Loạt ‘ông lớn’ ngân hàng tiếp tục hạ thêm lãi suất
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 19:02, 01/07/2020
Lãi suất huy động giảm mạnh
Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) vừa quyết định giảm mạnh lãi suất huy động VND, với mức giảm lên tới từ 0,4 - 0,5% so với mức lãi suất niêm yết trước đó.
Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 7 ngày và 14 ngày đã về mức 0,2%/năm so với mức 0,5%/năm duy trì từ hồi giữa tháng 3. Còn kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng niêm yết ở mức 3,7%, giảm 0,4% so với trước đó và thấp hơn rất nhiều so với mức trần 4,3%/năm. Lãi suất kỳ hạn 3 tháng từ 4,5%/năm cũng giảm xuống 4%/năm; kỳ hạn 6 tháng từ 4,9%/năm xuống còn 4,4%/năm. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 9 tháng giảm 0,3%, từ 4,9% xuống còn 4,6%.
Tại các kỳ hạn dài hơn, từ 12 tháng đến 36 tháng, lãi suất tiền gửi cũng được nhà băng này điều chỉnh giảm mạnh 0,5% so với trước đó. Mức lãi suất huy động VND cao nhất tại Vietcombank hiện chỉ còn 6,1%/năm, thay vì 6,6%/năm trước đó. Với khách hàng tổ chức, mức lãi suất cao nhất giảm hẳn xuống chỉ còn 5,5%/năm trên biểu niêm yết.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng quyết định giảm lãi suất tiết kiệm ở nhiều kỳ hạn. Theo đó, ở kỳ hạn 1 tháng đến dưới 3 tháng, lãi suất đang là 3,7%/năm, giảm 0,3 % so với tháng 6. Kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 6 tháng, lãi suất huy động giảm 0,25 %, từ 4,25%/năm xuống còn 4%/năm.
Các kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 9 tháng được niêm yết ở cùng mức lãi suất 4,4%/năm, giảm 0,5%. Tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 9 tháng đến dưới 12 tháng giảm 0,5%, từ 5,1%/năm xuống còn 4,6%. Với các kỳ hạn dài từ 12 tháng đến 36 tháng và trên 36 tháng, Vietinbank áp dụng chung với mức lãi suất 6%/năm. So với tháng trước, lãi suất tiền gửi tại các kỳ hạn này giảm 0,5%. Đây cũng là mức lãi suất tiết kiệm cao nhất tại nhất tại VietinBank tại thời điểm này.
Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) quyết định điều chỉnh giảm mạnh lãi suất tiết kiệm ở hầu hết các kỳ hạn. Các khoản tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng được áp dụng cùng mức lãi suất là 3,7%/năm, giảm 0,3 % so với thời điểm đầu tháng 6.2020. Còn kỳ hạn 3 tháng, 5 tháng, 6 tháng và 9 tháng, lãi suất huy động được điều chỉnh giảm từ 0,25 đến 0,5 % so với tháng trước. Hiện tại, lãi suất huy động cao nhất tại BIDV là 6%/năm, áp dụng đối với các kỳ hạn từ 364 ngày và 12 tháng trở lên, giảm 0,5 % so với tháng trước.
Lãi suất cho vay cũng điều chỉnh giảm
Trái ngược với việc giảm lãi suất huy động của 3 ông lớn trên, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa thông báo giảm tiếp 0,2% lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19. Kể từ đầu năm, đây là lần thứ 3 ngân hàng hạ lãi suất cho vay.
Theo đó, từ ngày 30.6, Agribank giảm lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên theo quyết định tại rhông tư 39/2016 của Ngân hàng Nhà nước. Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa 4,8%/năm; lãi suất cho vay trung, dài hạn tối thiểu 7,5%/năm, đây là mức lãi suất thấp nhất thị trường hiện nay.
Agribank cho biết đến hết tháng 5.2020, ngân hàng đã cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi, phí là 41.788 tỉ đồng. Ngoài ra, cho vay mới 42.458 tỉ đồng với 23.656 khách hàng và thực hiện hạ lãi suất cho hơn 54.000 khách hàng với số dư hạ lãi suất gần 40.000 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ Trưởng Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết tính đến 22.6, tất cả tổ chức tín dụng, kể cả công ty tài chính, ngân hàng nước ngoài đều đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 258.000 khách hàng với dư nợ gần 177.000 tỉ đồng.
Các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm lãi suất cho hơn 421.000 khách hàng với dư nợ hơn 1,26 triệu tỉ đồng. Còn cho vay mới với lãi suất ưu đãi có doanh số lũy kế từ 23.1 đạt 1,13 triệu tỉ đồng cho hơn 238.000 khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5- 2,5% so với trước dịch.
Nhiều chuyên gia cho rằng việc các ngân hàng lớn giảm lãi suất huy động là do gần đây Ngân hàng Nhà nước mạnh tay bơm thêm tiền ra thị trường, làm cho thanh khoản của các ngân hàng thương mại dồi dào, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm mạnh. Trong khi đó, do tác động của đại dịch COVID-19, tín dụng tăng trưởng rất thấp và chậm nên khả năng hấp thụ lượng tiền gửi cũng hạn chế; các ngân hàng phải điều chỉnh để cân đối chi phí.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tính đến ngày 19.6, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế chỉ đạt 2,45% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 6,22%). Đây là mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất của thời điểm 19/6 các năm 2016-2020.
Phan Diệu