Đề nghị cấm người Việt đứng tên mua nhà thay cho người nước ngoài

Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 14:02, 27/05/2019

Nghiêm cấm người Việt đứng tên mua nhà cho người nước ngoài là một trong nhiều kiến nghị từ đoàn giám sát của Quốc hội với Chính phủ.
Ảnh minh họa từ Internet

Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018 là chuyên đề do Đoàn giám sát của Quốc hội thực hiện.

Dự kiến sau khi nghe đoàn giám sát báo cáo kèm trình chiếu video clip, Quốc hội sẽ dành cả ngày thảo luận về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.

Theo đó, báo cáo tóm tắt kết quả giám sát trình bày trước Quốc hội sáng 27.5 của Đoàn giám sát nhận định, hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý đất đai, quy hoạch đô thị đã được ban hành khá đầy đủ, cụ thể hóa kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, tinh thần Hiến pháp năm 2013 nhưng vẫn còn không ít vấn đề tồn tại và hạn chế, cần có giải pháp khắc phục.

Chẳng hạn như đến nay vẫn còn 5 tỉnh, thành phố (Đà Nẵng, Hải Dương, Quảng Nam, Bến Tre và Cà Mau) chưa được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020).

Hay việc triển khai các dự án BT thanh toán bằng quỹ đất còn bất cập, như thanh toán cho nhà đầu tư BT (hầu hết là được chỉ định thầu) bằng quỹ đất đã giải phóng mặt bằng mà không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, là chưa phù hợp với quy định của Luật Đất đai năm 2013, là kẽ hở dẫn đến thất thoát ngân sách nhà nước.

Kết quả giám sát còn cho thấy việc sử dụng đất quốc phòng còn để xảy ra tình trạng lấn, chiếm, xây dựng công trình trái phép, sử dụng đất sai mục đích như tại một số khu đất ở Hải Phòng; Nha Trang... Việc quản lý đất đai sử dụng cho một số dự án đầu tư xây dựng công trình văn hóa tâm linh còn thiếu chặt chẽ...

Đáng lưu ý là mặc dù trong phần kết quả giám sát không nêu nhận định cũng như con số liên quan đến việc sử dụng nhà, đất của người nước ngoài, song trong phần kiến nghị, đoàn giám sát lại kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách để quản lý chặt chẽ, nghiêm cấm việc người Việt Nam đứng tên mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất cho người nước ngoài.

Đoàn cũng đề nghị chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khắc phục các vi phạm trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch đô thị, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và có biện pháp xử lý cụ thể, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10.2020).

Bên cạnh đó, Đoàn đề nghị Chính phủ hoàn thiện hệ thống các công cụ tài chính, kinh tế đất, phát triển lành mạnh thị trường bất động sản. Có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, khắc phục tình trạng đầu cơ đất đai thông qua chính sách thuế bất động sản theo hướng người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đất bỏ hoang, đất đã giao, đã cho thuê, nhưng chậm đưa vào sử dụng thì phải chịu mức thuế cao hơn. Rà soát khung giá đất để có điều chỉnh phù hợp với giá thị trường, làm cơ sở để các địa phương điều chỉnh bảng giá đất. Hoàn thiện các phương pháp xác định giá đất cụ thể bảo đảm khách quan, minh bạch, sát với giá thị trường, có tính đến giá trị lợi thế vị trí địa lý, các giá trị tăng thêm do quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất, đầu tư kết cấu hạ tầng mang lại.

Vấn đề đứng tên hộ người nước ngoài mua đất tại Việt Nam từng được nhắc tới nhiều lần trước đó, đặc biệt là tình trạng người Trung Quốc đứng tên mua đất nền hay mua nhà tại Việt Nam.

Tại kỳ họp Quốc hội hồi tháng 11.2018, trong kiến nghị gửi Quốc hội, cử tri thành phố Đà Nẵng phản ảnh theo dư luận thì có tình trạng nhiều người Trung Quốc mua đất dọc ven biển nước ta thông qua việc nhờ người Việt Nam đứng tên hộ.

Trả lời tại thời điểm đó, Bộ Công an khẳng định nhằm quản lý chặt chẽ quỹ đất, bảo đảm an ninh, quốc phòng, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, Luật Đất đai và Nghị định đã quy định chi tiết thi hành đã có những quy định cụ thể.

Cuối năm ngoái, tại một hội nghị về bất động sản, đại diện CBRE có tiết lộ một kết quả thống kê thông qua các giao dịch thành công tại các dự án do công ty nghiên cứu thị trường này phân phối cho thấy, tỷ lệ người Trung Quốc mua nhà tại TP.HCM đạt 31%, trong khi người Việt Nam chỉ đạt 24%. Những con số này cho thấy nhu cầu đầu tư của người Trung Quốc nói riêng và nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản Việt Nam là có thật.

Hiện tại cũng chưa có bất cứ cơ quan chức năng nào cung cấp số liệu thống kê cụ thể về số lượng người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam.

A.T.T