Xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL: Triển vọng và thách thức
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 07:00, 24/11/2024
Xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL: Triển vọng và thách thức
Bà Tô Thị Tường Lan, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2024 có thể đạt mục tiêu 2 tỉ USD, song ngành này vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong năm tới.
Ngành hàng cá tra xuất khẩu đầy triển vọng
Bà Tô Thị Tường Lan cho hay, cơ hội cho ngành cá tra phát triển là kết quả chống bán phá giá tích cực; lượng tồn kho tại các thị trường chính giảm; cá nguyên liệu không bị dư thừa như năm 2023. Cùng với đó là những tín hiệu tích cực từ sự hồi phục nền kinh tế Mỹ, cơ hội tăng thị phần tại các thị trường nhỏ lẻ bên cạnh các thị trường truyền thống và dư địa cho sản phẩm cá tra trên thế giới nhiều tiềm năng.
Bà Phạm Thị Thu Hồng, Tổng thư ký Hiệp hội cá tra Việt Nam cho biết, hiện nay cả nước có hơn 100 doanh nghiệp chế biến cá tra, hầu hết các doanh nghiệp này tập trung ở An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long… Sản lượng cá tra hằng năm đạt khoảng hơn 1,6 triệu tấn. Các doanh nghiệp này trang bị máy móc thiết bị hiện đại, sản phẩm đạt tiêu chuẩn đáp ứng những thị trường khó tính như châu Âu, Bắc Mỹ.
Tình hình tiêu thụ cá tra nguyên liệu tương đối ổn định, giá bán cá tra thương phẩm (loại 0,7 - 0,8kg/con) dao động từ 26.400 - 27.600 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất giảm (do giá thức ăn giảm) nên người nuôi có lợi nhuận.
Tại Đồng Tháp có 27 doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu, với công suất thiết kế khoảng 700.000 tấn/năm. Tiêu biểu cho các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu là Công ty đa quốc gia IDI của Tập đoàn Sao Mai. Nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra ở Đồng Tháp đã đứng vững và tiếp tục đầu tư mạnh vào chế biến cá tra xuất khẩu, vượt qua khó khăn trong đại dịch COVID-19 và khủng hoảng kinh tế thế giới. Đây là thành tích lớn của ngành cá tra ở ĐBSCL.
Ông Trương Vĩnh Thành, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai cho biết, hiện tại Công ty IDI đã có 2 nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu. Công ty có kế hoạch đầu tư xây dựng nhà máy thứ 3 để xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Mỹ là chính. Ngoài ra, IDI còn tham gia tinh chế mỡ cá và tinh chế dầu ăn từ mỡ cá.
Còn nhiều thách thức
Theo Hiệp hội cá tra Việt Nam, bên cạnh những thuận lợi, ngành cá tra còn rất nhiều thách thức như giá nhiên liệu, vật tư đầu vào tăng kéo theo giá thành sản xuất tăng đã ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của người nuôi. Nhiều người nuôi cá tra nguyên liệu đang gặp khó trong đầu tư nuôi cá vì khó tiếp cận vốn vay ngân hàng. Nguyên nhân là phần lớn người nuôi cá tra thuê ao nuôi, họ không có tài sản cầm cố ngân hàng. Bên cạnh đó, do tiêu thụ chậm, thời gian nuôi cá tra kéo dài làm tăng chi phí sản xuất, giảm hiệu quả đầu tư của các hộ nuôi thương phẩm và sản xuất giống.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, trong 9 tháng năm 2024, ngành hàng cá tra đối mặt với nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ có vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp, sự chăm chỉ, cần cù, sáng tạo của nông dân, sự hỗ trợ đắc lực của khoa học công nghệ và sự đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương, ngành hàng cá tra đã tăng trưởng trở lại, tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng nội ngành.
Bà Phạm Thị Thu Hồng, Tổng thư ký Hiệp hội cá tra Việt Nam cho rằng nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra chưa tận dụng chế biến sâu và nâng cao những phụ phẩm, làm tăng chất thải, ô nhiễm môi trường và nguồn nước, tăng chi phí sản xuất. Vùng nuôi cá tra chưa tập trung, quy mô nhỏ lẻ, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi không đồng bộ, không đáp ứng nhu cầu bảo vệ môi trường.
Nếu người nuôi và doanh nghiệp chú trọng lợi nhuận mà bỏ quên môi trường sẽ gây ra những hệ lụy đó là ô nhiễm môi trường và nguồn nước trong tương lai. Vì vậy, các địa phương cần quy hoạch vùng nuôi đồng bộ cùng với những phương án bảo vệ môi trường là việc làm cấp thiết. Nhân rộng mô hình nuôi cá tra theo hướng tuần hoàn, tận dụng bùn thải thu hồi cũng là một cách mang lại lợi nhuận kinh tế cao.
Hầu hết các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra đều áp dụng chương trình quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm quốc tế như HACCP, BRC, Global GAP, IFS, ASC và chứng chỉ BAP,… theo yêu cầu của từng thị trường. Chính điều này đòi hỏi doanh nghiệp chế biến phải đáp ứng nhu cầu và tiêu chuẩn từng thị trường thì hàng hóa mới được xuất khẩu vào các nước đó. Đây là vấn đề mà doanh nghiệp phải đặc biệt quan tâm trong bối cảnh cá tra xuất khẩu vào thị trường hơn 150 nước.
Bà Tô Thị Tường Lan cho biết, mục tiêu năm 2025 sản lượng cá tra đạt khoảng 1,65 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu khoảng 2 tỉ USD. Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2025 là tiếp tục các chương trình chọn lọc, nâng cao chất lượng giống cá tra, thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu. Hiệp hội cũng quan tâm nghiên cứu, từng bước thay thế bột cá, dầu cá trong sản xuất thức ăn bằng nhiều loại nguyên liệu thức ăn có nguồn gốc thực vật, côn trùng, vi tảo, protein vi sinh vật, rong biển có tiềm năng trong tương lai. Ngoài ra, cải thiện từ cá giống, cá nguyên liệu đến khâu chế biến cá tra xuất khẩu để từng bước sản phẩm đạt chất lượng và tiêu chuẩn quốc tế.