ICC phát lệnh bắt ông Netanyahu, Israel phản ứng mạnh

Quốc tế - Ngày đăng : 10:14, 22/11/2024

Ngày 21.11, Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) phát lệnh bắt Thủ tướng Benjamin Netanyahu, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant của Israel cùng chỉ huy cánh vũ trang Hamas Mohammed Deif vì vi phạm tội ác chiến tranh trong xung đột ở Dải Gaza.
Quốc tế

ICC phát lệnh bắt ông Netanyahu, Israel phản ứng mạnh

Cẩm Bình 22/11/2024 10:14

Ngày 21.11, Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) phát lệnh bắt Thủ tướng Benjamin Netanyahu, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant của Israel cùng chỉ huy cánh vũ trang Hamas Mohammed Deif vì vi phạm tội ác chiến tranh trong xung đột ở Dải Gaza.

ICC tuyên bố họ có căn cứ hợp lý để tin rằng Thủ tướng Netanyahu phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội ác chiến tranh trong đó có “dùng nạn đói như phương thức chiến tranh”, cũng như tội ác chống lại nhân loại như “giết người, đàn áp cùng nhiều hành vi vô nhân đạo khác”. Tòa bác kháng cáo từ Israel.

Cũng theo ICC, chỉ huy Deif ra lệnh hoặc xúi giục lực lượng cấp dưới phạm tội ác chống lại nhân loại gồm: “Giết người, tra tấn, cưỡng hiếp, bắt giữ, xúc phạm nhân phẩm cá nhân cùng nhiều hình thức bạo lực tình dục khác”.

2024-11-22-091023.png
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu - Ảnh: CNN

Trước lệnh bắt từ ICC, Hamas ra tuyên bố: “Nhóm lên án mạnh mẽ việc đánh đồng nạn nhân với kẻ xâm lược bằng cách ban hành lệnh bắt giữ một số nhân vật người Palestine lãnh đạo kháng chiến mà không có cơ sở pháp lý”.

Phía Thủ tướng Netanyahu chỉ trích mạnh mẽ lệnh này, đồng thời khẳng định lệnh bắt không khiến Israel ngừng thực hiện chiến dịch quân sự tại Gaza. Cựu Bộ trưởng Gallant nhận xét ICC tạo ra tiền lệ nguy hiểm. Ngoại trưởng Israel Gideon Sa’ar nói rằng: “ICC đã mất hết tính hợp pháp để tồn tại. Tòa án này hoạt động như công cụ chính trị phục vụ đối tượng cực đoan đang tìm cách phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định ở Trung Đông”. Thậm chí Bộ trưởng An ninh Israel Ben-Gvir còn đề xuất sáp nhập toàn bộ Bờ Tây để đáp trả.

Israel chưa ký Quy chế Rome nên không công nhận thẩm quyền của ICC, nhưng như vậy không có nghĩa công dân nước này không thể bị tòa truy tố.

Với 124 thành viên thường trực, ICC có thể truy tố các cá nhân phạm tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người, diệt chủng và xâm lược. Thời gian qua, tòa điều tra cả vụ tập kích ngày 7.10.2023 mà nhóm Hamas thực hiện lẫn chiến dịch quân sự mà Israel đang triển khai. Cuộc điều tra tách biệt với vụ kiện Israel phạm tội ác diệt chủng lên Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) do Nam Phi khởi xướng. ICJ chuyên trách giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia.

Lệnh bắt mới nhất đặt ra nghĩa vụ bắt giữ Thủ tướng Netanyahu khi ông đến các nước thành viên ICC. Tuy nhiên, người bị phát lệnh bắt thường tránh đến các quốc gia này.

Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Josep Borrell nhấn mạnh lệnh bắt mới nhất không mang tính chính trị và toàn bộ thành viên Liên minh châu Âu (EU) - đều ký Quy chế Rome - cần thực thi. Tuy nhiên, phía Mỹ ngày 21.11 bác bỏ thẩm quyền của ICC.

Cẩm Bình