Làm gì để trẻ 'miễn nhiễm' với bệnh tật khi trời quá nắng nóng?
Câu chuyện ngành y - Ngày đăng : 15:35, 18/03/2014
“Ở mức độ nhẹ là viêm hô hấp trên, viêm mũi, viêm họng, còn nặng là viêm hô hấp dưới như viêm phổi, viêm tiểu phế quản…”, bác sĩ Tuấn cho biết.
Cũng theo bác sĩ Tuấn, có một điều trái khoáy ở Việt Nam so với các nước khác, đó là thời tiết nắng nóng quá trẻ mắc các bệnh về đường ở hấp tăng mạnh.
Điều này, theo bác sĩ Tuấn, một phần do các bậc phụ huynh cho trẻ sử dụng quạt máy, máy lạnh hay những phương tiện giải nhiệt khác không hợp lý, khiến cho lợi bất cập hại.
Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng các trẻ bị mất khá nước nhiều, khiến các niêm mạc bị khô. Chính điều này khiến cho việc bảo vệ các niêm mạc- hàng rào phòng tuyến đầu tiên cơ thể bảo vệ chống lại sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh bên ngoài bị giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ dễ mắc bệnh.
Do đó, bác sĩ Tuấn khuyến cáo: các bậc phụ huynh phải tìm một phương pháp giải nhiệt cho trẻ hợp lý, phải làm sao để cho trẻ dễ chịu, không bị oi bức, nhưng không bị tác hại của của các phương pháp giải nhiệt.
Theo thống kê tại bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2, TP.HCM, trong những ngày vừa qua , số trẻ đến khoa khám bệnh khám và điều trị mỗi ngày tăng lên từ 2000 đến 2.500 trẻ, tập trung chủ yếu là các bện: ho, sốt, viêm đường hô hấp… Nếu như trước đó, thời tiết chưa nắng nóng, mỗi ngày ở khoa khám bệnh của bệnh viện Nhi đồng 1 chỉ có khoảng 5.000 trẻ đến khám và điều trị thì hiện nay đã lên đến gần 7.000 trẻ mỗi ngày.
Theo bác sĩ Tuấn, nếu sử dụng quạt trong trường hợp trẻ đang ở ngoài nắng về nhà hoặc trẻ đang đổ mồ hôi thì không cho trẻ ngồi ngay luồng gió quạt máy mà phải lau khô người, ngồi ở vị trí nào đó một thời gian mới vào ngồi trong phạm vi quạt máy.
Đồng thời, không để luồng gió quạt máy thổi trực diện vào người của trẻ, phải để quạt máy ở chế độ xoay hoặc chế độ quạt thấp nhất có thể.
Ngay cả máy lạnh cũng không nên để ở nhiệt độ quá thấp so với bên ngoài. Nếu nhiệt độ bên trong và bên ngoài có sự chênh nhau lớn thì cơ thể trẻ dễ bị “sốc” sẽ dẫn đến các bệnh về đường hô hấp.
Bác sĩ Tuấn cũng cho biết thêm, các bậc phụ huynh cần phải rửa tay thật kỹ trước, sau khi ăn và trước, sau khi làm vệ sinh cho trẻ, tập cho trẻ thói quen rửa tay vì đây cũng là một loại vắc xin ngừa bệnh, góp phần giảm thiểu các bệnh trong mùa nắng nóng này.
Đặc biệt phải cho trẻ uống thật đủ nước, giữ cho cơ thể trẻ lúc nào cũng có một độ ẩm nhất định.
Nếu không sẽ làm cơ thể trẻ giảm độ ẩm, gây mất nước, sức đề kháng niêm mạc giảm, trẻ dễ mắc bệnh.
Cần bổ sung những loại nước trái cây hay những loại nước có nhiều vitamin C. Những loại nước trái cây như cam, chanh vừa tăng được tính giải nhiệt, vừa cung cấp vitamin tăng sức đề kháng cho trẻ.
Ngoài ra, đối với trẻ em, nhất là trẻ dưới 2 tuổi không nên cho tiếp xúc gần với người lớn hay trẻ em đang mắc bệnh, dù chỉ là cảm ho thông thường cũng rất dễ bị lây nhiễm trong thời diểm nắng nóng này, do sức đề khánh của trẻ đang bị giảm.
Hồ Quang
Chú thích ảnh bìa: Nắng nóng dữ dội, nhiều trẻ đổ bệnh - Ảnh: MH