ChatGPT bước vào giai đoạn ‘khủng hoảng’ tuổi lên hai

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 18:58, 01/12/2024

Đã hai năm trôi qua kể từ khi OpenAI phát hành ChatGPT - chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) gây sốt toàn cầu. Rất nhiều thứ đã thay đổi trên thế giới kể từ lúc đó.
Nhịp đập khoa học

ChatGPT bước vào giai đoạn ‘khủng hoảng’ tuổi lên hai

Sơn Vân {Ngày xuất bản}

Đã hai năm trôi qua kể từ khi OpenAI phát hành ChatGPT - chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) gây sốt toàn cầu. Rất nhiều thứ đã thay đổi trên thế giới kể từ lúc đó.

ChatGPT đã trả lời hàng tỉ truy vấn từ người dùng và ảnh hưởng ngày càng tăng của chatbot này đã đặt ra câu hỏi về vai trò AI trong xã hội.

Đầu tiên, ChatGPT đã giúp thúc đẩy sự đầu tư trên toàn cầu vào AI tạo sinh.

Theo công ty nghiên cứu thị trường CB Insights, chỉ riêng từ năm 2022 đến 2023, nguồn tài trợ trong lĩnh vực AI đã tăng gấp 5 lần. Những cái tên hưởng lợi lớn nhất từ ​​sự bùng nổ AI tạo sinh là các công ty lớn nhất. Các hãng công nghệ thuộc S&P 500 đã chứng kiến ​​mức tăng giá trị 30% kể từ tháng 1.2022, so với chỉ 15% với những công ty vốn hóa nhỏ, trang Bloomberg đưa tin.

S&P 500 là một trong những chỉ số chứng khoán quan trọng và phổ biến nhất ở Mỹ. Nó được xem là một trong những thước đo đáng tin cậy nhất về hiệu suất của thị trường chứng khoán Mỹ.

S&P 500 gồm 500 công ty lớn nhất và có vốn hóa thị trường lớn nhất trong thị trường chứng khoán Mỹ, đến từ nhiều ngành khác nhau, gồm cả công nghiệp, công nghệ, y tế, tài chính. Việc sử dụng số lượng lớn công ty giúp đảm bảo rằng chỉ số này là biểu hiện toàn diện hơn về thị trường chứng khoán Mỹ.

Tương tự như vậy, các công ty tư vấn đang kỳ vọng AI sẽ chiếm một phần ngày càng tăng trong doanh thu của họ. Boston Consulting Group tạo ra 1/5 doanh thu từ AI và phần lớn công việc đó liên quan đến tư vấn cho khách hàng về AI tạo sinh, một phát ngôn viên tiết lộ với trang Insider. Gần 40% công việc của McKinsey hiện đến từ AI và một phần đáng kể trong số đó đang chuyển sang AI tạo sinh. Ben Ellencweig, đối tác cấp cao phụ trách liên minh, mua lại và hợp tác toàn cầu cho QuantumBlack (nhánh AI của McKinsey), tiết lộ thông tin này với Insider.

Các công ty nhỏ hơn đã buộc phải dựa vào hãng lớn hơn, bằng cách xây dựng ứng dụng trên mô hình ngôn ngữ lớn hiện có hoặc chờ đợi các công cụ phát triển tiếp theo được phát hành.

Tuy nhiên, các nhà phát triển non trẻ vẫn lạc quan ChatGPT sẽ giúp cân bằng sân chơi và tin rằng chỉ là vấn đề thời gian trước khi họ bắt kịp những đối thủ lớn hơn.

Bryan Chiang, sinh viên mới tốt nghiệp Đại học Stanford (Mỹ) và là người xây dựng RizzGPT, chia sẻ với Insider: "Các hãng công nghệ lớn vẫn còn đó, nhưng họ dễ tổn thương hơn rất nhiều vì những công nghệ AI tiên tiến nhất giờ đây đã được dân chủ hóa".

RizzGPT là ứng dụng được thiết kế để hỗ trợ giao tiếp, thường được nhắc đến trong bối cảnh sử dụng AI để nâng cao khả năng giao tiếp xã hội, chẳng hạn trong các cuộc trò chuyện hoặc tương tác cá nhân.

