Fed giảm lãi suất, tung gói hỗ trợ 'khủng' tác động đến Việt Nam thế nào?
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 06:30, 17/03/2020
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ngày 15.3 vừa qua đã hạ lãi suất liên bang xuống mức mục tiêu là 0 - 0,25%, từ mức 1 - 1,25% trước đó. Đồng thời, Fed triển khai chương trình nới lỏng định lượng khổng lồ trị giá 700 tỉ USD (mua trái phiếu chính phủ và trái phiếu được thế chấp) trong những tuần tới.
Cả hai biện pháp khẩn cấp này nhằm giảm thiểu tác động của dịch Covid-19 lên nền kinh tế Mỹ. Giới chuyên gia đánh giá đây là những động thái chưa từng có trong lịch sử hơn 100 năm qua.
Ngay sau động thái này của Fed, trong sáng 16.3, hai ngân hàng trung ương tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã tuyên bố hạ lãi suất. Cụ thể, Ngân hàng Dự trữ New Zealand thông báo cắt giảm lãi suất 75 điểm cơ bản, xuống ngưỡng 0,25% và tuyên bố duy trì mức lãi suất này trong vòng 12 tháng tới, nhằm đối phó với dịch Covid-19.
Cơ quan Tiền tệ Hong Kong (Trung Quốc) cho biết sẽ hạ lãi suất 64 điểm cơ bản, xuống 0,86%. Ngân hàng Trung ương Philippines cũng dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản. Cùng ngày 16.3, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành các quyết định điều chỉnh các mức lãi suất trên diện rộng và chính thức có hiệu lực từ hôm nay (17.3).
Cụ thể, NHNN giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6%/năm xuống 5%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4%/năm xuống 3,5%/năm. Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng giảm từ 7%/năm xuống 6%/năm. Lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 4%/năm giảm xuống 3,5%/năm.
Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 0,8%/năm xuống 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5%/năm xuống 4,75%/năm. Còn lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 5,5%/năm xuống 5,25%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Trao đổi với báo Một Thế Giớivề việc Fed giảm lãi suất và tung gói hỗ trợ lớn chưa từng có vừa qua, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực nhận định động thái của Fed sẽ tạo áp lực rất lớn trong việc giảm lãi suất điều hành của Việt Nam. Tuy nhiên, điều này sẽ không mang tính hỗ trợ nhiều trong bối cảnh hiện nay vì điều mà doanh nghiệp và người dân cần là dòng tiền.
Việc giảm lãi suất không hỗ trợ nhiều đối với việc cho vay vì khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu khi tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm chỉ đạt 0,1%.
"Thanh khoản thì ngay lập tức còn hạ lãi suất thì có độ trễ. Theo đó, các cơ quan quản lý cần giãn, hoãn các nghĩa vụ trả nợ, miễn giảm phí/thuế, không chuyển nhóm nợ, cho vay mới với lãi suất thấp, tăng chi tiêu đầu tư công…", ông nhận định.
Về tỉ giá USD/VND, theo ông Lực động thái của Fed tác động không đáng kể vì kinh tế Mỹ đang ở trong thời điểm khó khăn nên cũng làm giảm độ hấp dẫn của USD. Trong khi đó, Việt Nam kiểm soát tốt dịch cùng với các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội sẽ là động lực hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Đồng quan điểm, TS.Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng trong tình hình hiện nay, chính sách tài khóa nên được ưu tiên hơn chính sách tiền tệ. Theo ông Hiếu, điều doanh nghiệp cần bây giờ là thanh khoản vì dịch bệnh càng kéo dài càng có nhiều doanh nghiệp đóng cửa vì cạn tiền.
Ông cũng cho rằng việc Fed giảm lãi suất sẽ kích thích NHNN nới lỏng chính sách tiền tệ trong thời gian tới để có độ tương đồng với đồng tiền USD, ít nhất là không để tỷ giá giảm quá.
NHNN mới đây đã xây dựng gói tín dụng 285.000 tỉ đồng nhằm hỗ trợ những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Gói tín dụng sẽ hộ trợ việc giãn nợ, giảm các loại thuế, phí và giảm lãi suất cho vay.
Trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19, ngành ngân hàng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạm thời cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xây dựng kế hoạch hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch Covid-19, áp dụng chính sách ưu đãi lãi suất cho vay, miễn giảm phí dịch vụ.
Về phía Bộ Tài chính, Thủ tướng đã yêu cầu cùng các bộ, ngành rà soát, khẩn trương đề xuất phương án miễn, giảm, giãn, hoãn, chậm nộp các khoản thuế, phí, lệ phí, trong đó có việc giảm thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, bảo hiểm xã hội. Đây là một trong số những biện pháp hết sức thiết thực với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.
Tuyết Nhung