Aqua One của Shark Liên được giao làm nhà máy Xuân Mai cấp nước cho phía nam Hà Nội

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 15:19, 18/11/2019

Tập đoàn Aqua One của Shark Liên được Hà Nội giao đầu tư đường ống cấp nước sạch cho các huyện: Thường Tín, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai. Dự án này có mức tổng đầu tư là 1.255 tỉ đồng. Trong đó, vốn của nhà đầu tư 251 tỉ đồng (chiếm 20% tổng vốn đầu tư), còn lại là vay.
Ảnh minh họa: Nguồn aquaone.vn

Câu chuyện giá nước sạch của nhà máy nước sạch sông Đuống cao do gánh thêm lãi vay 4.000 tỉ nhưng Hà Nội chấp nhận mua và bù lỗ đang ồn ào và thu hút sự chú ý trong dư luận thời gian qua.

Thông tin mà dư luận xôn xao là dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống hiện có 4 pháp nhân tham gia đầu tư, trong đó có Tập đoàn Aqua One của bà Đỗ Thị Kim Liên (còn được gọi là Shark Liên) nắm cổ phần chi phối. Sản phẩm nước sạch của dự án này được bà Đỗ Thị Kim Liên cho biết do được Hà Nội mời chào đầu tư với cam kết sẽ bao tiêu đầu ra, đồng thời mua nước với giá 10.246 đồng/m3.

Tại Hà Nội, không chỉ có dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống được Tập đoàn Aqua One của Shark Liên thực hiện, UBND TP.Hà Nội còn “giao” cho tập đoàn này thực hiện dự án nước sạch Xuân Mai.

Cụ thể, tại quyết định số 3845 ngày 24.6.2017, UBND TP đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng phát triển mạng lưới phân phối nước sạch cho các xã thuộc huyện Thường Tín, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai cho liên danh Công ty cổ phần Nước Aqua One và Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống (Công ty TNHH hai thành viên phân phối nước sạch huyện Thường Tín, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai) triển khai thực hiện.

Dự án xây dựng mới hệ thống cấp nước hoàn chỉnh cho 27 xã thuộc huyện Ứng Hòa chưa có hệ thống cấp nước gồm: Cao Thành, Đại Cường, Đại Hùng, Đội Bình, Đông Lỗ, Đồng Tiến, Đồng Tân, Hoa Sơn, Hòa Lâm, Hòa Nam, Hòa Phú, Hòa Xá, Hồng Quang, Kim Đường, Lưu Hoàng, Minh Đức, Phù Lưu, Phương Tú, Sơn Công, Tảo Dương Văn, Trầm Lộng, Trung Tú, Liên Bạt, Trường Thịnh, Vạn Thái, Viên An, Viên Nội. Tiến độ thực hiện 2017 – 2020. Dự án nhà máy nước Xuân Mai dự kiến hoàn thành vào quý 4/2020.

Mới đây, trong văn bản trả lời kiến nghị cử tri, UBND TP.Hà Nội cho biết đã giao cho Công ty cổ phần Aqua One triển khai dự án nước sạch Xuân Mai, cung cấp nước sạch cho khu vực phía nam của thành phố, trong đó có các huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thường Tín và Thanh Oai.

Văn bản trả lời cử tri của UBND TP.Hà Nội cho biết, để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch cho người dân trên địa bàn huyện Ứng Hòa, UBND TP đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng phát triển mạng lưới phân phối nước sạch cho các xã thuộc huyện Thường Tín, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai cho liên danh Công ty cổ phần Nước Aqua One và Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống (Công ty TNHH hai thành viên phân phối nước sạch huyện Thường Tín, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai) triển khai thực hiện tại quyết định số 3845 ngày 24.6.2017.

Trong đó có nội dung xây dựng mới hệ thống cấp nước hoàn chỉnh cho 27 xã nói trên thuộc huyện Ứng Hòa.

"Mặt khác, để đáp ứng nhu cầu dùng nước của nhân dân huyện Ứng Hòa, hiện nay thành phố đã giao Công ty Aqua One triển khai dự án nhà máy nước Xuân Mai, giai đoạn trước mắt sử dụng nguồn nước mặt sông Đuống, thông qua tuyến truyền dẫn trên đường trục phát triển kinh tế phía nam và đường 21B để kết nối hệ thống cấp nước bổ sung nguồn cấp cho huyện Ứng Hòa và khu vực dự kiến triển khai trong năm 2019" - văn bản của Hà Nội nêu.

