Chủ trương của Việt Nam là đa dạng hóa thị trường, 'trứng không bao giờ để chung một giỏ'

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 19:48, 04/04/2025

Việt Nam đang tổ chức đoàn đàm phán sang Mỹ vào tuần tới, sẵn sàng các nội dung để trao đổi về việc áp thuế 46%.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Chủ trương của Việt Nam là đa dạng hóa thị trường, 'trứng không bao giờ để chung một giỏ'

Tuyết Nhung {Ngày xuất bản}

Việt Nam đang tổ chức đoàn đàm phán sang Mỹ vào tuần tới, sẵn sàng các nội dung để trao đổi về việc áp thuế 46%.

Chiều 4.4, trao đổi với báo chí tại buổi họp báo thường kỳ quý 1/2025 về thông tin Mỹ áp thuế đối ứng 46% với Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng phải hết sức bình tĩnh, để tìm giải pháp phù hợp nhất, hài hòa lợi ích cả hai bên.

thu-trong-tan.png
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân - Ảnh: TN

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết đoàn công tác Việt Nam sẽ sang Mỹ đàm phán vào tuần sau. Đoàn do Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc làm trưởng đoàn, cùng đại diện nhiều bộ ngành và doanh nghiệp đi cùng.

"Các công tác chuẩn bị cho đàm phán đã sẵn sàng, trên tinh thần khi gặp được đối tác thương mại là có ngay các nội dung trao đổi. Sáng nay khi trao đổi với Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, hai bên đã sẵn sàng những phương án triển khai, phối hợp. Đàm phán với Mỹ là trách nhiệm không chỉ của riêng một bộ ngành nào mà cần phối hợp nhiều bộ ngành khác nhau. Chủ trương xuyên suốt của Việt Nam là đa dạng hóa thị trường, trứng không bao giờ để chung một giỏ, kể cả trong đầu tư", Thứ trưởng Nhật Tân cho biết.

Theo Thứ trưởng Nhật Tân, những giải pháp mà các cơ quan chức năng đặt ra chính là để làm sao có thể vượt qua các thách thức, bên cạnh các giải pháp cũng là để tìm ra những cơ hội mới. Thứ trưởng cũng cho rằng thời điểm này chưa vội để bàn tới câu chuyện điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu.

Liên quan tới chính sách thuế của Mỹ, ông Tân cho biết Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có công hàm gửi tới Mỹ. Cùng đó, khi gửi công hàm, Bộ Công Thương đã phối hợp với kênh ngoại giao, các kênh khác nhau… cố gắng thu xếp có cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên với Trưởng đại diện thương mại Mỹ (USTR).

Hơn nữa, việc sẵn sàng không chỉ ở hội đàm mà còn chuẩn bị rất nhiều nội dung, có những nội dung phía Mỹ quan tâm, để Việt Nam giải thích rõ và cụ thể hơn về các chính sách xuất nhập khẩu, quản lý xuất nhập khẩu, vấn đề thuế và những nội dung khác có liên quan.

Liên quan tới việc Mỹ áp thuế 46% đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài (Bộ Công Thương) thông báo: Từ ngày 5.4, Mỹ sẽ áp dụng mức thuế 10% đối với tất cả các đối tác thương mại và áp các mức thuế đối ứng riêng lẻ đối với một loạt các quốc gia khác từ ngày 9.4.2025. Trong đó, có áp thuế 46% đối với Việt Nam.

Theo đó, Việt Nam rất quan ngại về quyết định trên của Mỹ, bởi Việt Nam là một quốc gia luôn kiên trì và nhất quán ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, dựa trên luật lệ với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đóng vai trò trung tâm, nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư; đồng thời, ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu.

Ông Tạ Hoàng Linh cũng chỉ ra rằng Việt Nam và Mỹ là hai nền kinh tế mang tính chất bổ trợ, cơ cấu xuất khẩu và ngoại thương của hai nước không cạnh tranh trực tiếp mà có sự bổ sung cho nhau, phù hợp với nhu cầu nội tại của mỗi nước. Hàng hóa Việt Nam xuất sang Mỹ chủ yếu là cạnh tranh với các nước thứ ba, không cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Mỹ trên thị trường này mà còn tạo điều kiện để người tiêu dùng được sử dụng hàng hóa rẻ của Việt Nam.

Thời gian qua, Chính phủ và các bộ ngành Việt Nam đã tổ chức gặp gỡ, lắng nghe ý kiến và xử lý hàng loạt các khó khăn vướng mắc, phê duyệt một số dự án đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Mỹ tại Việt Nam, ban hành Nghị định 73 sửa đổi, bổ sung mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của một số mặt hàng, thông qua đó tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận thị trường cho 13 nhóm hàng mà Mỹ có lợi thế cạnh tranh.

