Đổi mới sáng tạo là chìa khóa để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong ngành thủy sản
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 13:40, 22/11/2024
Đổi mới sáng tạo là chìa khóa để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong ngành thủy sản
Ngày 22.11, tại Cần Thơ, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức GIZ phối hợp với Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội thảo khởi động dự án “Cải thiện hệ thống tuần hoàn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản bền vững và Tham vấn các giải pháp đổi mới sáng tạo ngành tôm Việt Nam nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn” (viết tắt là Dự án).
Dự án được tài trợ bởi Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển CHLB Đức (BMZ). Mục tiêu của Dự án là thúc đẩy áp dụng các giải pháp công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nuôi tôm bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhằm bảo vệ hệ sinh thái và hướng tới một tương lai thịnh vượng.
Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 100 đại biểu, bao gồm đại diện các cơ quản quản lý trung ương và địa phương đến từ 30 tỉnh, thành phố, viện nghiên cứu, trường đại học, các hội và hiệp hội ngành hàng tôm và các doanh nghiệp có liên quan chuỗi giá trị tôm nước lợ. Sự kiện này tạo cơ hội để các bên liên quan trao đổi sáng kiến, chia sẻ kinh nghiệm và bước đầu xây dựng khung hoạt động chung, nhằm củng cố vị thế ngành tôm Việt Nam trong nước và trên thị trường quốc tế.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho rằng, ngành tôm Việt Nam, với giá trị xuất khẩu hàng năm đạt khoảng 4 tỉ USD và chiếm 40% tổng giá trị xuất khẩu ngành thủy sản, hiện đang đối mặt nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, chất lượng đầu vào, phương thức canh tác chưa hiệu quả, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Với mục tiêu kiến tạo các chuỗi giá trị địa phương hiệu quả, Dự án trên sẽ hợp tác cùng các bên liên quan triển khai áp dụng các giải pháp công nghệ và đổi mới sáng tạo, giúp bảo vệ hệ sinh thái và xây dựng một tương lai phát triển bền vững cho ngành tôm tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản nhấn mạnh: “Đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong ngành thủy sản, không chỉ tạo ra giá trị kinh tế bền vững mà còn góp phần bảo vệ môi trường và xây dựng hệ sinh thái xanh cho tương lai. Đây là con đường tất yếu để ngành tôm Việt Nam khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế”.
Ông Ngô Tiến Chương, Trưởng nhóm Thủy sản GIZ, giới thiệu 3 giải pháp đổi mới sáng tạo đang được Dự án triển khai thí điểm tại 2 tỉnh Sóc Trăng và Cà Mau: Hệ thống nuôi tôm thâm canh tuần hoàn khép kín (RAS): giúp tiết kiệm và kiểm soát chất lượng nước, giảm thiểu bệnh dịch, nâng cao năng suất và giảm tác động tiêu cực đến môi trường; mô hình nuôi tôm-rừng cải tiến: nâng cao tỉ lệ sống của tôm giống thả nuôi bằng ương dưỡng, cải thiện chất lượng nước và thức ăn tự nhiên để nâng cao năng suất. Giải pháp cải thiện chất lượng nước, nâng cao chất lượng tôm giống và an toàn sinh học.
Ông Ngô Tiến Chương, Trưởng nhóm Thủy sản GIZ, giới thiệu 3 giải pháp đổi mới sáng tạo đang được Dự án triển khai thí điểm tại 2 tỉnh Sóc Trăng và Cà Mau: Hệ thống nuôi tôm thâm canh tuần hoàn khép kín (RAS): giúp tiết kiệm và kiểm soát chất lượng nước, giảm thiểu bệnh dịch, nâng cao năng suất và giảm tác động tiêu cực đến môi trường; mô hình nuôi tôm-rừng cải tiến: nâng cao tỉ lệ sống của tôm giống thả nuôi bằng ương dưỡng, cải thiện chất lượng nước và thức ăn tự nhiên để nâng cao năng suất. Giải pháp cải thiện chất lượng nước, nâng cao chất lượng tôm giống và an toàn sinh học.
Bà Châu Thị Tuyết Hạnh, cán bộ Cục Thủy sản đã báo cáo về cơ hội và thách thức của ngành tôm Việt Nam. Theo bà Hạnh, thị trường thế giới có nhu cầu cao nên cơ hội của ngành nuôi tôm Việt Nam rất lớn nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi. Tuy nhiên, những tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm của thế giới ngày càng khắt khe, những rào cản về thương mại cũng khá nhiều. Chính vì vậy, vấn đề cải thiện môi trường nước, giảm những tác động từ biến đổi khí hậu và đảm bảo vệ sinh môi trường đang là vấn đề lớn đặt ra.
Ngoài ra, các ý kiến tại hội thảo đã chỉ ra rằng cần đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ kinh tế tuần hoàn theo mô hình kết hợp đơn vị nghiên cứu và doanh nghiệp. Ngoài ra, tập trung nghiên cứu khoa học công nghệ trong xử lý bùn thải, nước thải, sử dụng nguyên liệu tái tạo, giảm sử dụng tài nguyên, giảm phát thải khí nhà kính, đa dạng sản phẩm giá trị gia tăng; xây dựng cơ chế ưu đãi, chính sách khuyến khích sự tham gia của các bên, nhất là doanh nghiệp vào chuỗi kinh tế tuần hoàn…
GIZ là Cơ quan Hợp tác quốc tế Đức, một doanh nghiệp trực thuộc Chính phủ Liên bang Đức, hoạt động trong nhiều lĩnh vực tại hơn 130 quốc gia. GIZ hỗ trợ Chính phủ Đức đạt được các mục tiêu trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật vì phát triển bền vững. GIZ cung cấp các dịch vụ theo nhu cầu, phù hợp và hiệu quả để phát triển bền vững. Cơ quan này hoạt động tại Việt Nam từ năm 1993.