Google đóng băng thanh toán cho các nhà phát triển ứng dụng có tài khoản ngân hàng ở Nga

Thế giới số - Ngày đăng : 18:31, 13/12/2024

Google, gã khổng lồ công nghệ Mỹ, trước đó đã tước quyền tiếp cận một số công cụ kiếm tiền khác của các thực thể và cá nhân tại Nga.
Thế giới số

Google đóng băng thanh toán cho các nhà phát triển ứng dụng có tài khoản ngân hàng ở Nga

Sơn Vân {Ngày xuất bản}

Google, gã khổng lồ công nghệ Mỹ, trước đó đã tước quyền tiếp cận một số công cụ kiếm tiền khác của các thực thể và cá nhân tại Nga.

Trang RT đưa tin Google Play, cửa hàng ứng dụng Android chính thức của Google, đã tạm dừng vô thời hạn việc thanh toán cho các nhà phát triển ứng dụng có tài khoản ngân hàng tại Nga.

Kể từ khi xung đột ở Ukraine leo thang vào tháng 2.2022, Google đã hạn chế các tùy chọn kiếm tiền và một số dịch vụ khác dành cho các cá nhân, thực thể Nga và Belarus.

Theo RT, Belarus là một trong những đồng minh quan trọng của Nga và hỗ trợ Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine nhưng không trực tiếp tham gia chiến sự.

Hôm 13.12, hãng truyền thông Habr (Nga) đã công bố ảnh chụp màn hình thông báo mà Google dường như gửi cho một nhà phát triển: "Vào ngày 26.12.2024, Google Play sẽ ngừng vô thời hạn việc xử lý khoản thanh toán cho các nhà phát triển có tài khoản ngân hàng được mở tại Nga. Điều này có nghĩa là thu nhập từ doanh số bán hàng trên toàn thế giới sẽ không còn được tích lũy cho bạn nữa. Bạn sẽ nhận được khoản thanh toán cuối cùng cho tất cả giao dịch trên Google Play vào ngày 15.1.2025".

google-dong-bang-thanh-toan-cho-cac-nha-phat-trien-ung-dung-co-tai-khoan-ngan-hang-o-nga.jpg
Google Play sẽ ngừng vô thời hạn việc xử lý khoản thanh toán cho các nhà phát triển có tài khoản ngân hàng được mở tại Nga sau ngày 15.1.2025 - Ảnh: Internet

Vào tháng 5.2022, Google Play đã chặn "việc tải xuống các ứng dụng trả phí và cập nhật cho các ứng dụng trả phí tại Nga lẫn Belarus", với lý do "gián đoạn hệ thống thanh toán". Tuy nhiên, các ứng dụng miễn phí vẫn có sẵn tại hai nước này.

Vài tháng trước đó, YouTube (thuộc sở hữu của Google) thông báo "tạm dừng tất cả quảng cáo trên YouTube tại Nga". Cùng thời điểm đó, nền tảng lưu trữ video này đã xóa các kênh thuộc nhiều phương tiện truyền thông do nhà nước Nga tài trợ.

Vào tháng 8.2024, Google AdSense (chương trình giúp chủ sở hữu trang web điều chỉnh quảng cáo theo nội dung của họ và tạo doanh thu cho mỗi lần nhấp) thông báo sẽ chấm dứt dịch vụ của mình tại Nga.

Phương tiện truyền thông địa phương trích dẫn một thông báo qua email do Google gửi đến các nhà xuất bản Nga rằng: "Chúng tôi sẽ hủy kích hoạt tất cả tài khoản AdSense tại Nga".

Chính quyền Nga cáo buộc gã khổng lồ công nghệ Mỹ phân biệt đối xử với phương tiện truyền thông nhà nước và người dùng Nga, cũng như không xóa nội dung mà họ cho là bất hợp pháp.

Tháng 10.2024, phương tiện truyền thông đưa tin tòa án Nga phạt Google 20 decillion USD (20 triệu tỉ tỉ tỉ USD) sau khi 17 đài truyền hình Nga đệ đơn kiện công ty Mỹ vì những gì họ mô tả là hành vi chặn nội dung một cách bất hợp pháp.

Ngay sau đó, người phát ngôn Điện Kremlin - Dmitry Peskov xác nhận tin tức này, nói rằng số tiền khổng lồ đó "mang ý nghĩa biểu tượng".

