Đầu năm tản mạn về cà phê vợt ở Sài Gòn
Ẩm thực và dinh dưỡng - Ngày đăng : 09:34, 31/01/2017
Trước khi uống café phin theo cách người Pháp, người Sài Gòn pha cà phê vợt kiểu Trung Hoa. Những năm của thập niên 30, 40, rồi 50 khắp Sài Gòn ai cũng thích một bữa sáng ngon lành với cà phê vợt chấm dầu cháo quẩy. Mấy đứa nhỏ hay ngồi canh kế bên để được húp ít ngụm nhỏ từ người lớn. Cốc cà phê mấy đồng ngày ấy là cả một tuổi thơ nghịch làng phá xóm, là cả một thời thanh niên đầy hy vọng cống hiến cho nước nhà.
Muốn có ly cà phê đậm đà pha từ chiếc vợt thiếc, người ta sẽ cho cà phê xay nhuyễn vào vợt, nhúng vào siêu nước nóng được đun sôi trên bếp củi, khuấy tạo bọt rồi chờ một hồi mới rót ra ấm. Vợt càng đen thì cà phê càng đậm đà. Siêu phải là siêu đất mới giữ cho hương cà phê thuần. Nhiều người gọi vui đây là món cà phê “kho” thủ công, mà muốn “kho” ngon thì phải là cà phê chất lượng.
Bây giờ không nhiều người trẻ đến thưởng thức cà phê vợt nữa, một phần vì cà phê vợt rườm rà, nhiều công đoạn hơn so với cà phê phin. Nhưng những đứa nhỏ ngày nào, bây giờ tóc đã muối tiêu, vẫn mỗi ngày đến quán chờ ly cà phê, đọc tờ báo mua ở cái sạp nhỏ gần đó, thưởng thức mùi cà phê thơm lừng trong không gian Sài Gòn những năm 1954.
Dường như không gian Sài Gòn vẫn dừng lại ở giai đoạn đó. Khi ấy, thanh niên có chút gì đó hơi bồng bột, luôn đầy lý tưởng, hy vọng. Họ, hoặc bước lên chiến trường, hoặc bận rộn cho những cuộc mít-tinh, tất cả vì lý tưởng của mình.
Khi ấy, ông bà mình yêu nhau chẳng có Instagram, hay Facebook, mình với mình vẫn trò chuyện với nhau qua những bức thư âm thầm viết nắn nót “hãy yêu nhau (đi) cho ngày quên tháng…”
(Trịnh Công Sơn)
Theo Phan Các Trúc/ vntravellive/ Ảnh: Tron Le