Nhà sáng lập Huawei, BYD, Xiaomi nói gì với ông Tập Cận Bình tại hội nghị có Jack Ma và Lương Văn Phong?
Thế giới số - Ngày đăng : 11:55, 21/02/2025
Nhà sáng lập Huawei, BYD, Xiaomi nói gì với ông Tập Cận Bình tại hội nghị có Jack Ma và Lương Văn Phong?
Nhậm Chính Phi (người sáng lập Huawei) nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị chuyên đề cùng các doanh nhân khu vực tư nhân rằng những lo ngại của nước này về tình trạng thiếu chip nội địa hoặc hệ điều hành đã giảm bớt, theo tờ Nhân dân Nhật báo.
Nhân dân Nhật báo hôm 21.2 đã đăng bài viết tóm tắt những gì nhà sáng lập các doanh nghiệp lớn Trung Quốc, gồm cả Nhậm Chính Phi, Vương Truyền Phúc của hãng ô tô điện hàng đầu BYD, Lôi Quân của hãng smartphone và xe điện Xiaomi, đã nói với ông Tập Cận Bình tại hội nghị chuyên đề diễn ra ngày 17.2 ở thủ đô Bắc Kinh.
Thông tin công khai về cuộc họp, nơi 6 nhà sáng lập doanh nghiệp phát biểu trước ông Tập Cận Bình trong khi những người như Lương Văn Phong của DeepSeek và Jack Ma của Alibaba theo dõi, đã được kiểm soát chặt chẽ. Trước đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc chỉ công bố phát biểu của ông Tập Cận Bình mà không tiết lộ chi tiết những gì các nhà sáng lập đã nói.
Nhậm Chính Phi nói với ông Tập Cận Bình rằng những lo ngại của Trung Quốc về việc "thiếu lõi và hồn" đã giảm bớt và tuyên bố: "Tôi tin tưởng chắc rằng một Trung Quốc vĩ đại hơn sẽ trỗi dậy nhanh hơn", theo Nhân dân Nhật báo.
Cụm từ "thiếu lõi và hồn" bắt nguồn từ năm 1999 khi một cựu bộ trưởng công nghệ Trung Quốc nhận xét về ngành công nghiệp thông tin nước này, trong đó "lõi" ám chỉ chất bán dẫn và "hồn" đề cập đến hệ điều hành.
Huawei đã trở thành một trong những lực lượng chủ chốt thúc đẩy mục tiêu của ông Tập Cận Bình nhằm đưa Trung Quốc trở nên tự chủ hơn, vượt qua các lệnh trừng phạt từ Mỹ để sản xuất chip tiên tiến và hệ điều hành riêng.
Tại hội nghị, Vương Truyền Phúc đã nói về cách ngành công nghiệp ô tô điện Trung Quốc khởi đầu từ con số 0 và "đạt được một bảng thành tích ấn tượng". Trong khi Lôi Quân nói rằng ngay cả khi tình hình quốc tế thay đổi, với sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, "không có gì là không thể vượt qua", theo Nhân dân Nhật báo.
Ba doanh nhân khác cũng phát biểu tại cuộc họp đến từ hãng chip Will Semiconductor, nhà sản xuất robot hình người Unitree và tập đoàn thức ăn chăn nuôi lớn nhất Trung Quốc New Hope Group, Nhân dân Nhật báo đưa tin.

Hôm 17.2, Chủ tịch Tập Cận Bình đã chủ trì hội nghị chuyên đề quan trọng có sự tham dự của lãnh đạo nhiều doanh nghiệp lớn. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang phải đối mặt với nền kinh tế chững lại và căng thẳng leo thang với Mỹ.
Mục tiêu của hội nghị là thúc đẩy niềm tin khu vực tư nhân. Ông Tập Cận Bình khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng hoạt động trong nước và quốc tế giữa bối cảnh cuộc chiến công nghệ Trung-Mỹ ngày càng căng thẳng.
Ông Tập Cận Bình từ lâu đã nhấn mạnh sự cần thiết của Trung Quốc trong việc đạt được khả năng tự chủ về sản xuất chất bán dẫn và tận dụng AI để thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, những nỗ lực này đang bị cản trở bởi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip do Mỹ áp đặt vì lo ngại Trung Quốc có thể sử dụng các loại chip tiên tiến để tăng cường năng lực quân sự.
