Định giá của thị trường chứng khoán đã được đưa về mức rất thấp
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 13:59, 11/03/2020
Theo Công ty Chứng khoán SSI, ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh COVID-19, thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm điểm ngay sau kỳ nghỉ Tết. Trạng thái cân bằng được duy trì trong 3 tuần đầu tháng 2 nhưng đặc biệt giảm mạnh trong tuần cuối tháng khi thị trường Mỹ bắt đầu phản ứng tiêu cực với dịch bệnh.
Chỉ số VN-Index rơi trở lại 882,19 điểm, để mất mốc 900 điểm đã được giữ vững trong cả năm 2019. Với mức giảm 5,8%, tháng 2 cũng là tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 11.2018. Như vậy, chỉ số VN-Index đã giảm 8,2% trong 2 tháng đầu năm, trái ngược với diễn biến tích cực thường thấy trong các năm trước.
Những thông tin ban đầu về dịch bệnh bắt đầu xuất hiện từ tháng 1 và tình hình chuyển biến xấu dần sau thời gian nghỉ Tết. Các khuyến cáo hạn chế đi lại và các hoạt động tập thể ngay lập tức tác động tới nhiều lĩnh vực như du lịch, vận tải, hàng không, dầu khí và các ngành hàng xuất khẩu khiến cổ phiếu các ngành này đều giảm mạnh.
Theo SSI, diễn biến dịch bệnh khó lường, chuỗi cung ứng bị gián đoạn khi giao thương với Trung Quốc bị kiểm soát khiến cho hầu hết cổ phiếu các ngành khác cũng giảm theo mặc dù vẫn chưa thể lượng hóa tác động của dịch bệnh.
Đi ngược xu hướng chung, ngành Ngân hàng tiếp tục là điểm sáng khi nhiều cổ phiếu duy trì đà tăng để nâng đỡ chỉ số chung, một phần nhờ kỳ vọng vào việc ra mắt quỹ ETF chỉ số ngành Tài chính (VNFIN Lead ETF). 5 cổ phiếu ngân hàng VPB, CTG, STB, TCB và HDB đóng góp nhiều nhất nâng đỡ cho VNIndex, bên cạnh ACB và SHB diễn biến tốt bên sàn HNX. Công nghệ thông tin, Dược và Điện, Nước cũng là các ngành có diễn biến tích cực hơn trong giai đoạn này nhờ kỳ vọng hưởng lợi gián tiếp hoặc không ảnh hưởng từ dịch bệnh.
Thanh khoản của thị trường không thay đổi đáng kể so với tháng trước, giá trị giao dịch bình quân đạt 4.661 tỉ đồng/phiên. Tuy vậy, giá trị giao dịch bằng phương thức khớp lệnh lại tăng 17%, mặt bằng giá thấp kích hoạt các giao dịch ngắn hạn để tận dụng biến động với kỳ vọng dịch bệnh sớm được kiểm soát.
Thị trường tương lai cũng giao dịch sôi động hơn khi rủi ro gia tăng. Giá trị giao dịch bình quân tăng 63%, tương đương mức hơn 11 nghìn tỉ đồng và 134 nghìn hợp đồng mỗi phiên.
Riêng thị trường chứng quyền vẫn còn khá khiêm tốn với mức giao dịch 7,5 tỉ đồng/phiên. Tính tới cuối tháng 2, có 63 chứng quyền do 7 công ty chứng khoán phát hành đang được niêm yết vào giao dịch trên sàn HOSE.
Báo cáo này cũng đề cập việc dòng vốn nước ngoài rút khỏi thị trường cổ phiếu, Việt Nam không nằm ngoài xu hướng.
Theo đó, sau khi mua ròng gần 2.000 tỉ đồng trong tháng 1, hiện tượng bán ròng quay trở lại và xuất hiện trong 18/20 phiên giao dịch của tháng 2, tổng giá trị bán ròng lên tới 3.132 tỉ đồng, mức lớn nhất ghi nhận trong 10 năm.
Không chỉ thị trường Việt Nam, hầu hết các thị trường mới nổi Châu Á cũng bị bán ròng như Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines...
Trong khi đó, giá vàng trong cùng kỳ tăng gần 7%, USD Index cũng tăng lên sát ngưỡng 100. Dòng vốn tìm nơi trú ẩn đã tạm thời rút ra khỏi các thị trường mới nổi trong đó có Việt Nam. Xu hướng này phù hợp với bối cảnh hiện tại khi tác động của dịch bệnh lên nền kinh tế toàn cầu rất khó lường, tuy vậy chúng tôi cho rằng vẫn có một lượng lớn tiền trên thị trường chờ đợi tái cơ cấu danh mục với kỳ vọng tốc độ lan truyền của dịch bệnh sẽ chậm lại khi thời tiết ấm hơn vào mùa hè và các gói hỗ trợ của Chính phủ sau đó.
Cũng theo báo cáo, định giá của thị trường chứng khoán đã được đưa về mức rất thấp. Hệ số giá trên thu nhập (P/E) của VN-Index giảm về mức 13,74 lần, mức thấp nhất kể từ giữa năm 2016 và thấp hơn hầu hết các thị trường khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines và cả Trung Quốc.
Mức định giá này là lợi thế cho Việt Nam thu hút dòng vốn ngoại trở lại và tạo sức bật hồi phục tốt cho các chỉ số thị trường một khi có tín hiệu dịch COVID-19 được kiểm soát tốt trên toàn cầu.
Lam Thanh