Thủ tướng: Tháo gỡ điểm nghẽn để đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số
Sự kiện - Ngày đăng : 22:00, 04/12/2024
Thủ tướng: Tháo gỡ điểm nghẽn để đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số
Thủ tướng yêu cầu các dự án luật cần đảm bảo vừa có thể quản lý được nhưng cũng cần đảm bảo thông thoáng để huy động các nguồn lực trong xã hội, phục vụ cho yêu cầu phát triển đất nước.
Ngày 4.12, chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 11.2024 để xem xét 6 đề nghị xây dựng luật và 1 dự thảo pháp lệnh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục rà soát, phát hiện những vấn đề còn vướng mắc, bất cập trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất sửa đổi, bổ sung, tháo gỡ “điểm nghẽn” nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong thời gian tới.
Tại phiên họp, Chính phủ xem xét, thảo luận về 7 nội dung quan trọng gồm: Dự án Pháp lệnh quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và 6 đề nghị xây dựng các luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chính quyền địa phương; Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Đối với Dự án Pháp lệnh quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, các ý kiến tán thành, đánh giá cao công tác chuẩn bị của Bộ Quốc phòng; đồng thời cho rằng dự thảo pháp lệnh đã thể chế hóa đầy đủ chủ trương, quan điểm của Đảng về nhiệm vụ chính trị đặc biệt giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh phục vụ thăm viếng và quản lý, bảo vệ Khu di tích Lăng.
Về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các đại biểu nhất trí bổ sung quy định về quản lý năng lượng đối với mô hình tập đoàn, tổng công ty, đặc biệt trong lĩnh vực kiểm soát định mức hao hụt xăng dầu; xem xét điều chỉnh tăng cường trách nhiệm của địa phương trong việc kiểm tra tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức tiêu thụ năng lượng của các doanh nghiệp tại địa phương...
Cùng với đó, xây dựng công cụ quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; bổ sung, làm rõ các quy định về hỗ trợ thuế, hỗ trợ tài chính đối với hoạt động đầu tư các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các dự án nâng cấp, cải tạo dây chuyền sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất bằng công nghệ tiết kiệm năng lượng.
Nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập của Luật Năng lượng nguyên tử hiện hành, Chính phủ xây dựng dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) nhằm thúc đẩy phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử, coi trọng năng lượng hạt nhân, chế tạo thiết bị, hợp tác quốc tế và đào tạo nguồn nhân lực; bảo đảm an toàn, an ninh nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ, thiết bị hạt nhân và vật liệu hạt nhân; quản lý chất thải phóng xạ, nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng...
Về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ, các thành viên Chính phủ thảo luận sôi nổi làm rõ mối quan hệ giữa Chính phủ với hệ thống chính trị; thẩm quyền, trách nhiệm, mối quan hệ giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với Bộ trưởng, Trưởng ngành, các cơ quan trong hệ thống của Chính phủ và với chính quyền địa phương.
Trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chính quyền địa phương, các đại biểu đưa ra các mô hình tổ chức chính quyền đô thị, nông thôn, nhằm phát huy tính tự chủ, tính tự lực, tự cường, đảm bảo mục tiêu giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, nhân dân ngày càng ấm no và hạnh phúc...
Tham gia ý kiến thảo luận và kết luận đối với từng dự án pháp lệnh, đề nghị xây dựng các luật, phát biểu ý kiến kết luận Phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các thành viên Chính phủ và các đại biểu, hoàn thiện các đề nghị, dự án luật, pháp lệnh theo quy định; đồng thời tiếp tục rà soát, phát hiện những vấn đề vướng mắc, bất cập trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất sửa đổi, bổ sung, tháo gỡ “điểm nghẽn” nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong thời gian tới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ trưởng, Trưởng ngành trực tiếp lãnh đạo chỉ đạo, đầu tư thời gian, nguồn lực cho công tác xây dựng pháp luật một cách kịp thời, hiệu quả, chất lượng với tinh thần trách nhiệm cao nhất; tiếp tục tổng kết thực tiễn để xây dựng các chính sách, đánh giá tác động chính sách của các luật đảm bảo sát thực tiễn, tháo gỡ được các điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn.
Cho rằng, thể chế, cơ chế, chính sách cũng là động lực, nguồn lực cho sự phát triển, song chính thể chế đang là điểm nghẽn của điểm nghẽn, Thủ tướng yêu cầu xây dựng các dự án luật, dự thảo nghị quyết phải thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng có liên quan đến các lĩnh vực, góp phần khơi thông và huy động nguồn lực cho phát triển đất nước, nhất là giai đoạn tới chúng ta đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số để đến năm 2030 nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Nhấn mạnh phải đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các dự án luật cần đảm bảo vừa có thể quản lý được nhưng cũng cần đảm bảo thông thoáng để huy động các nguồn lực trong xã hội, phục vụ cho yêu cầu phát triển đất nước. Trong đó, luật chỉ quy định những vấn đề có tính chất nguyên tắc, tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình, còn đối với những vấn đề cụ thể, phụ thuộc vào tình hình thực tế, có chuyển biến, diễn biến nhanh thì giao cho Chính phủ, các Bộ, ngành hướng dẫn để đáp ứng với yêu cầu của tình hình mới, mang lại hiệu quả trong quá trình tổ chức thực hiện thi hành luật pháp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo rà soát lại, kiên quyết bỏ các cơ chế xin-cho, tránh tạo ra hệ sinh thái tiêu cực, đặc biệt chú trọng đến công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong quá trình xây dựng luật, pháp lệnh; rà soát lại, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, các quan hệ dân sự, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, của doanh nghiệp.
Đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết, Thủ tướng yêu cầu diễn đạt ngắn gọn, dễ hiểu, dễ làm, dễ kiểm tra, dễ giám sát, không miêu tả, quá dài dòng đảm bảo ngắn gọn, súc tích sắc sảo, rõ ý, rõ nghĩa, rõ quyền hạn, rõ trách nhiệm. Cùng với đó, tăng cường phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của các cấp, tăng cường công cụ giám sát, kiểm tra, tăng cường hậu kiểm, giảm tiền kiểm; Chính phủ, các Bộ, các ngành chỉ tập trung vào quản lý nhà nước, xây dựng chiến lược, quy hoạch.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, giảm giao dịch trực tiếp bởi điều này dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng vặt. Bên cạnh đó, cần tiếp tục lấy ý kiến của các đối tượng bị tác động, các cơ quan có liên quan, các nhà khoa học, các nhà chuyên môn, chuyên gia, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, làm tốt công tác truyền thông, chính sách, đặc biệt là với những vấn đề mới.
Cùng với xây dựng pháp luật, Thủ tướng đề nghị khẩn trương triển khai các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 và một số luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7; tiếp tục rà soát các luật đã ban hành để hoàn thiện hệ thống pháp luật; tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật.
Thủ tướng chỉ rõ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành không những cần dành thời gian xây dựng pháp luật của ngành mình mà còn góp ý cho ngành khác trong hệ thống chính trị, nhất là các cơ quan trực thuộc Chính phủ; ưu tiên nguồn lực con người, cơ sở vật chất, sự lãnh đạo, chỉ đạo cho công tác này; quá trình thực thi cần phát hiện các điểm nghẽn, vướng mắc, “vướng mắc ở đâu, tháo gỡ ở đó”, “vướng ở cấp nào, cấp đó chủ động giải quyết, vượt thẩm quyền thi phải báo cáo”.