Chuyện trồng dưa
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 06:21, 27/04/2017
Hồi tôi còn bé, làng Trà Phương quê tôi (H.Kiến Thụy, Hải Phòng) nhà nào cũng trồng dưa. Dưa hấu, dưa cam. Nhà ít thì vài gốc hoặc một luống, nhà nhiều có khi cả sào hoặc vài sào. Khác với bên thôn Xuân La xã Thanh Sơn láng giềng, ở sát núi Đối, họ chỉ toàn trồng dưa chuột.
Tôi nhớ lúc đầu thôn mình cũng chỉ mấy nhà trồng, trong đó thày tôi, bác Ỷ, bác In, chú Bồ, chú Mịch, cậu Thê, bác Đạm, chú Chung… là những người tiên phong. Bọn trẻ con gọi đùa đó là những An Tiêm của làng. Sau thấy trồng dưa ngon ăn, có tiền hơn trồng thứ khác nên nhiều nhà bắt chước, vào mùa hè đi chỗ nào cũng gặp ruộng dưa.
Khác với trồng lúa chỉ cần ngó qua ngó lại đừng để trâu bò lội vào phá, thì trồng dưa cực hơn nhiều. Dưa nằm lăn lóc trên ruộng trông ngon ăn mời mọc lắm, lại có giá nữa nên dễ bị mất trộm. Thì chuyện xưa tích cũ thường khuyên người đàng hoàng đi ngang ruộng dưa đừng có cúi xuống sửa giày là gì. Dễ bị nghi ngờ có ý đồ không tốt.
Ở miền Bắc thời ấy (trước năm 1975) trồng dưa chủ yếu vào tháng 3 âm lịch. Tới giữa mùa hạ, nắng nóng gắt, bổ quả dưa ra chưa cần ăn đã thấy dịu đi cái nực mùa hè. Ông trời thật biết điều, gây ra nắng đổ lửa nhưng lại sửa chữa sai lầm bằng việc ban cho con người quả dưa để giải khát thật tuyệt vời.
Dưa hấu có 2 loại dưa đỏ (vỏ xanh ruột đỏ) và dưa nghệ (vỏ trắng ruột vàng ươm). Miếng dưa nghệ cát, bỏ vào miệng ngọt như đường phèn, cạp đến đâu tỉnh đến đấy. Còn dưa cam thì lạ lắm, chỉ cần một quả chín cũng khiến cả ruộng thơm lừng. Có hôm mùi thơm dậy quá, tôi sục tìm khắp các luống mà không biết quả dưa cam ẩn chỗ nào, tới khi chán không soi mói nữa thì phát hiện cu cậu quàng ngay trên bờ rào, da đã nứt nẻ, tỏa mùi thơm ngào ngạt.
Khi trái dưa đã lọt vào tầm mắt kẻ thèm thuồng, chủ ruộng bèn lấy cành tre có nhiều gai rào kín xung quanh ruộng. Mỗi ruộng dưa trông cứ như cái ấp chiến lược của Mỹ Diệm, chỉ chừa một lối ra vào. Có nhà còn lấy lá chuối khô hoặc mảnh ni lông, giấy dầu quây kín để những ai dễ nổi lòng tham khó nhìn thấy. Vậy vẫn chưa yên tâm, lỡ buổi tối thế lực thù địch nó mò vào ấp chiến lược ôm cho một mớ cũng gay. Lại phải dựng chiếc lều coi dưa, đặt chiếc chõng tre vào lều, tối sai đám trẻ con ra ngủ trông chừng. Có nhúc nhắc ọ ẹ tiếng người, quân đạo chích chúng cũng e ngại.
Cứ tầm 9 giờ tối, tụi trẻ được người lớn giục ra lều coi dưa. Học bài xong rồi, xách chiếc đèn bão, đèn pin, con dao, đem theo vài quyển truyện. Hồi đó tôi có quyển truyện gián điệp Bàn tay bốn ngón hay lắm, truyền hết lều này lều khác. Đọc sách chán chê, trò chuyện râm ran cho trộm nó biết là có người, xong kiếm quả dưa mụi nho nhỏ, bổ ăn với nhau, rồi lăn ra ngủ. Lều coi dưa giữa đồng, gió thổi lồng lộng, mát không thể tả, nằm trong mùng đứa nào cũng ngủ say như chết. Giá có trộm, chẳng những vặt dưa, chúng mà khiêng ném các nhân viên bảo vệ xuống ao chắc cũng chưa tỉnh.