Cử tri huyện Mỹ Đức cũng đề nghị thành phố đầu tư xây dựng hệ thống sản xuất nước sạch để cung cấp cho người dân trên địa bàn huyện Mỹ Đức, vì hiện nay nguồn nước ngầm bị ô nhiễm, không đảm bảo, nhiều hộ dân khoan giếng đã sụt lún, gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người dân.

Trả lời vấn đề này, UBND TP.Hà Nội cho biết đã giao Liên danh Công ty cổ phần Nước Aqua One và Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống triển khai thực hiện dự án xây dựng mới hệ thống cấp nước hoàn chỉnh cho 20 xã chưa có hệ thống cấp nước của huyện Mỹ Đức (cũng tại quyết định số 3845, ngày 24.6.2017) gồm các xã An Mỹ, An Phú, An Tiến, Bột Xuyên, Đại Hưng, Đốc Tín, Đồng Tâm, Hồng Sơn, Hợp Thanh, Hợp Tiến, Hùng Tiến, Lê Thanh, Mỹ Thành, Phù Lưu Tế, Phúc Lâm, Phùng Xá, Thượng Lâm, Tuy Lai, Vạn Kim, Xuy Xá.

UBND TP.Hà Nội đã giao Công ty Aqua One triển khai dự án nhà máy nước Xuân Mai để giải quyết vấn đề nước sạch trên địa bàn trong thời gian tới.

Được biết, Nhà máy nước mặt Xuân Mai là nhà máy có quy mô cấp nước vùng, với công suất: 600.000 m3/ngày đêm; tổng công suất dự kiến: 900.000 m3/ngày đêm. Dự án có tổng mức đầu tư 1.255 tỉ đồng, trong đó vốn của nhà đầu tư 251 tỉ đồng (chiếm 20% tổng vốn đầu tư), còn 1.004 tỉ đồng là vay.

Liệu rằng người dân các huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thường Tín, Thanh Oai có phải "gánh" mức giá nước sạch cao cho nhà đầu tư trả lãi khoản vay hơn 1.000 tỉ đồng? Đó là vấn đề được người dân các huyện lo ngại.

Thông tin về Nhà máy nước mặt Xuân Mai:

Chủ đầu tư: CÔNG TY TNHH NƯỚC SẠCH HÒA BÌNH – XUÂN MAI

Địa điểm: Khu công nghiệp Mông Hóa, xã Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Diện tích: 52,4ha. Trong đó, công trình thu và trạm bơm: khoảng 3,4ha; nhà máy xử lý nước: khoảng 45,5ha; bể chứa trung gian: khoảng 3,5ha.

Nguồn nước: Sử dụng nguồn nước mặt sông Đà.

Thời gian – Công suất: Nhà máy có quy mô cấp nước vùng, với công suất: 600.000 m3/ngày đêm; Tổng công suất dự kiến: 900.000 m3/ngày đêm.

Mục tiêu: Dự án có hệ thống đường ống truyền dẫn nước sạch dài 58km chạy dọc theo QL16 thuộc địa phận Hòa Bình và Hà Nội, cung cấp nước sạch cho quận Hà Đông, một phần các quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm và huyện Hoài Đức; Phía nam: Từ vành đai 3 theo quốc lộ 1A về phía nam gồm huyện Thường Tín và Phú Xuyên; Phía tây và tây nam: các huyện Thanh Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức và Ứng Hòa; Phía đông: bổ sung cho các quận nội thành cũ và một số huyện của tỉnh Hòa Bình (Kỳ Sơn, Lương Sơn, một phần thành phố Hòa Bình) dọc tuyến ống.

Tổng mức đầu tư:

Nhà máy và hệ thống cấp nước: 3.040 tỉ đồng.
Tuyến ống truyền tải nước sạch: 1.255 tỉ đồng.
Nhà thầu chính:

Liên danh tổng thầu Aone Deutschland và Strabag (CHLB Đức)
Đối tác tài chính:

Quỹ đầu tư liên doanh Vietnam Oman Invesments (VOI).
Ngân hàng Vietinbank.
Ngân hàng liên doanh IndovinaBank.

Nam Phong