Tên RizzGPT xuất phát từ cụm từ Rizz (thuật ngữ tiếng lóng phổ biến trên mạng xã hội, thường mang ý nghĩa liên quan đến sự quyến rũ hoặc khả năng thu hút trong giao tiếp) và GPT (đại diện cho mô hình ngôn ngữ lớn của OpenAI).

Tất nhiên, ChatGPT có tác động rất nhiều với người dùng thông thường.

Hồi tháng 8, ứng dụng đã đạt hơn 200 triệu người dùng hoạt động hàng tuần, gấp đôi số lượng vào mùa thu năm trước.

Nghiên cứu tại Đại học Stanford và Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) chỉ ra rằng năng suất làm việc của nhân viên tại một công ty phần mềm thuộc Fortune 500 tăng trung bình hơn 14% khi dùng các công cụ AI tạo sinh.

Fortune 500 là danh sách thường niên được tạp chí Fortune (Mỹ) công bố, liệt kê 500 công ty lớn nhất tại Mỹ dựa trên tổng doanh thu trong năm tài chính gần nhất. Đây là một trong những bảng xếp hạng uy tín và có ảnh hưởng nhất trong giới kinh doanh, thường được sử dụng để đánh giá sức mạnh và quy mô của các doanh nghiệp lớn.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận AI đang đặt ra nhiều rủi ro lớn, chẳng hạn sự thiếu chính xác và định kiến trong dữ liệu đào tạo khiến AI dễ dàng phát tán thông tin sai lệch hoặc thiên vị.

chatgpt-buoc-vao-giai-doan-khung-hoang-tuoi-len-hai.jpg
Rất nhiều thứ đã thay đổi trên thế giới kể từ lúc OpenAI phát hành ChatGPT cuối tháng 11.2022 - Ảnh: Internet

Cuối tháng 10, OpenAI đã phát hành tính năng tìm kiếm cho ChatGTP, cung cấp "liên kết đến các nguồn web có liên quan" về một câu hỏi, tạo ra mối đe dọa với sự thống trị của Google.

Hôm 31.10, Sam Altman (Giám đốc điều hành OpenAI) cho biết tính năng tìm kiếm trong ChatGPT hoạt động tương tự các công cụ tìm kiếm như Google, Bing và Perplexity.

Trong bài đăng trên X, Sam Altman gọi đây là "tính năng yêu thích nhất mà OpenAI từng triển khai kể từ khi ra mắt ChatGPT". Theo ông, việc tìm kiếm qua ChatGPT sẽ giúp người dùng có được thông tin dễ dàng hơn, đặc biệt là những truy vấn yêu cầu nghiên cứu phức tạp. Doanh nhân 40 tuổi người Mỹ kỳ vọng trong tương lai sẽ có những kết quả tìm kiếm tự động hiển thị thành một trang web tùy chỉnh cho người dùng.

OpenAI đã ký các thỏa thuận nội dung với nhiều nhà xuất bản trong năm nay, gồm cả Condé Nast, Time, Financial Times, Axel Springer, AP, Reuters, Times, News Corp, báo Le Monde (Pháp) và Prisa Media (Tây Ban Nha), để đảm bảo rằng ChatGPT cung cấp thông tin được kiểm duyệt và đáng tin cậy.

Adam Fry, trưởng nhóm phụ trách tìm kiếm của ChatGPT, nói: "Chúng tôi hợp tác rất chặt chẽ với các đối tác này để sử dụng nội dung của họ một cách có trách nhiệm và mang lại giá trị cho cả người dùng lẫn đối tác xuất bản". Các nhà xuất bản có thể chọn không cho phép ChatGPT quét nội dung của họ. ChatGPT cũng sẽ không vượt qua các tường phí truy cập nội dung.

Công ty thông báo đã hợp tác sâu rộng với ngành công nghiệp tin tức và thu thập phản hồi từ các đối tác về chức năng tìm kiếm. Điều này cho phép các trang web và nhà xuất bản có thể chủ động tham gia vào hệ thống tìm kiếm của ChatGPT để nội dung được truy vấn và hiển thị khi người dùng tìm thông tin liên quan.

