'Ôm lỗ' hơn 3.370 tỉ đồng, PVC khó thu xếp dòng tiền để trả nợ PVN

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 17:07, 28/05/2019

Tình hình tài chính khó khăn khi lỗ lũy kế lên tới hơn 3.370 tỉ đồng, các tài sản và dự án hình thành từ nguồn vốn vay ủy thác của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) không phát huy được hiệu quả, một số đơn vị của Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) đã chuyển nhượng, sử dụng vào mục đích khác, khiến PVC khó có khả năng thu xếp dòng tiền để trả nợ vay ủy thác cho PVN.
PVC đang gánh khoản lỗ hơn 3.370 tỉ đồng - Ảnh: Internet

Kinh doanh thua lỗ, PVC bị đối tác "kìm giá" chuyển nhượng

Năm 2018 tiếp tục là một năm đầy thách thức trong việc thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh của PVC, các đơn vị thành viên tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn do lỗ lũy kế từ giai đoạn trước, hạn chế về nguồn việc làm cũng như nguồn lực tài chính, con người. Bên cạnh đó, các dự án đang triển khai cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả của dự án nói riêng, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn Tổng công ty nói chung.

Công tác tìm kiếm nguồn việc mới trong ngành xây lắp dầu khí và bản thân PVC gặp rất nhiều khó khăn, hợp đồng ký mới không nhiều, giá trị nhỏ. Công ty mẹ và các đơn vị chủ yếu thực hiện các công trình/dự án chuyển tiếp từ các năm trước nhưng giá trị còn lại rất thấp. Đặc biệt là khả năng tự tìm kiếm nguồn việc mới của các đơn vị còn yếu, thiếu sự chủ động và nguồn lực thúc đẩy công tác mở rộng thị trường.

Năm 2018, hầu hết các đơn vị trực thuộc PVC đều không hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh đã đề ra. Chỉ có hai đơn vị là Công ty CP Xây lắp đường ống bể chứa dầu khí (DOBC) và Công ty CP Xây dựng Công nghiệp và Dân dụng dầu khí (PVC-IC) có kết quả sản xuất kinh doanh hòa vốn, các đơn vị còn lại đều thua lỗ đã ảnh hưởng xấu tới kết quả sản xuất hợp nhất toàn Tổng công ty.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 diễn ra mới đây, lãnh đạo PVC cho biết công tác thoái vốn góp đầu tư tài chính của đơn vị này đang gặp nhiều vướng mắc do phần lớn các đơn vị nằm trong kế hoạch thoái vốn đều thua lỗ nên việc tìm kiếm các đối tác nhận chuyển nhượng có nhiều khó khăn, có trường hợp các đối tác đưa ra mức giá nhận chuyển nhượng quá thấp.

Ông Nguyễn Đình Thế - Thành viên phụ trách HĐQT, Tổng Giám đốc PVC

Ngoài ra, những vướng mắc thủ tục pháp lý trong quá trình triển khai thực hiện cũng dẫn đến quá trình thoái vốn kéo dài. Bên cạnh đó, khi PVC làm việc với các đối tác cũng gặp nhiều hạn chế dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của PVC ngày càng gặp khó khăn, đặc biệt trong công tác tiếp thị, tìm nguồn việc mới.

Cụ thể, giá trị sản xuất kinh doanh toàn tổ hợp PVC thực hiện đạt hơn 2.165 tỉ đồng. Riêng công ty mẹ thực hiện 1.445,5 tỉ đồng. Doanh thu toàn tổ hợp thực hiện hơn 3.474 tỉ đồng, đạt 91% kế hoạch năm. Đáng lưu ý là cả hai chỉ số cơ bản là giá trị sản xuất kinh doanh và doanh thu của PVC sụt giảm đáng kể so với năm 2017.

Lợi nhuận trước thuế toàn tổ hợp lỗ 388,24 tỉ đồng, riêng công ty mẹ lỗ 125,02 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế toàn tổ hợp lỗ 414,19 tỉ đồng, riêng công ty mẹ lỗ 123,86 tỉ đồng.

Vốn chủ sở hữu của công ty mẹ PVC tại thời điểm 31.12.2018 là 700,19 tỉ đồng, giảm 15% so với vốn chủ sở hữu tại thời điểm 31.12.2017. Lỗ lũy kế công ty mẹ tại thời điểm 31.12.2018 là 3.377 tỉ đồng.

Tiềm ẩn rủi ro, khó trả nợ PVN

Đánh giá về những rủi ro tiềm ẩn ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh năm 2019 và các năm tiếp theo, lãnh đạo PVC cho biết đó là công tác tái cơ cấu nợ gốc và lãi vay đối với khoản vay ủy thác của PVN do tình hình tài chính khó khăn (lỗ lũy kế tại 31.12.2018 của công ty mẹ PVC là 3.377 tỉ đồng), các tài sản và dự án hình thành từ nguồn vốn vay ủy thác của PVN không phát huy được hiệu quả, một số đơn vị của PVC đã chuyển nhượng, sử dụng vào mục đích khác, dẫn đến PVC khó có khả năng thu xếp dòng tiền để trả nợ vay ủy thác Tập đoàn.

Bên cạnh đó, PVC còn phải tiếp tục phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh vay vốn cho các đơn vị. Tại ngày 31.12.2018, PVC còn số dư bảo lãnh cho 3 đơn vị thành viên vay vốn tại các tổ chức tín dụng khác đã bị quá hạn với dư nợ bảo lãnh là 237,86 tỉ đồng, bảo lãnh thanh toán cho PVC Thái Bình 111,8 tỉ đối với việc chuyển nhượng Khách sạn Dầu khí Thái Bình đối với PVEP.

PVC đã trích lập dự phòng nghĩa vụ nợ phải trả 137,94 tỉ đồng, còn tiềm ẩn phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho các đơn vị (PVC-SG khoảng 99,9 tỉ đồng, PVC Thái Bình khoảng 111,8 tỉ đồng).

Tiềm ẩn rủi ro tiếp tục gây lỗ cho PVC là từ các khoản đầu tư tài chính: tại thời điểm cuối năm 2018, tổng giá trị đầu tư của PVC vào 29 đơn vị thành viên là 3.100 tỉ đồng, trong khi tổng giá trị trích lập dự phòng đầu tư tài chính lũy kế chỉ là 1,678 tỉ đồng tương đương khoảng 54%, hầu hết các đơn vị đều có khả năng kinh doanh thua lỗ trong các năm tiếp theo nên sẽ tiềm ẩn phải tiếp tục trích lập dự phòng đầu tư tài chính bổ sung.

Trong năm 2018, công ty mẹ PVC đã thực hiện xử lý thu hồi được là 120,15 tỉ đồng. Số dư nợ chưa xử lý được chủ yếu là các khoản nợ liên quan đến quyết toán các dự án chưa hoàn thành so với tiến độ đề ra.

Tuyết Nhung