"Đây là sự thừa nhận ngầm rằng chính phủ Trung Quốc cần đến các doanh nghiệp tư nhân trong cuộc cạnh tranh công nghệ với Mỹ. Chính phủ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc hỗ trợ họ nếu muốn cạnh tranh với Mỹ", Christopher Beddor, Phó giám đốc nghiên cứu về Trung Quốc tại hãng Gavekal Dragonomics, nhận định.
Gavekal Dragonomics là công ty nghiên cứu kinh tế và phân tích thị trường có trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc), chuyên cung cấp các báo cáo và nghiên cứu về nền kinh tế Trung Quốc và khu vực châu Á. Công ty này nổi bật nhờ vào khả năng phân tích sâu sắc các vấn đề kinh tế và tài chính, từ chính sách vĩ mô cho đến các xu hướng ngành nghề cụ thể trong khu vực.
Gavekal Dragonomics được biết đến với những nghiên cứu chi tiết và dự báo về các yếu tố ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc, gồm các vấn đề như tăng trưởng kinh tế, chính sách tiền tệ, thị trường bất động sản và các xu hướng tiêu dùng. Công ty cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư, các tổ chức tài chính, các chính phủ và các doanh nghiệp có nhu cầu hiểu rõ hơn về thị trường Trung Quốc.
Ông Tập Cận Bình lần đầu tiên chủ trì một hội nghị chuyên đề cấp cao dành cho khu vực tư nhân vào năm 2018. Khi đó, Chủ tịch Trung Quốc cam kết cắt giảm thuế, tạo môi trường cạnh tranh công bằng và đảm bảo doanh nghiệp tư nhân có thể tiếp cận hỗ trợ tài chính.
Những năm gần đây, ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh nhu cầu của Trung Quốc là đạt được "sự thịnh vượng chung", nói rằng các công ty tư nhân phải "giàu có và yêu thương" cũng như "yêu nước" và chia sẻ thành quả tăng trưởng của họ với nhân viên một cách công bằng hơn.
Hội nghị hôm 17.2 diễn ra khi các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) nguồn mở mạnh mẽ của DeepSeek làm dấy lên sự quan tâm từ các nhà đầu tư về tiềm năng hỗ trợ cho lĩnh vực công nghệ rộng lớn hơn ở Trung Quốc.
DeepSeek là công ty khởi nghiệp được chú ý nhất hiện nay khi gần đây tung ra V3 và R1, hai mô hình AI nguồn mở, hiệu suất cao, được phát triển với chi phí và sức mạnh tính toán chỉ bằng một phần nhỏ so với mức mà các hãng công nghệ lớn thường bỏ ra để xây dựng mô hình ngôn ngữ lớn – công nghệ nền tảng cho các dịch vụ AI tạo sinh.
Mã nguồn mở cho phép công chúng truy cập vào mã nguồn của một chương trình, giúp các nhà phát triển phần mềm bên thứ ba chỉnh sửa hoặc chia sẻ thiết kế, sửa lỗi hoặc mở rộng khả năng của nó. Các công nghệ mã nguồn mở đã đóng góp to lớn vào sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghệ Trung Quốc vài thập kỷ qua.
DeepSeek đã thúc đẩy làn sóng áp dụng các mô hình AI hiệu suất cao, chi phí thấp của công ty khởi nghiệp này trong nhiều ngành, từ sản xuất tiên tiến đến dịch vụ internet.
Các tập đoàn lớn như gã khổng lồ sản xuất PC Lenovo, công ty robot hình người UBTech và nhà sản xuất xe điện Geely nằm trong số những doanh nghiệp Trung Quốc đầu tiên tích hợp các mô hình AI DeepSeek vào sản phẩm của họ những tuần gần đây.
"Dù DeepSeek mở ra nhiều cơ hội, nhưng hội nghị lần này cũng nhằm định hướng khu vực tư nhân theo đường lối do chính phủ lãnh đạo và kiểm soát các rủi ro tiềm ẩn trong cuộc cạnh tranh với Mỹ. Tuy nhiên, môi trường pháp lý vẫn là một 'hộp đen' (không dễ dàng để dự đoán – PV). Vì phần lớn sự phát triển AI diễn ra trong khu vực tư nhân, chúng ta không thể loại trừ khả năng chính quyền sẽ áp dụng các quy định chặt chẽ hơn so với kỳ vọng của thị trường", Gary Ng, nhà kinh tế cấp cao tại Natixis, nhận định.
Natixis là ngân hàng và công ty dịch vụ tài chính toàn cầu có trụ sở tại Paris (thủ đô Pháp). Natixis thuộc Banque Populaire Caisse d'Epargne (BPCE), một trong những tập đoàn ngân hàng lớn nhất ở Pháp. Natixis cung cấp nhiều dịch vụ tài chính cho khách hàng doanh nghiệp, tổ chức tài chính và nhà đầu tư cá nhân, gồm ngân hàng đầu tư, quản lý tài sản, bảo hiểm và các dịch vụ thanh toán.