OpenAI cho biết tính năng tìm kiếm sẽ khả dụng trên tất cả nền tảng của ChatGPT, gồm iOS, Android và trên máy tính.

Tháng 9, OpenAI đã trình làng loạt mô hình AI có tên o1, được thiết kế dành nhiều thời gian hơn để suy nghĩ trước khi phản hồi.

Trong bài đăng trên blog, OpenAI cho biết o1 đạt điểm 83% trong kỳ thi vòng loại Olympic Toán học Quốc tế, so với 13% của mô hình AI trước đó là GPT-4o.

Công ty nói o1 cải thiện hiệu suất với các câu hỏi lập trình cạnh tranh và vượt qua độ chính xác ở cấp độ tiến sĩ của con người trên thước đo những vấn đề khoa học.

"Trong các bài kiểm tra của chúng tôi, o1 đạt kết quả tương đương với những nghiên cứu sinh tiến sĩ khi giải quyết các bài toán thách thức trong vật lý, hóa học và sinh học. Chúng tôi cũng nhận thấy rằng nó vượt trội trong toán học và lập trình. Ở kỳ thi vòng loại Olympic Toán học Quốc tế, GPT-4o chỉ giải đúng 13% các bài toán, còn mô hình lý luận đạt 83%. Khả năng lập trình của o1 cũng được đánh giá trong các cuộc thi và đạt đến mức 89% ở những cuộc thi Codeforces", OpenAI viết trên blog.

Codeforces là nền tảng trực tuyến nổi tiếng, được thiết kế đặc biệt cho các lập trình viên muốn rèn luyện và nâng cao kỹ năng giải quyết vấn đề thông qua việc tham gia các cuộc thi lập trình. Codeforces cung cấp môi trường cạnh tranh lành mạnh, nơi các lập trình viên từ khắp nơi trên thế giới có thể so tài và học hỏi lẫn nhau.

Noam Brown, nhà nghiên cứu tập trung vào việc cải thiện khả năng lý luận trong các mô hình AI của OpenAI, tiết lộ o1 đạt được kết quả đó bằng cách sử dụng kỹ thuật "lý luận theo chuỗi tư duy", gồm việc chia vấn đề phức tạp thành những bước logic nhỏ hơn.

Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng hiệu suất của mô hình AI trên những vấn đề phức tạp có xu hướng cải thiện khi phương pháp này được sử dụng như kỹ thuật nhắc nhở. OpenAI hiện đã tự động hóa khả năng này để các mô hình AI có thể tự chia nhỏ các vấn đề mà không cần người dùng nhắc nhở.

"Chúng tôi đã đào tạo các mô hình này để dành nhiều thời gian hơn suy nghĩ về các vấn đề trước khi trả lời, giống một con người. Thông qua quá trình đào tạo, chúng học cách tinh chỉnh quá trình suy nghĩ của mình, thử các chiến lược khác nhau và nhận ra lỗi lầm", OpenAI cho hay.

Người dùng ChatGPT Plus và Team có thể truy cập o1 ngay trong chatbot AI này. Nhiều người hy vọng phiên bản đầy đủ của o1 sẽ được OpenAI phát hành vào năm tới.

Trang Insider đã hỏi ChatGPT rằng tuổi tác có ý nghĩa gì với nó nhân dịp tròn hai tuổi.

"Với tôi, tuổi tác là khái niệm thú vị. Đó là cách đo lường thời gian trôi qua, nhưng nó không xác định một người là ai hoặc họ có khả năng gì", ChatGPT trả lời.

Dấu hiệu báo động OpenAI khi mô hình AI mới không thông minh như mong đợi

Mô hình ngôn ngữ lớn (nền tảng cho ChatGPT) tiếp theo của OpenAI có thể không mạnh mẽ như nhiều người hy vọng.

