợi một tin nhắn hay cái tên quen thuộc hiện lên báo có cuộc gọi đến nữa; những ước mơ chưa đạt được, có là gì đâu; tình yêu có khi là bé nhỏ nhất trong lúc này. Vậy mà có lúc nó làm mình điên đảo, tàn tạ…
Nếu như có ngày đó, người buồn nhất sẽ là bố, mẹ - dù họ đã ở nơi thiên đường - kế đến là các anh, chị. Lũ cháu thì có đứa khóc than thảm thiết, có đứa bình thản như không, đám cháu nhỏ hơn sẽ ngơ ngác hỏi mẹ: cô Út, dì Út đâu, rồi mẹ chúng sẽ khóc nấc lên và một cánh tay nào đó sẽ kéo chúng ra khỏi chỗ của mẹ chúng đang đứng.
Trong đám cháu, có đứa bằng tuổi mình nên biết mặt bạn mình, sẽ là đứa được giao cho việc tiếp khách mỗi khi bạn mình đến. Đứa đó, hẳn là rất thân, và nó đau lòng đến vô cảm, thỉnh thoảng thay vì khóc thì lại khẽ nhếch môi cười. Ở quê, các anh chị cùng đám cháu kéo lên đông đủ. Một đứa trong đám cháu trai nghịch ngợm đó sẽ phải rùng mình vì nó vừa nói một câu cách đây vài tháng: “Cháu chỉ lên nhà ngoại khi có đám cưới dì Út hoặc đám tang…”. Tất cả cái đám chộn rộn ấy, chẳng phải quan tâm làm gì nữa, ai nói gì mặc ai. Cả cái ước vọng cuối cùng, sẽ gặp một người để hỏi xem, nếu như mình mất đi, người đó có buồn không, có buồn hơn bình thường không… thấy cũng không cần thiết để hỏi nữa. Những điều đó chỉ có giá trị khi con người ta còn sống thôi. Mà khi sống, lại chẳng đủ can đảm vỗ vai người ta mà hỏi.
Đứng trước những bất an trong tâm hồn về cái chết mới thấy yêu thương con người hơn. Cứ tưởng tượng một ngày nào đó, theo quy luật của "sinh lão bệnh tử" sẽ không còn nhìn thấy những người mà ta yêu thương nữa, lại sợ, lo lắng, hoang mang. Cảm giác đó thúc đẩy ta sống trọn vẹn hơn, yêu thương nhiều hơn, biết tha thứ hơn. Vẫn cứ hay than thở theo cách của cố nhạc sĩ Trịnh: "Cuộc đời đó, có bao lâu mà hững hờ" nhưng rõ ràng là nếu không trải qua những mất mát, đau thương thì bản thân mình không thể cảm nhận một cách thấu đáo sự "hững hờ" đó. Hoặc khi đọc cuốn: "Hãy sống, bây giờ" khá lâu rồi, thấy hay nhưng chỉ là hay trong một lý thuyết nhất định nào đó, cho đến ngày bố, mẹ lần lượt nằm xuống…
Có một lần, tâm đắc với vị giáo sư khi ông giảng về lòng biết ơn của con người. Một đứa trẻ con, nói nó khoanh tay cảm ơn khi nhận được món quà, nó răm rắp làm theo nhưng hành vi đó chỉ nói lên một điều: đứa trẻ ấy lễ phép, biết nghe lời người lớn, còn lòng biết ơn chân thành từ đáy lòng mà nó có thì chỉ là số không tròn trĩnh. Hiểu và đồng cảm điều đó. Tất cả chỉ có được khi bản thân có sự trải nghiệm.
Chiều tàn, trước khi trở về để chuẩn bị cho một tuần làm việc mới, muốn làm một việc gì đó cho người thân. Lâu lắm mới có cảm giác này: đi gửi sách về cho chị gái ở quê. Đứng tần ngần ở bưu điện, trong lúc chờ làm thủ tục, biên mấy dòng thư về cho chị. Hình dung ra chị vui mừng và cảm động như thế nào khi nhận sách, bởi đó là những cuốn sách chị cần. Thấy lòng ấm áp hẳn lên. Sẽ làm tiếp những việc tương tự thế này, với chị Hai, chị Ba, chị Tư, chị Năm, anh Sáu, anh Bảy, chị Tám... Bây giờ chỉ còn anh, chị để làm những việc thế này...
Mưa dai dẳng dường như không muốn ngớt. Ngày khép lại bằng câu kinh đêm quen thuộc.
La Hường