Xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt

Sự kiện - Ngày đăng : 22:10, 10/12/2024

Chiều 10.12, tại TP.Sóc Trăng, Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) và UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo Xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt.
Sự kiện

Xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt

Lương Xuân Cao {Ngày xuất bản}

Chiều 10.12, tại TP.Sóc Trăng, Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) và UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo Xây dựng thương hiệu quốc gia cho gạo Việt.

cua-3.jpg
Ông Hồ Quang Cua phát biểu tại hội thảo - Ảnh: L.X.C

Tại hội thảo, các chuyên gia đã tập trung vào các nội dung chính gồm: Xây dựng thương hiệu - bài toán khó của ngành lúa gạo Việt Nam; xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam – thách thức và cơ hội.

Phát biểu tại hội thảo, ông Vương Quốc Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho rằng đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần quảng bá thương hiệu gạo, đặc biệt trong bối cảnh các tỉnh miền Tây đang thực hiện Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030.

“Trong những năm gần đây Sóc Trăng đã có chủ trương đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng biến đổi khí hậu. Ngành lúa gạo được xác định là một trong những sản phẩm chủ lực của tỉnh. Đặc biệt, ngành lúa gạo từng bước khẳng định chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho người trồng lúa. Điểm nổi bật là tỉ lệ lúa đặc sản, lúa chất lượng cao chiếm trên 54%. Riêng giống lúa ST24 và ST25 chiếm trên 18% và được xếp hạng “gạo ngon nhất thế giới” qua các kỳ dự thi quốc tế”, ông Vương Quốc Nam cho biết thêm.

cua-2.jpg
Đại biểu phát biểu ý kiến tại hội thảo - Ảnh: L.X.C

Ông Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT) cho biết ngành lúa gạo Việt đã trải qua quá trình phát triển ấn tượng trong những thập kỷ qua. Từ một nước nhập khẩu, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới, được Tổ chức Lương thực thế giới (PAO) xếp vào các quốc gia đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu. Vụ lúa gạo 2024, cả nước có 7,09 triệu hecta, năng suất trung bình 61,2 tạ/ha, sản lượng 43,4 triệu tấn. 10 tháng kể từ đầu năm 2024, giá trị xuất khẩu gạo Việt Nam sang Phillipines tăng 59,1%, sang Indonesia tăng 20,2% và Malaysia tăng 2,2 lần.

Ông Hòa cũng nêu một số thực trạng phát triển thương hiệu gạo tại Việt Nam hiện nay đã mang lại kết quả. Cụ thể là một số doanh nghiệp gạo Việt Nam đã thành công trong việc xây dựng thương hiệu và tạo dựng chỗ đứng trên thị trường quốc tế. Điển hình là gạo ST25 của ông Hồ Quang Cua đã mang lại niềm tự hào cho ngành nông nghiệp Việt Nam khi giành danh hiệu "Gạo ngon nhất thế giới".

Lương Xuân Cao