Căn bệnh gây chết người nhưng khó chẩn đoán
Thông tin Y học - Ngày đăng : 11:05, 27/09/2019
Đây là bệnh rất hiếm gặp nên ngay cả y văn thế giới cũng báo cáo từng ca lâm sàng (do bệnh lý hiếm nên chỉ mô tả từng ca một, không báo cáo hàng loạt ca).
Theo bác sĩ CK2 Trầm Công Chất, Phó trưởng khoa Ngoại Tổng hợp - phụ trách đơn vị Phẫu thuật lồng ngực mạch máu (Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ), thì rò động mạch chủ tá tràng nguyên phát là sự thông nối trực tiếp giữa động mạch chủ bụng và tá tràng mà không có can thiệp mạch máu trước đó.
Đây là nguyên nhân hiếm gây xuất huyết tiêu hóa khó chẩn đoán và đôi khi không chẩn đoán được nguyên nhân cho tới khi phải mở ổ bụng. 2/3 bệnh nhân được chẩn đoán tại phòng mổ. Rò động mạch chủ tá tràng nguyên phát có tỉ lệ tử vong cao nếu không chẩn đoán được và không điều trị (tỉ lệ tử vong gần như 100% nếu không can thiệp phẫu thuật).
Đây là bệnh lý cực kỳ hiếm, khi mổ tử thi xác định tỉ lệ là 0,04 - 0,07%. Chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị liên quan đến tử vong cực kỳ cao.
Như mới đây, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Phước H. (70 tuổi, ngụ H.U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang), có tiền sử xuất huyết hang vị, phình động mạch chủ bụng.
Bệnh nhân nhập viện ngày 15.9 vì đột ngột tiêu phân đen. Bệnh nhân được chẩn đoán xuất huyết tiêu hoá trên do loét dạ dày tá tràng mức độ trung bình.
Bệnh nhân H. đã qua cơn nguy kịch nhờ được phẫu thuật kịp thời - Ảnh: Phong Phạm
Kết quả nội soi dạ dày - tá tràng ngày 16.9: thân vị có nhiều máu cục đỏ, hành tá tràng D3 có 1 túi thừa to không thấy chảy máu, đường kính 2,7cm và 1 túi thừa đường kính 1,2cm đang chảy máu thành dòng...
Từ ngày 16 - 18.9, bệnh nhân có nhiều đợt tiêu phân máu đỏ bầm được xử trí truyền dịch, truyền hồng cầu lắng, tổng cộng là 10 đơn vị...
Đến rạng sáng 18.9, bệnh nhân có dấu hiệu xuất huyết tiêu hóa tái phát mức độ nặng với biểu hiện niêm nhợt, da xanh, mạch nhanh nhẹ, huyết áp thấp, lượng huyết sắc tố 6g/dl. Bệnh nhân có chỉ định can thiệp ngoại khoa Cấp cứu.
Êkip các y bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Ghi nhận ổ loét ở D3 tá tràng thủng đường kính 1cm có clip bấm, máu chảy thành tia từng đợt nghĩ cháy máu từ mạch máu lớn, tiến hành cắt đoạn ruột loét thủng và túi thừa...
Sau đó, các bác sĩ cắt chỗ rò động mạch, cắt lọc động mạch chủ bụng đầu gần trên động mạch treo tràng dưới, cắt lọc động mạch chậu chung phải, tiến hành nối động mạch chủ bụng - động mạch chậu chung phải và chậu ngoài trái...
Hiện tại bệnh nhân tỉnh táo, đã phục hồi vận động, tự sinh hoạt, các dấu hiệu sinh tồn và xét nghiệm đều trong giới hạn bình thường. Bệnh nhân được dự kiến xuất viện trong vài ngày tới, và đã thoát cơn nguy hiểm nhờ được xử lý kịp thời.
Phong Phạm