Vì sao doanh nghiệp quy mô vừa không được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp?
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 18:21, 14/05/2019
Nếu hỗ trợ doanh nghiệp vừa, ngân sách thất thu 19.500 tỉ đồng/năm
Lý giải với báo chí về vấn đề này ngày 14.5, ông Nguyễn Quốc Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho biết việc Bộ Tài chính đề xuất với Chính phủ để áp dụng các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ như nêu tại dự thảo Nghị quyết là nhằm đảm bảo phát huy hiệu quả của chính sách hỗ trợ, tránh tình trạng ưu đãi dàn trải.
Theo ông Hưng, số lượng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm phần lớn trong tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam và nếu tính cả số lượng doanh nghiệp có quy mô vừa thì nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa chiếm tới trên 97% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam.
Theo đó, nếu việc áp dụng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho cả nhóm doanh nghiệp vừa thì gần như toàn bộ doanh nghiệp tại Việt Nam đều được hưởng ưu đãi. Điều này không mang nhiều ý nghĩa nhằm ưu tiên phát triển, đồng thời có thể dẫn đến sự cạnh tranh không bình đẳng giữa doanh nghiệp vừa với các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ trong khi nhóm doanh nghiệp vừa đã sẵn có nhiều lợi thế hơn (vốn, doanh thu, thị trường, lao động, công nghệ...).
Đề xuất áp dụng các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ theo ông Hưng cũng dựa trên tính toán về khả năng, điều kiện ngân sách nhà nước trong bối cảnh hiện nay. Theo ước tính, việc đề xuất áp dụng các chính sách ưu đãi tại dự thảo Nghị quyết này đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ sẽ làm giảm thu ngân sách khoảng 9.200 tỉ đồng mỗi năm và nếu tiếp tục mở rộng chính sách hỗ trợ tại dự thảo Nghị quyết này áp dụng cả đối với doanh nghiệp vừa có thể làm giảm thu ngân sách hơn 19.500 tỉ đồng mỗi năm.
"Trong bối cảnh kinh tế - xã hội và thu ngân sách hiện nay thì việc xác định đối tượng doanh nghiệp để đề xuất giải pháp hỗ trợ cần phải dựa trên nguyên tắc: hỗ trợ đúng, trúng đối tượng để đạt được lợi ích kinh tế, xã hội cao nhất nhưng lại không làm ảnh hưởng lớn đến thu ngân sách, đặc biệt là tránh tình trạng ưu đãi tràn lan, làm giảm hiệu quả của chính sách khuyến khích, hỗ trợ.
Do vậy, Bộ Tài chính đề xuất ưu đãi tập trung dành cho các đối tượng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, là những đối tượng dễ bị tổn thương trước những biến động của nền kinh tế, môi trường kinh doanh, trước sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt khi hội nhập kinh tế quốc tế", ông Hưng nhấn mạnh.
Doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ sẽ được hưởng như thế nào?
Lãnh đạo Bộ Tài chính sẽ áp dụng thuế suất 15% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với trường hợp doanh nghiệp siêu nhỏ có tổng doanh thu năm không quá 3 tỉ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người.
Áp dụng thuế suất 17% đối với trường hợp doanh nghiệp nhỏ có tổng doanh thu năm không quá 50 tỉ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người.
Đồng thời, để tạo ra động lực mạnh mẽ trong khuyến khích các đối tượng là hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp mà theo đánh giá đây là nhóm đối tượng cần tập trung khuyến khích theo mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.
Bộ Tài chính đề xuất thực hiện chính sách ưu đãi cho các đối tượng này theo hướng: Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ được thành lập mới từ hộ kinh doanh.
Ngoài ra, trên cơ sở phân loại lĩnh vực, ngành nghề sản xuất kinh doanh để thu thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ trên doanh thu đối với hộ kinh doanh đang được quy định tại Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế, có tính đến mức độ khuyến khích để các hộ kinh doanh thấy được chủ trương ưu đãi của Nhà nước để chuyển đổi lên doanh nghiệp, nhằm vừa đơn giản trong quản lý và hạn chế tối đa vướng mắc phát sinh, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng phương pháp tính thuế đối với doanh nghiệp siêu nhỏ theo nguyên tắc sau: Doanh nghiệp siêu nhỏ phải thực hiện hạch toán doanh thu, chi phí và khai, nộp thuế theo phương pháp xác định thu nhập.
Trường hợp doanh nghiệp siêu nhỏ có tổng doanh thu năm không quá 3 tỉ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người, xác định được doanh thu nhưng không xác định được chi phí, thu nhập của hoạt động sản xuất, kinh doanh thì kê khai nộp thuế TNDN theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu bán hàng hoá, dịch vụ.
Với quy định này, doanh nghiệp siêu nhỏ (đặc biệt là các doanh nghiệp được thành lập mới từ hộ kinh doanh) vẫn có thể áp dụng phương pháp tính thuế TNDN theo tỷ lệ trên doanh thu (hiện hành cũng đang được áp dụng thu thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ trên doanh thu) nếu không thể xác định được thu nhập. Trường hợp xác định được doanh thu, chi phí và thu nhập thì phải thực hiện tính thuế TNDN theo phương pháp xác định thu nhập.
Theo ông Nguyễn Quốc Hưng, đánh giá sơ bộ cho thấy giảm thu thuế với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có thể làm giảm thu ngân sách khoảng 9.200 tỉ đồng/năm (trong đó giải pháp miễn thuế trong vòng 2 năm đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chuyển đổi từ hộ kinh doanh khoảng 2.700 tỉ đồng mỗi năm; giải pháp giảm thuế suất cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ khoảng 6.500 tỉ đồng mỗi năm).
Tuy việc giảm nghĩa vụ này trong ngắn hạn có gây áp lực lên cân đối ngân sách nhưng sẽ có tác động lớn đến việc thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch và cải cách thủ tục hành chính và về dài hạn sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tăng tích lũy, tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó góp phần tăng thu từ thuế TNDN cho ngân sách vào những năm sau.
Tuyết Nhung