COVID-19 đẩy cổ phiếu rớt giá mạnh, nhà đầu tư vừa ham vừa sợ
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 12:45, 11/04/2020
Theo Công ty Chứng khoán KB (KBSV), tâm lý lo lắng của nhà đầu tư trước diễn biến khó lường của dịch bệnh COVID-19 đã khiến thị trường chứng khoán thế giới đồng loạt giảm điểm. Tại Việt Nam, VN-Index trong quý 1/2020 sụt giảm 31% và là một trong nhưng thị trường giảm sâu nhất trong khu vực.
Không những vậy, do lo ngại tác động của dịch bệnh đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, khối ngoại đã bán ròng ở hầu hết các thị trường mới nổi, trong đó Việt Nam là 358 triệu USD. Xu hướng rút ròng này là một trong những nguyên nhân chính khiến thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc mạnh trong bối cảnh dòng tiền trong nước tham gia khá dè dặt.
Đáng chú ý, tất cả các nhóm ngành đều giảm điểm trong quý 1. Trong đó, ngành dịch vụ tiêu dùng và tiện ích cộng đồng là 2 nhóm ngành có diễn biến tiêu cực nhất. Xét theo nhóm cổ phiếu, biến động mạnh của thị trường khiến nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn chịu áp lực bán tháo mạnh, dẫn dắt bởi các cổ phiếu ở mức giá cao trước đó như VIC, VCB, VHM, GAS, SAB.
Tuy nhiên, dựa theo kịch bản cơ sở dịch bệnh sẽ đạt đỉnh giai đoạn cuối quý 2, KBSV kỳ vọng VN-Index sẽ quay lên vùng 750 điểm. Thị trường sẽ tiếp tục trải qua các nhịp biến động mạnh trong quý 2, tương tự như diễn biến ở cuối quý 1. Điều này xảy ra ở bối cảnh dòng tiền trong nước và quốc tế vận động nhanh, đi kèm với sự đan xen của tâm lý tham lam và sợ hãi của nhà đầu tư nhằm phản ánh các thông tin trái chiều.
“Hoạt động sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp đã bắt đầu chịu tác động của COVID-19 trong quý 1, tuy nhiên các tác động mạnh nhất sẽ chủ yếu tập trung vào quý 2. COVID-19 và rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu là 2 rủi ro chính đối với thị trường hiện tại. Ngược lại, các yếu tố chính tạo kỳ vọng cho thị trường là việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công; các gói kích thích kinh tế của các ngân hàng trung ương trên thế giới; hiệu quả từ các gói hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp của Chính phủ, các biện pháp hỗ trợ giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước”, KBSV nhìn nhận.
KBSV cũng đánh giá nền tảng vĩ mô của Việt Nam hiện tại được đánh giá khá ổn định với mức lạm phát thấp trong khi hệ thống tài chính ngân hàng vững vàng hơn với tỷ lệ nợ xấu ở mức vừa phải. Cùng với kinh nghiệm đối phó với khủng hoảng kinh tế 2008- 2009, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ có thể áp dụng các chính sách hỗ trợ linh hoạt.
“Tuy nhiên, độ mở thương mại của nền kinh tế Việt Nam đã ở mức cao và phụ thuộc lớn vào các doanh nghiệp FDI khiến cho bất kỳ những cú sốc về cung cầu thế giới sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ tới kinh tế Việt Nam. Bởi vậy, dù sức khỏe nền kinh tế thời điểm hiện tại tốt hơn 2008 nhưng chúng tôi cho rằng khủng hoảng kinh tế sắp tới sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn.
Thị trường chứng khoán Việt Nam ở thời điểm hiện tại so với cách đây hơn 10 năm đã có nhiều sự khác biệt. Thị trường chuyên nghiệp hơn và dòng tiền mang tính ổn định, dài hạn hơn. Mặc dù vậy, diễn biến thị trường giai đoạn khủng hoảng 2008-2009 vẫn là cơ sở quan trọng để làm tham chiếu cho các kịch bản xấu có thể diễn ra”, KBSV nói thêm.
Cũng theo chuyên gia công ty này, bối cảnh trong nước khiến các chỉ tiêu vĩ mô không còn giữ được sự ổn định khi tăng trưởng kinh tế có thể ghi nhận mức sụt giảm mạnh. Các biện pháp kích thích kinh tế của Chính phủ vẫn đang ở mức vừa phải khi hiện mới tập trung vào việc cắt giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp. Công cụ tài khóa vẫn đang gặp nhiều vướng mắc trong thủ tục giải ngân vốn trong khi công cụ tiền tệ có thể chỉ được sử dụng cầm chừng khi lạm phát hiện tại ở mức không thuận lợi.
Đặc biệt, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 khiến việc dự báo thị trường gặp khó khăn. Do vậy, nếu dịch bệnh sẽ rơi vào cuối quý 2, điều này đồng nghĩa với việc nhịp hồi phục bền vững sẽ chỉ xuất hiện vào giai đoạn nửa sau quý 2, đầu quý 3. Thị trường có sự dẫn dắt bởi nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã sụt giảm sâu và có khả năng từng bước khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh nhờ cơ cấu tài chính lành mạnh, ưu thế về quy mô, cũng như quan hệ với đối tác lâu năm...
Phan Diệu