Bị cáo Trương Mỹ Lan đề xuất bán tài sản riêng để khắc phục hậu quả

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 17:46, 04/04/2025

Tại tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan đề xuất được tiếp tục thực hiện thỏa thuận bán lại phần tài sản riêng của mình hiện đã bị kê biên và phong tỏa, để giúp đẩy nhanh quá trình khắc phục hậu quả.
Theo dòng thời sự

Bị cáo Trương Mỹ Lan đề xuất bán tài sản riêng để khắc phục hậu quả

Nhật Anh (tổng hợp) {Ngày xuất bản}

Tại tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan đề xuất được tiếp tục thực hiện thỏa thuận bán lại phần tài sản riêng của mình hiện đã bị kê biên và phong tỏa, để giúp đẩy nhanh quá trình khắc phục hậu quả.

Ngày 4.4, phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (giai đoạn 2) tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư cho các bị cáo.

Bà Trương Mỹ Lan đề nghị SCB cập nhật số liệu tại phiên tòa

Tại phần tranh luận bổ sung, bị cáo Trương Mỹ Lan cho rằng trong thời gian phát hành 3 gói trái phiếu của Công ty An Đông, SCB đã sử dụng 61.000 tỉ đồng để tái cơ cấu. Trong số đó, có hơn 11.000 tỉ đồng từ nguồn phát hành trái phiếu; còn 50.000 tỉ đồng còn lại là bị cáo cho mượn tài sản.

Theo lời cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, trước khi bản thân bị bắt, SCB vẫn hoạt động bình thường, không mất thanh khoản, không bị lỗ, SCB chuẩn bị tái cơ cấu.

plo.png
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa - Ảnh: PLO

Đối với số tiền 287.000 tỉ đồng, bà Lan cho biết số tiền này đã được sử dụng cho các giao dịch của SCB, không phải giải ngân cho bị cáo sử dụng vào mục đích cá nhân nên cần phải cấn trừ số tiền này vào số tiền đang quy buộc trách nhiệm ở tội “Tham ô tài sản” và “Rửa tiền”.

Từ đó, bị cáo Trương Mỹ Lan đề nghị SCB cung cấp số liệu và cập nhật số liệu tại phiên tòa để HĐXX làm rõ nhằm đảm bảo tính xác thực.

Khi chủ tọa đặt câu hỏi bổ sung với bị cáo Trương Mỹ Lan về 18% phần vốn góp tại Công ty liên doanh TNHH Vietcombank - Bonday - Benthanh (Công ty VBB), bà Lan cho biết đây là tài sản riêng của mình, hiện đã bị kê biên và phong tỏa trong vụ án.

Bà đề xuất được tiếp tục thực hiện thỏa thuận bán lại phần vốn này cho Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) thay vì đưa ra đấu giá, giải pháp này sẽ giúp đẩy nhanh quá trình khắc phục hậu quả.

quang-canh-sggp.jpg
Quang cảnh phiên tòa - Ảnh: SGGP

Luật sư: Đủ nguồn tiền trả cho các trái chủ

Trước đó, bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan, các luật sư cho biết ở tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, bị cáo Lan không có ý thức, ý định chiếm đoạt tiền trái phiếu của các trái chủ.

Tiếp đến, với số tiền quy buộc bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt, các luật sư cũng chỉ ra số tiền bà Lan bị buộc phải bồi hoàn cho các trái chủ nhiều hơn tổng số tiền dư nợ trái phiếu mà cơ quan tố tụng quy kết bà Lan chiếm đoạt.

Về nguồn tiền bồi thường thiệt hại, theo luật sư, căn cứ vào công văn của Cục Thi hành án dân sự TP.HCM, tính đến ngày 24.3.2025, đã có 8.600 tỉ đồng nằm trong tài khoản của Cục Thi hành án và trong các tài khoản bị phong tỏa.

Có khoảng 15.300 tỉ đồng là tiền mà các cá nhân, tổ chức phải trả cho bà Trương Mỹ Lan. Tổng số tiền theo công văn là 24.000 tỉ đồng. Cộng thêm, bản án sơ thẩm vụ án giai đoạn 2 còn kê biên hàng loạt cổ phần, bất động sản với tổng trị giá hơn 10.000 tỉ đồng để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án của bà Trương Mỹ Lan.

Một khoản tiền khác cũng có thể được sử dụng để khắc phục hậu quả, đó là hơn 15.712 tỉ đồng có nguồn gốc từ gói trái phiếu An Đông được trả cho 6 tổ chức tín dụng cần được thu hồi.

Theo luật sư, tổng cộng ba nguồn tiền trên sẽ có hơn 50.000 tỉ đồng để bồi thường cho các bị hại trong vụ án trái phiếu.

vo-tan-hoang-van-tn.png
Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn - Ảnh: Thanh Niên

Cựu Tổng giám đốc SCB mong được xem xét lại vai trò

Tự bào chữa, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB) thừa nhận hành vi theo bản luận tội, đồng thời mong HĐXX và VKS xem xét lại các số liệu mà luật sư đã thu thập, chứng minh để xác định lại vai trò của bị cáo trong vụ án.

Ở tội “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”, bị cáo Văn cho biết đã tham gia phê duyệt 20 giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài với tổng trị giá hơn 516 triệu USD. Tuy nhiên, trong đó có 12 giao dịch để trả nợ các khoản vay cho 5 pháp nhân nước ngoài chuyển tiền mua cổ phần SCB (trị giá hơn 400 triệu USD).

Bào chữa cho ông Văn, luật sư đề nghị tòa đánh giá lại vai trò của thân chủ trong vụ án. Theo luật sư, bị cáo không tham gia vào việc đưa ra chủ trương phát hành trái phiếu mà chỉ có nhiệm vụ phát triển sản phẩm bán trái phiếu đến người dân sau khi việc phát hành trái phiếu đã hoàn thành ở giai đoạn sơ cấp.

Luật sư cũng cho rằng ông Văn là người làm công ăn lương, đang có 6 con nhỏ, gia đình khó khăn, có công với cách mạng, nhân thân tốt nên xin HĐXX xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho ông Văn.

Nhật Anh (tổng hợp)