7 món ăn vặt khoái khẩu của giới trẻ Sài Gòn

Ẩm thực và dinh dưỡng - Ngày đăng : 11:00, 26/10/2016

Sài Gòn có vô vàn món ăn gây nhớ thương. Đi đến tận cùng các ngõ ngách, thưởng thức những món ăn vặt mang hương vị Sài Gòn chắc chắn sẽ là một trải nghiệm thú vị mà bạn không thể nào quên.

Phá lấu

Phá lấu có thành phần chính là nội tạng bò, được sơ chế kĩ, tẩm ướp và nấu với gia vị đặc trưng gồm ngũ vị hương, màu điều, bột cà ri… Tuy nhiên, tùy vào bí quyết riêng mà mỗi hàng quán có sự gia giảm gia vị. Sức hấp dẫn của món phá lấu là mùi thơm và có độ mềm vừa phải nhưng vẫn giữ được cái dai dai sần sật vui miệng.

Phá lấu là một món ăn vặt khoái khẩu của người dân Sài Thành

Một chén phá lấu ăn vặt đúng điệu không được quá to, chỉ bé hơn chén ăn cơm để ăn xong còn thòm thèm, không bị ngán. Lòng bò không cứng, không hôi, bánh mì chấm kèm phải giòn vừa đủ. Đặc biệt, món phá lấu phải dọn kèm nước chấm pha bằng nước mắm và nước me với tí ớt bột.

Bánh tráng trộn

Có nguồn gốc từ Tây Ninh, món bánh tráng trộn khi vừa du nhập vào TP. Hồ Chí Minh chỉ đơn giản là bánh tráng mềm với muối tôm, hành phi được đóng gói trong bịch bán tại các cổng trường học. Đơn giản vậy thôi, nhưng càng ngày, bánh tráng trộn càng được ưa chuộng và trở thành món quà nhâm nhi không thể thiếu của mỗi buổi tụ họp bạn bè.

Món bánh tráng đơn giản nhưng hấp dẫn

Bánh tráng được cắt thành sợi nhuyễn. Một phần bánh tráng trộn là sự hòa quyện của dầu điều, muối tôm, khô bò, khô mực, mỡ hành, đậu phộng rang, hành phi, rau răm, trứng cút… Một gói bánh tráng trộn có giá rất rẻ, khoảng 10.000 - 20.000 đồng/một phần.

Đi dọc các con đường ở TP Hồ Chí Minh, không khó để bắt gặp các bà, các cô gánh trên vai những nguyên liệu làm bánh tráng. Thậm chí, có thể coi món ăn này là nét đặc trưng của văn hóa ẩm thực đường phố Sài Gòn.

Gỏi cuốn

Gỏi cuốn là món ngon được lòng người Sài Gòn bởi ngon, dễ ăn, vừa có thể ăn vặt mà lại vừa chắc bụng. Gỏi cuốn ngon phải dùng bánh tráng gạo mỏng, bún và rau sống phải tươi, mới. Thịt nạc hay tôm cũng phải tươi, luộc vừa chín tới, ăn có vị ngọt.

Gỏi cuốn là món ăn no, khi ăn chấm với mắm nêm pha hoặc tương, chỉ khoảng 3 – 5 cuốn là người ăn đã cảm thấy chắc bụng. Một cuốn gỏi có giá từ 5.000đ trở lên tuỳ các nguyên liệu bên trong. Gỏi cuốn dễ ăn trong khí hậu đỏng đảnh nóng nực của thành phố phương Nam này, dùng để ăn trưa những ngày oi nồng hay ăn xế lót dạ sau khi tan sở đều hợp.

Bò bía

Món ăn vặt này nổi tiếng ở Sài Thành ngay từ những năm 1945. Dù không phải món ăn ngon xuất sắc, nhưng nó đã trở thành một phần tuổi thơ của những người con miền Nam.

Bò bía khác gỏi cuốn ở chỗ, bò bía nhỏ hơn và phần nhân cũng khác nhau

Bò bía gồm lớp bánh tráng mỏng, cuốn bên trong là củ cải trắng hay củ sắn hấp mềm, con ruốc được rang mặn ngọt, một ít rau xà lách, rau thơm và vài lát lạp xưởng. Bò bía được dọn ăn kèm với tương ngọt, đậu phộng rang và đồ chua. Cuốn bò bía nhỏ, nhờ thế mà ăn vui miệng, lại chẳng nhiều thịt nên là món ăn vặt vô cùng thích hợp.

Súp cua

Ở Hà Nội thôi, nếu bạn muốn tìm súp cua thì chỉ có thể vào các nhà hàng thưởng thức. Nhưng ở Sài Gòn, đây là món quà chiều phổ biến và được lòng rất nhiều người, từ học sinh, sinh viên cho đến người đi làm.

Súp cua là món ăn dễ bắt gặp trên đường phố

Tuy là món ăn đường phố nhưng súp cua ở Sài Gòn rất chất lượng, có cua, có gà xé, thậm chí còn có cả chả cua và trứng bắc thảo. Thêm vào đó, giá súp cũng rất rẻ, trung bình chỉ 15- 20 ngàn đồng một phần ăn.

Bột chiên

Bột chiên là món ngon vốn có nguồn gốc từ người Hoa ở khu quận 5, quận 11. Dần dần, sức hấp dẫn của bột chiên đã “phủ sóng” khắp thành phố và trở thành một trong những món ăn đặc trưng của Sài thành.

Bột chiên thật ra chỉ là những khối bột gạo được xắt vuông vừa ăn, xóc qua xì dầu, nước tương, chiên trên chảo cho vàng giòn mặt ngoài, nóng bên trong, cùng với trứng, hành lá.

Đĩa bột chiên thơm nức mũi, bên ngoài giòn rộm, bên trong mềm lại có trứng bùi béo được ăn kèm với đồ chua và chấm với nước tương dấm có vị chua ngọt khiến ai nếm cũng phải mê. Du khách ai đã đã nếm một lần rồi thì chắc chắn sẽ phải thèm, phải nhớ.

Các món ốc

Sài Gòn không phải thành phố biển, nhưng nếu đến đây mà chưa từng thử qua món ốc thì xem như chưa thật sự “biết” thành phố này.

Bạn không thể chỉ đi ăn một bữa mà nếm hết các loại ốc Sài thành bởi một hàng ốc dễ có đến gần 20 loại ốc, với đủ các kiểu chế biến riêng cho từng loại: nướng, hấp, luộc, xào rau muống, xào tỏi, xào bơ... Thế nên nếu muốn thật sự hiểu về ốc Sài Gòn, bạn hãy chuẩn bị sẵn “tâm lý” để thưởng thức hết sự khác biệt của từng món.

Những hàng ốc nổi tiếng ở Sài Gòn có thể kể đến như: khu ốc quận 4, Ốc Đào, Ốc Như Điện Biên Phủ, Ốc Thảo Hoàng Diệu...

Hoàng Ngọc / Dân trí