Có tên mã là Orion, mô hình AI này đang hoạt động kém hiệu quả phía sau hậu trường, cho thấy mức cải tiến ít hơn khi so sự phát triển của GPT-4 với GPT-3, Bloomberg đưa tin. Một bản tin tương tự từ trang The Information cũng chỉ ra một số nhà nghiên cứu OpenAI tin rằng trong một số lĩnh vực như lập trình, Orion không có cải tiến nào cả.

Theo Bloomberg, OpenAI không phải là công ty duy nhất đang gặp khó khăn với vấn đề mô hình AI mới hoạt động không hiệu quả như mong đợi. Phiên bản tiếp theo của Google Gemini cũng không đạt được kỳ vọng nội bộ, trong khi thời gian Anthropic ra mắt Claude 3.5 Opus vẫn chưa rõ ràng.

Những khó khăn trong ngành này có thể là dấu hiệu cho thấy phương pháp cải tiến mô hình AI hiện tại, thông qua việc "mở rộng quy mô", đang gặp phải rào cản. Điều đó báo hiệu những khó khăn kinh tế tiềm tàng trong tương lai nếu vẫn tốn kém để phát triển mô hình AI mà không đạt được bước nhảy vọt đáng kể về hiệu suất hướng tới việc xây dựng AI tổng quát (AGI).

"Bong bóng AGI đang vỡ một chút", Margaret Mitchell, nhà khoa học đạo đức chính tại công ty khởi nghiệp Hugging Face, nói với Bloomberg, đồng thời cho rằng cần có "các phương pháp đào tạo khác nhau" để tiếp cận bất kỳ cấp độ thông minh và tính linh hoạt giống con người.

Phương châm đã mang lại thành công cho AI tạo sinh đến nay là tăng quy mô: Để làm cho mô hình AI tạo sinh mạnh hơn, cách chính là làm nó lớn hơn. Điều này có nghĩa là tăng thêm sức mạnh xử lý bằng chip AI như của Nvidia và thêm dữ liệu đào tạo (phần lớn được lấy từ web với chi phí thấp).

Song khi những mô hình AI này trở nên lớn hơn và mạnh mẽ hơn, chúng cũng trở nên "khát" năng lượng hơn. Năng lượng đó không rẻ. Chẳng hạn, Microsoft và Constellation Energy vừa có kế hoạch khởi động lại nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island, hy vọng có được nguồn năng lượng thân thiện với môi trường đủ mạnh để cung cấp cho các trung tâm dữ liệu đang mở rộng nhanh chóng phục vụ AI. Không những thế, nguồn dữ liệu đào tạo miễn phí cũng đang cạn dần.

Để có dữ liệu "bộ não" mới cho AI, các hãng công nghệ đang sử dụng dữ liệu tổng hợp do máy tính tạo ra. "Tuy nhiên, họ vẫn phải vật lộn để có được các tập dữ liệu độc đáo, chất lượng cao mà không cần sự hướng dẫn của con người, đặc biệt là khi nói đến ngôn ngữ", Lila Tretikov, người đứng đầu chiến lược AI tại hãng New Enterprise Associates, chia sẻ với Bloomberg.

Dario Amodei, Giám đốc điều hành Anthropic, cho biết một mô hình AI tiên tiến hiện có giá xây dựng khoảng 100 triệu USD và ước tính rằng đến năm 2027, chúng có thể đắt hơn 10 tỉ USD.

OpenAI cùng các công ty AI khác đang tìm cách vượt qua những sự chậm trễ và thách thức không ngờ trong quá trình tạo ra mô hình ngôn ngữ ngày càng lớn hơn, bằng cách phát triển kỹ thuật đào tạo sử dụng phương pháp giống con người hơn để các thuật toán có thể "suy luận".

Hàng chục nhà khoa học, nhà nghiên cứu và nhà đầu tư AI nói với Reuters rằng họ tin rằng những kỹ thuật này, vốn là nền tảng cho mô hình ngôn ngữ lớn o1 được OpenAI phát hành gần đây, có thể định hình lại cuộc đua AI và tác động đến các loại tài nguyên mà một số công ty đòi hỏi ngày càng cao, từ năng lượng đến chip.

Sơn Vân