Mặt khác, tăng cường quản lý, kiểm tra giám sát hoạt động cấp giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ (C/O) để giảm thiểu rủi ro chuyển tải bất hợp pháp. Cùng đó, Chính phủ và các bộ ngành cũng triển khai lấy ý kiến rộng rãi dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược; giải đáp và xử lý các quan ngại của Cơ quan đại diện thương mại Mỹ (USTR) nêu trong 6 lĩnh vực cụ thể mà Mỹ quan tâm: Tiếp cận thị trường, nông nghiệp, ngăn chặn lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp; sở hữu trí tuệ, thương mại số; đầu tư; lao động.

Do đó, Bộ Công Thương mong muốn phía Mỹ sẽ thực thi thương mại công bằng, mở rộng thêm cơ hội thảo luận, hợp tác chặt chẽ hơn nữa để cùng hướng tới một khung khổ hợp tác kinh tế, thương mại đảm bảo lợi ích về thuế, mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ, xóa bỏ các rào cản thương mại... phù hợp với lợi ích của cả hai nước.

Xung quanh về sự chuẩn bị, ứng phó của Việt Nam trước việc Mỹ áp thuế 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường này, ông Tạ Hoàng Linh cho biết đây là vấn đề mà Bộ Công Thương cũng đã có dự báo ngay từ khi Tổng thống Trump ra tranh cử. Đặc biệt, sau khi Tổng thống Trump đắc cử, Bộ Công Thương đã có báo cáo chi tiết với lãnh đạo Chính phủ về các phương án, kịch bản xảy ra.

Để đạt được sự tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2025, ông Linh cho rằng cần tận dụng thế mạnh sẵn có của 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ cùng 70 cơ chế hợp tác kinh tế thương mại song phương: Ủy ban liên Chính phủ, Ủy ban hỗn hợp, các FTA... Bên cạnh đó, đẩy mạnh chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tiếp tục thúc đẩy đàm phán các FTA với các thị trường mới như Trung Đông, Mỹ Latinh, Trung Á và các thị trường mới nổi khác.

Ngoài ra, phải tăng cường và nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại và cải thiện cơ sở hạ tầng logistics nhằm giảm chi phí vận chuyển và nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam; hỗ trợ nâng cao năng lực của doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam đảm bảo sự thích nghi với thị trường và xu hướng phát triển.

Mặt khác, phải bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp cũng như cảnh báo sớm và xử lý kịp thời với nguy cơ vụ kiện hoặc vụ việc phòng vệ thương mại nhằm hạn chế thấp nhất mức thiệt hại xảy ra cho Việt Nam. Đặc biệt, cần kiến nghị với Chính phủ mở rộng hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để cung cấp thông tin thị trường, cơ hội kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn.

Ngày 4.4 Cục Hải quan (Bộ Tài chính) có công văn hỏa tốc gửi các chi cục hải quan khu vực về hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ.

Theo Cục Hải quan, ngày 2.4, Chính phủ Mỹ thông báo áp dụng thuế đối ứng 46% với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, có một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: Thủy sản, quần áo, đồ nội thất, vải, thép, cao su… Để tháo gỡ khó khăn, hạn chế các ảnh hưởng do chính sách thuế quan của chính phủ Mỹ đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Cục Hải quan yêu cầu chi cục trưởng các chi cục hải quan khu vực triển khai một số việc như sau:

- Tổ chức gặp gỡ, trao đổi, tìm hiểu khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp có hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu với Mỹ để có giải pháp tháo gỡ. Đồng thời, cần nắm bắt các kiến nghị của doanh nghiệp với cơ quan hải quan và các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, cơ quan liên quan.

- Thông báo cho cộng đồng doanh nghiệp về việc Cục Hải quan, Bộ Tài chính đang tích cực phối hợp với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, cơ quan liên quan kiến nghị Chính phủ nhằm có giải pháp tháo gỡ khó khăn; tạo cân bằng thương mại, tạo điều kiện cho hàng hóa có xuất xứ từ Mỹ nhập vào Việt Nam (Chính phủ đã ban hành Nghị định 73, có hiệu lực ngày 31.3.2025 bổ sung mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi...).

- Yêu cầu chi cục trưởng các chi cục hải quan khu vực phân công cán bộ công chức tại hải quan cửa khẩu cảng biển, sân bay, khu công nghiệp trực 24 giờ đặc biệt trong 3 ngày nghỉ lễ (từ 5 - 7.4), tạo điều kiện thông quan ngay cho hàng hóa là nguyên liệu, vật tư, máy móc thiết bị nhập khẩu phục vụ hoạt động gia công, sản xuất và các sản phẩm sản xuất.

Các đơn vị hải quan khu vực tổng hợp kết quả làm việc kèm đề xuất, kiến nghị, gửi về Cục Hải quan trước ngày 10.4 tới.

Tuyết Nhung