Hồi tháng 10.2022, Tòa án Trọng tài Moscow đã ra lệnh cho Google khôi phục quyền truy cập YouTube vào các phương tiện truyền thông Nga bị chặn, áp dụng hình phạt gộp là 100.000 rúp (1.028 USD) mỗi ngày nếu không tuân thủ. Hình phạt sẽ tăng gấp đôi mỗi tuần mà không áp dụng mức giới hạn cho số tiền.

Dù khoản tiền phạt lớn hơn tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của toàn cầu nhưng chính phủ Nga vẫn tiếp tục gia tăng số tiền phạt theo thời gian. Google dường như không có ý định thanh toán khoản tiền phạt khổng lồ này khi công ty mẹ Alphabet cũng chỉ có doanh thu 307 tỉ USD trong cả năm 2023.

Dù vậy, các phương tiện truyền thông Nga đã kiện Google tại nhiều quốc gia như Tây Ban Nha, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary nhằm thực thi khoản phạt này. Đầu năm nay, Nam Phi đã chấp thuận yêu cầu khi tịch thu tài sản của Google tại quốc gia này. Nhằm hạn chế các vụ kiện từ Nga mở rộng ra hơn nữa, Google đã thực hiện các vụ kiện tại Mỹ và Anh.

Vào tháng 5.2022, Google đóng cửa chi nhánh và nộp đơn xin phá sản tại Nga, chuyển nhân viên ra khỏi nước này sau khi chính quyền tịch thu tài khoản ngân hàng của công ty. Tuy nhiên, nhiều dịch vụ của Google, gồm cả công cụ tìm kiếm và YouTube, vẫn có thể truy cập tại Nga.

Theo tờ Telegraph, các viên chức hành pháp đại diện cho Nga đã tịch thu hơn 100 triệu USD từ một tổ chức phá sản. Trong các tài liệu tòa án, Google cho biết tòa án Nga đã chuyển giao tài sản cho các kênh truyền hình bị hãng trừng phạt.

Về khoản tiền phạt khổng lồ từ Nga, Google khẳng định trong báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2024 rằng: "Chúng tôi không tin rằng những vấn đề pháp lý đang diễn ra này sẽ có tác động tiêu cực đáng kể".

Kết quả kinh doanh quý 3/2024 ấn tượng, cổ phiếu tăng lên mức kỷ lục hôm 11.12

Cuối tháng 10, Alphabet đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2024 vô cùng ấn tượng với doanh thu đạt 88,3 tỉ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023.

Kết quả trên có được nhờ tăng trưởng mạnh mẽ trong mảng kinh doanh quảng cáo và dịch vụ đám mây.

Trong quý 3/2024, thu nhập ròng của Alphabet tăng 34% đạt mức 26,3 tỉ USD, còn lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu tăng 37% lên 2,12 USD. Biên lợi nhuận hoạt động của Alphabet trong quý này tăng lên 32%, cho thấy hiệu quả trong việc quản lý chi phí ngày càng tốt hơn.

Giám đốc điều hành Alphabet - Sundar Pichai cho biết sự thành công này là nhờ vào cam kết đổi mới và đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI). Ông nhấn mạnh các công cụ AI mà Google cung cấp đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho cả người dùng lẫn đối tác.

Kết quả kinh doanh qua vừa qua cho thấy Google vẫn giữ vững vị thế của mình bất chấp lo ngại rằng "gã khổng lồ" công cụ tìm kiếm đang bị tụt hậu trong cuộc đua AI trước các đối thủ như Meta Platforms, Microsoft, Amazon, Apple, TikTok, OpenAI và thậm chí cả các dịch vụ phát trực tuyến như Netflix.

Đặc biệt, mảng dịch vụ đám mây Google Cloud đã có sự tăng trưởng vượt bậc trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 9, với doanh thu tăng 35% đạt mức 11,4 tỉ USD. Điều này cho thấy nhu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp với các giải pháp và cơ sở hạ tầng AI.

Phân khúc Google Services cốt lõi của công ty, trong đó có Tìm kiếm, YouTube và các sản phẩm quảng cáo khác, tăng 13% lên 76,5 tỉ USD. Đáng chú ý, YouTube đã đạt được cột mốc quan trọng, với tổng doanh thu quảng cáo và đăng ký lần đầu tiên vượt 50 tỉ USD trong 4 quý vừa qua.