Không phát biểu tại hội thảo do ông Tập Cận Bình chủ trì, sự quan tâm của công chúng Trung Quốc với Lương Văn Phong tăng đột biến sau cuộc gặp này. Theo báo cáo hôm 19.2 của Weixin Index (nền tảng theo dõi từ khóa trên WeChat), hơn 222 triệu người dùng mạng xã hội Trung Quốc đã đọc các bài báo và xem video ngắn về Lương Văn Phong hôm 18.2, tăng 69% so với ngày 17.2.

Sự chú ý mà DeepSeek nhận được những tuần qua khiến công ty trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất với những người trẻ tuổi tìm việc tại Trung Quốc.
DeepSeek đang đẩy mạnh tuyển dụng nhân tài AI, với hàng chục vị trí nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực AI tổng quát (AGI) tại trụ sở chính ở Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang) cũng như tại Bắc Kinh, theo trang web của công ty mẹ High-Flyer Quant và các nền tảng tuyển dụng ở Trung Quốc.
AGI là dạng AI có khả năng hiểu, học hỏi và thực hiện các nhiệm vụ đa dạng một cách linh hoạt, giống hay vượt trội con người. Không giống AI hẹp, vốn chỉ giỏi trong một lĩnh vực cụ thể (như nhận dạng giọng nói hoặc hình ảnh), AGI có khả năng áp dụng kiến thức và kỹ năng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ đó giải quyết các vấn đề phức tạp một cách tự chủ và sáng tạo. OpenAI định nghĩa AGI là "một hệ thống có tính tự chủ cao, vượt trội hơn con người ở hầu hết công việc có giá trị kinh tế".
DeepSeek đẩy mạnh nghiên cứu AI hiệu quả hơn
DeepSeek đã tiết lộ những ưu tiên phát triển tiếp theo trong một nghiên cứu kỹ thuật mới, với Lương Văn Phong là 1 trong 15 đồng tác giả. Nghiên cứu này tập trung vào Native Sparse Attention (NSA), hệ thống được cho là giúp các mô hình AI xử lý lượng dữ liệu khổng lồ hiệu quả hơn.
Nghiên cứu có tiêu đề Native Sparse Attention: Hardware-Aligned and Natively Trainable Sparse Attention được DeepSeek công bố hôm 16.1 trên arXiv – diễn đàn trực tuyến dành cho cộng đồng khoa học chuyên nghiệp. Chỉ một ngày sau đó, Lương Văn Phong cùng nhiều doanh nhân công nghệ đã tham dự hội thảo do ông Tập Cận Bình chủ trì tại Bắc Kinh.
Nghiên cứu cho thấy Lương Văn Phong và đội ngũ các nhà khoa học trẻ của DeepSeek đang tiếp tục thúc đẩy giới hạn trong ngành, sau khi công ty đạt bước đột phá với các mô hình AI mã nguồn mở tiên tiến V3 và R1.
“Ngoài thiết kế tối ưu hóa cho phần cứng máy tính hiện đại, NSA giúp tăng tốc suy luận đồng thời giảm chi phí tiền huấn luyện, mà không làm giảm hiệu suất”, theo nghiên cứu.
Suy luận đề cập đến quá trình khi một mô hình AI, sau khi được huấn luyện để nhận diện các mẫu trong tập dữ liệu được chọn lọc, có thể bắt đầu nhận ra các mẫu tương tự trong dữ liệu mới mà nó chưa từng thấy trước đó. Nhờ vậy, mô hình AI có thể suy luận và đưa ra dự đoán tương tự con người.
Ngoài ra, nghiên cứu chỉ ra rằng NSA “sánh ngang hoặc vượt trội” so với các mô hình AI phát triển theo cơ chế “chú ý đầy đủ” (full attention) trên các tiêu chuẩn đánh giá chung, tác vụ ngữ cảnh dài và suy luận dựa trên hướng dẫn.
Theo nguồn tin có hiểu biết về tình hình nhưng từ chối tiết lộ danh tính, DeepSeek đang tập trung hơn vào nghiên cứu khi sự chú ý toàn cầu với công ty khởi nghiệp có trụ sở tại thành phố Hàng Châu ngày càng gia tăng. DeepSeek không vội vàng kêu gọi vốn hay tiến hành các hoạt động thương mại mới.