Hà Nội sắp xếp đơn vị hành chính: Không để người dân và doanh nghiệp phàn nàn

Sự kiện - Ngày đăng : 20:40, 05/12/2024

Thành ủy Hà Nội khẳng định sẽ không để ảnh hưởng đời sống người dân và hoạt động của các doanh nghiệp khi sắp xếp đơn vị hành chính.
Sự kiện

Hà Nội sắp xếp đơn vị hành chính: Không để người dân và doanh nghiệp phàn nàn

Tuyết Nhung {Ngày xuất bản}

Thành ủy Hà Nội khẳng định sẽ không để ảnh hưởng đời sống người dân và hoạt động của các doanh nghiệp khi sắp xếp đơn vị hành chính.

Chiều 5.12, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội.

z61005463560571763dbf70637a61b48dfc25f25aca905-17333921553671312762948.jpg
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh

Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Đình Cảnh đã quán triệt Nghị quyết số 1286 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025; có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2025. Nghị quyết quy định việc sắp xếp 109 đơn vị hành chính cấp xã để hình thành 56 đơn vị hành chính cấp xã mới tại 20 quận, huyện, thị xã của thành phố Hà Nội.

Khi nghị quyết có hiệu lực thi hành, thành phố Hà Nội có 30 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 17 huyện, 12 quận và 1 thị xã; 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 345 xã, 160 phường và 21 thị trấn (không thay đổi số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, giảm 53 đơn vị hành chính cấp xã so với hiện tại).

Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cũng triển khai Kế hoạch số 345 tổ chức thực hiện Nghị quyết số 1286 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Hà Nội, giai đoạn 2023-2025.

Phó bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đề nghị các bí thư cấp ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai sắp xếp đơn vị hành chính trên tinh thần hết sức chủ động. Đồng thời, tiếp tục làm tốt công tác tư tưởng và nắm bắt dư luận xã hội. Song song với quá trình này, phải chuẩn bị cho công tác tổ chức đại hội; trong quá trình sắp xếp, bố trí cán bộ phải làm theo kế hoạch, lộ trình và làm tốt công tác tư tưởng.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy cho biết, Hà Nội là địa phương có số lượng đơn vị hành chính cần sắp xếp lớn nhất cả nước, trong đó sắp xếp đơn vị cấp xã nhiều nhất. Điều này thể hiện cố gắng, quyết tâm lớn của cấp ủy, chính quyền và người dân Thủ đô. Mặc dù Hà Nội đã có kinh nghiệm trong triển khai sắp xếp đơn vị hành chính trước đây, các bộ, ban ngành cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn triển khai cụ thể, tuy nhiên khi thực hiện sẽ phát sinh các vấn đề chưa đề cập hết. Do đó, bà đề nghị UBND TP, các sở ngành tổng hợp, thống kê để hướng dẫn các đơn vị triển khai, nội dung nào chưa quy định, chưa có hướng dẫn đề nghị thống kê để Trung ương ban hành hướng dẫn bổ sung.

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết đây không phải là lần đầu tiên TP triển khai sắp xếp đơn vị hành chính, nhưng khác biệt lớn lần này là yếu tố chuyển đổi số.

Chủ tịch Trần Sỹ Thanh đề nghị các sở ngành, quận, huyện, thị xã đặc biệt lưu tâm đến ứng dụng chuyển đổi số và mức độ chuyển đổi số ở từng lĩnh vực khác nhau.

Nhấn mạnh nguyên tắc được Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất là hạn chế đối đa sự ảnh hưởng đối với đời sống, sinh hoạt bình thường của người dân, doanh nghiệp - đây là nguyên tắc quan trọng, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị phải đảm bảo việc chi trả lương hưu, trợ cấp các đối tượng chính sách, nhất là thời điểm Tết Nguyên đán đang đến gần, nếu có phát sinh vướng mắc phải có phương án giải quyết ngay, không được ảnh hưởng đến người dân.

Đối với doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng tại các đơn vị hành chính có sự thay đổi, các cơ quan chức năng phải chủ động quan tâm, hướng dẫn ngay các thủ tục liên quan đến thuế, giao dịch tài chính, quan hệ dân sự... "Không được để doanh nghiệp phản ánh, phàn nàn và chịu rủi ro do ảnh hưởng của sáp nhập đơn vị hành chính", Chủ tịch Trần Sỹ Thanh lưu ý.

Tuyết Nhung