Mỗi năm Việt Nam có 91.000 người tử vong liên quan đến tăng huyết áp
Kinh nghiệm y học - Ngày đăng : 06:06, 08/11/2019
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM hiện nay bệnh tăng huyết áp là nguyên nhân dẫn đến 91.000 trường hợp tử vong mỗi năm. Như vậy, cứ 5 trường hợp tử vong thì có 1 trường hợp tử vong liên quan đến tăng huyết áp. Điều đáng chú ý là trong 4 người trưởng thành có 1 người bị tăng huyết áp.
Bác sĩ Phan Thanh Tâm - Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, mục tiêu của dự án “cộng đồng vì trái tim khỏe” là nâng cao nhận thức giúp người trưởng thành hiểu biết tầm quan trọng của phát phát hiện và điều trị sớm tăng huyết áp; tăng tính sẵn có của dịch vụ sàng lọc phát hiện sớm thông qua mạng lưới cộng tác viên và tại cơ sở y tế; tăng tính sẵn có của các dịch vụ chẩn đoán và điều trị tại các cơ sở y tế công lập và tư nhân...
Do đó, trong 3 năm thực hiện, dự án này đã thiết lập và triển khai mô hình quản lý tăng huyết áp dựa vào cộng đồng tại 558 điểm đo, trong đó có 510 điểm đo do trạm y tế quản lý và 48 điểm do doanh nghiệp xã hội quản lý. Nhờ vậy mà tỷ lệ người tăng huyết áp biết mình mắc bệnh tăng lên rõ rệt.
Nếu như ở năm 2016 chỉ có 46,9% người bị cao huyết áp biết mắc mắc bệnh thì đến tháng 5.2019 có đến 63,6% người bị tăng huyết áp biết mình mắc bệnh.
Đặc biệt, có đến 121.273 người trên 40 tuổi được sàng lọc tăng huyết áp, chiếm 58% số người trong độ tuổi trên. Qua sàng lọc đã phát hiện 29.908 người có chỉ số huyết áp tăng hoặc đã bị tăng huyết áp, chiếm 24,7%. Hiện đã có 11.847 người mắc bệnh tăng huyết áp trong độ tuổi trên được điều trị, trong đó có 6.727 người đạt huyết áp mục tiêu, chiếm 57%.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Tâm, hiện dự án vẫn đang gặp nhiều thách thức, khó khăn, vì nhận thức của cộng đồng về bệnh tăng huyết áp vẫn còn hạn chế, nhiều người vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc phát phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị và tuân thủ điều trị tăng huyết áp. Đặc biệt, bảo hiểm y tế còn giới hạn danh mục thuốc tại các trạm y tế khiến cho người tăng huyết áp điều trị tại đây còn thấp.
Bên cạnh đó, việc quản lý và điều trị tăng huyết áp tại các trạm y tế chưa thật sự có chiều sâu, đúng với nghĩa là quản lý và điều trị. Phần lớn chỉ điều trị là chính nên chưa hiệu quả trong vấn đề này.
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM các y bác sĩ quản lý các bệnh nhân cao huyết áp là rất khó. Vì việc bỏ thuốc lá, rượu bia hay những chất kích thích khác có nguy cơ gây nguy hiểm đến bệnh tăng huyết áp, cái chính vẫn là ý thức của bệnh nhân, chứ nhân viên y tế có khuyên mấy hay làm nhiều cách mà bệnh nhân vẫn không ý thức thì việc quản lý cũng không hiệu quả.
“Để dự án “cộng đồng vì trái tim khỏe” có hiệu quả, người dân, nhất là những người bị tăng huyết áp, cần phải có sự hợp tác, có ý thức trong việc bảo vệ sức khỏe của mình”, bác sĩ Hưng kêu gọi.
Hồ Quang