Đến vụ thu hoạch, bao nhiêu quả to ngon nhất được xếp lên xe cải tiến chở ra Phòng. Gọi là xe cải tiến cho sang, thực ra là chiếc xe thùng gỗ, bánh vành sắt, kéo bằng tay. Lót mớ rơm vào, xếp được hơn chục quả dưa, thày tôi quàng chiếc dây thừng vào vai, gọi là làm bò, hai tay cầm càng kéo xe đi, tôi phía sau đẩy thật lực. Nửa đêm về sáng thì xuất hành. Mấy nhà khác cũng đã lục tục dậy. Sương lạnh, chó sủa eo óc, cả đoàn lặng lẽ đi, chỉ nghe tiếng bánh xe lọc cọc trên đường đá sỏi. Từ nhà đến Phòng đường trường hơn 2 chục cây số, ra tới chợ An Dương vào tầm 8 giờ sáng. Thày tôi ngồi bán, tôi được thày cho 2 hào ra cổng mua que kem. Tới trưa bán xong, thày tôi cùng cậu Thê, bác Ỷ, anh Trác… ra bến xe cầu Niệm mua vé ô tô về huyện, còn tôi với bọn thằng Trí, cu Lệ, anh Tân… được giao nhiệm vụ kéo “phương tiện” về. Nhiều hôm tới nhà thì cũng nhọ mặt người, gà đã lên chuồng.
Nhưng có thứ này tôi ngại kể ra, mà không kể thì về sau mấy ai biết. Chả hiểu ai đầu têu hay học lỏm ở đâu mà bày ra chuyện cắm chông ở ruộng dưa. Đành rằng chông chà cũng chỉ để dọa trộm nhưng nguy hiểm lắm. Chông vót bằng tre hoặc nứa, dài khoảng 40 phân, nhọn hoắt, được cắm xung quanh ruộng và các đầu luống dưa. Mấy anh em tôi cũng hào hứng bắt chước, hì hụi vót chông, vừa chuốt cho thật nhọn, vừa hát “cây chông là cây chông tre, rõ ràng đây nè, máu giặc còn loang…”. Thày hỏi để làm gì, chúng tôi thưa để nếu bọn trộm mò vào ăn cắp dưa nhà mình sẽ bị xóc lòi ruột. Thày tôi ngán ngẩm lắc đầu. Anh tôi tiếc công vót, bảo thôi thì cứ cắm nhưng cắm ít thôi, cắm ở chỗ nào dễ thấy. Anh còn có sáng kiến hòa nước vôi, đem tất cả đám chông tre nhúng vào đó, phơi khô rồi hẵng cắm. Trong đám lá dưa xanh, nhìn những cái chông sáng lóa, chẳng bao giờ sợ đạp xóc lòi ruột. Thằng Tín con cậu Đại ra coi dưa, ruộng dưa nhà nó cũng gần ruộng nhà tôi, thấy vậy nó cười bảo cắm thế thì cắm làm đếch gì. Nó khoe, em cắm xong còn phủ ít cỏ khô lên trên, bọn trộm phen này thì chỉ có chết với em.
Nói thêm về thằng Tín. Nó ít tuổi hơn tôi, người quắt lại bởi suốt ngày lêu lổng ngoài đường, ngoài đồng. Nó trốn học như chạch, nhà nghèo, bố nó chả có tiền đóng học phí (mà chỉ hơn 6 đồng bạc một năm học chứ mấy) nên cuối cùng nó bỏ học. Nó nghịch ngợm, tinh ranh, hay phá. Trẻ con đứa nào chả phá, nhưng thằng Tín quái lắm. Đến mùa nhãn chín, dù biết hai anh em ông Tống ông Thùng đã mua nguyên 2 cây nhãn cổ thụ ngoài đình nhưng nó cứ lừa lúc giữa trưa các ông ấy về ăn cơm là rủ chúng tôi ra đình ném nhãn, nó đặt tên cho những phát ném cực kỳ chính xác của nó là cú gầm, cú gào. Nhãn rơi đầy gốc, bọn tôi tha hồ nhặt. Khi ông Tống biết, chạy ra đuổi thì Tín và lũ chúng tôi đã biến từ hồi nào.
Tín đi coi dưa đề phòng kẻ ăn trộm nhưng chính Tín lại mấy lần ăn trộm gà trong làng và có lần bị dân quân bắt quả tang. Hồi đó ăn trộm vặt người ta khép vào tội to lắm. Người ta đưa Tín đi cải tạo tuốt trên tận Lào Cai. Tôi lớn lên đi học, đi làm ăn xa quê, có lần về nghe người làng kể nó bị đánh chết trong trại cải tạo, cũng chả biết ai đánh. Khổ thân nó.
Nguyễn Thông