Nhờ kết quả kinh doanh đột phá, giá cổ phiếu Alphabet cũng tăng trưởng đáng kể. Song song với những thành công, Google cũng đang phải đối mặt với những thách thức pháp lý. Công ty đang bị kiện vì cáo buộc độc quyền trong lĩnh vực tìm kiếm và quảng cáo trực tuyến ở Mỹ.

Alphabet dẫn đầu một đợt tăng giá cổ phiếu của các hãng công nghệ lớn hôm 11.12. Cổ phiếu công ty mẹ Google đạt mức cao kỷ lục sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump chọn Andrew Ferguson làm người đứng đầu Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC), cơ quan bảo vệ người tiêu dùng và chống độc quyền

Ông Trump đã bổ nhiệm Andrew Ferguson để thay thế Lina Khan, người hết nhiệm kỳ làm Chủ tịch FTC.

FTC đã trở thành điểm nóng chính trị dưới thời bà Lina Khan, người đã thúc đẩy việc thực thi luật chống độc quyền như một biện pháp kiểm soát quyền lực của hãng công nghệ lớn. Alphabet, Microsoft và Apple phải đối mặt với áp lực quản lý gia tăng từ FTC trong nhiệm kỳ của bà Lina Khan.

“Ferguson là ‘người bất đồng chính kiến ​​nổi tiếng’ dưới thời Lina Khan và nhiều người cảm thấy rằng dưới sự lãnh đạo của ông, vụ kiện chống độc quyền với Alphabet sẽ kết thúc", Jay Woods, trưởng nhóm chiến lược gia toàn cầu tại Freedom Capital Markets, nhận định.

Freedom Capital Markets là công ty dịch vụ tài chính, thường hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư, nghiên cứu thị trường và môi giới chứng khoán.

Trump và đội ngũ của ông thường chỉ trích các hãng công nghệ lớn, dù một số người ủng hộ Tổng thống đắc cử Mỹ nổi bật nhất lại là các giám đốc điều hành công nghệ. Vẫn chưa rõ cách chính quyền Trump sẽ tiếp cận chính sách quản lý và sáp nhập trong lĩnh vực này như thế nào.

Hôm 11.12, cổ phiếu Alphabet tăng khoảng 5,5% lên mức cao kỷ lục là 195,45 USD (nhưng hiện rớt xuống còn 193,63 USD). Cổ phiếu Tesla cũng tăng 4,6%, đạt mức cao mới, tiếp tục đợt tăng giá kể từ sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 5.11, khi các nhà đầu tư đặt cược rằng hãng sản xuất xe điện này sẽ hưởng lợi nhờ mối quan hệ gần gũi giữa Elon Musk với ông Trump.

Cổ phiếu các hãng công nghệ khác cũng tăng giá hôm 11.12: Microsoft tăng 1,2%, Amazon và Meta Platforms đều tăng 2%.

Báo cáo lạm phát mới nhất làm tăng kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất vào cuối tháng 12 này, giúp cổ phiếu công nghệ tăng giá.

Cổ phiếu Alphabet đã tăng hơn 10% trong hai ngày sau thông báo từ công ty về phiên bản mới mô hình AI và chip lượng tử đột phá.

Hôm 11.12, Google đã phát hành thế hệ thứ hai của mô hình AI Gemini và hé lộ các cách sử dụng AI mới ngoài chatbot, gồm cả kính thông minh.

Ngày 10.12, Google đã tiết lộ chip thế hệ mới Willow, được cho là đã giúp vượt qua một thách thức quan trọng trong điện toán lượng tử. Willow hoàn thành các tác vụ thống kê vượt ngoài tầm với của siêu máy tính nhanh nhất thế giới.

Theo Hartmut Neven - nhà sáng lập Google Quantum AI, một chip tùy chỉnh mang tên Willow thực hiện các nhiệm vụ chỉ vài phút mà các siêu máy tính hàng đầu thế giới cần tới 10 triệu tỉ năm để hoàn thành.

“Khi viết ra, đó là số 1 với 25 số không. Một con số khó tin”, Hartmut Neven nói trong buổi họp báo.

Quantum AI là bộ phận nghiên cứu và phát triển của Google, tập trung vào công nghệ máy tính lượng tử. Đơn vị này được thành lập để khám phá tiềm năng của máy tính lượng tử trong việc giải quyết các vấn đề mà máy tính truyền thống không thể xử lý hiệu quả.

Sơn Vân