Các chính sách của nước Anh trong việc làm xanh lưới điện vào năm 2030

Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 15:08, 30/10/2024

Nước Anh đặt tham vọng sẽ dùng điện sạch hoàn toàn vào năm 2030. Những nỗ lực của họ có thể giúp các nước khác tham khảo và học hỏi được điều gì không?
Kiến thức - Học thuật

Các chính sách của nước Anh trong việc làm xanh lưới điện vào năm 2030

Anh Tú {Ngày xuất bản}

Nước Anh đặt tham vọng sẽ dùng điện sạch hoàn toàn vào năm 2030. Những nỗ lực của họ có thể giúp các nước khác tham khảo và học hỏi được điều gì không?

Một tin nhắn gửi đến điện thoại khi chuẩn bị phát điện gió giá rẻ. Đó là một trong số nhiều thử nghiệm để xây dựng thói quen sử dụng điện sạch của mọi người ở Anh.

Gia đình Martin và Laura Bradley sống ở Halifax, một thị trấn có những cối xay gió cũ bên dưới những đỉnh cao gió hú của West Yorkshire. Và khi một cơn giông chuẩn bị đến, gió thổi mạnh ngoài trời sẽ tạo ra lượng điện dư thừa từ các tua-bin gió trên đồng cỏ, điện thoại của họ sẽ sáng lên với một thông báo. Nó giống như thông báo về mức giảm giá 50% vào ngày Black Friday.

bradley.jpg
Gia đình Bradley

Khi nhận tin nhắn, người nhà Bradleys vội cắm điện cho chiếc xe ô tô chạy điện của họ, bắt đầu giặt một mẻ quần áo và bắt tay vào làm món ăn hấp dẫn nhất nhưng tốn điện của họ: bánh trái cây Giáng sinh. Họ thà làm trước kỳ nghỉ lễ nhiều tuần còn hơn tốn nhiều tiền điện. Laura Bradley cho biết: "Vì phải mất bốn giờ để nấu món này trong lò điện, nên đây là thời điểm hoàn hảo để bấm công tắc!".

Cảnh báo qua điện thoại cho gia đình Bradleys và hàng nghìn người khác là một phần trong kế hoạch đầy tham vọng của nước Anh nhằm chuyển đổi hoàn toàn hệ thống điện của quốc gia khỏi việc đốt nhiên liệu hóa thạch vào cuối thập niên này. Điều đó sẽ giúp Anh đạt mục tiêu nhanh hơn 5 năm so với Mỹ và sớm hơn Liên minh châu Âu 10 năm. Về cơ bản, đây là mục tiêu tham vọng nhất đối với bất kỳ nền kinh tế công nghiệp lớn nào.

Để thực hiện mục tiêu, cần xây dựng nhiều dự án năng lượng mặt trời và năng lượng gió hơn, cũng như nhiều loại pin và đường dây truyền tải. Mục tiêu cũng đòi hỏi phải thuyết phục hàng triệu người Anh về những lợi ích mà thiết thực nhất liên quan tới túi tiền của họ. Nói suông thì người dân sẽ không nghe nhưng nếu kèm theo lợi ích rõ ràng thì họ sẽ không chỉ nghe mà còn nhiệt thành hưởng ứng.

Công ty Octopus Energy, nhà cung cấp điện lớn nhất của đất nước, vận hành 9 tua-bin gió trên những ngọn đồi đó. Khi gió mạnh và điện dồi dào, công ty sẽ giảm giá bán. Gia đình Bradley cho biết họ tiết kiệm được hơn 400 bảng Anh (517 USD) một năm chỉ nhờ thói quen tranh thủ dùng điện khi nhận tin nhắn. Octopus cho biết công ty không chỉ thu hút khách hàng mà còn thuyết phục cộng đồng rằng họ được hưởng lợi từ cơ sở hạ tầng năng lượng mới.

Giám đốc điều hành của Octopus Energy, Greg Jackson cho biết: “Chúng tôi muốn chứng minh với mọi người rằng điện gió rẻ hơn, nhưng chỉ khi bạn sử dụng lúc có nhiều gió”. Đây là một trong số nhiều thử nghiệm sáng tạo khi Anh cố gắng thuyết phục công chúng chú ý rằng việc từ bỏ nhiên liệu hóa thạch có thể cải thiện cuộc sống của họ.

Ripple Energy, một công ty khởi nghiệp ở London, mời mọi người mua một phần của tuabin gió để đổi lấy hóa đơn năng lượng giảm giá. Tại thị trấn Grimsby, một hợp tác xã địa phương đầu tư vào các dự án năng lượng mặt trời nhỏ giúp giảm chi phí cho các tổ chức từ thiện gần đó. Ở Bắc London, một nhà phát triển đã hợp tác với Octopus để bán những ngôi nhà chạy hoàn toàn bằng điện (tức là không dùng khí đốt hay bất kỳ nhiên liệu nào khác để sưởi ấm) và những người ở trong đó được cung cấp điện miễn phí trong ít nhất 5 năm.

Tham vọng năm 2030 của Anh là một phép thử về tốc độ xây dựng hệ thống năng lượng mới của một quốc gia giàu có. Điều này càng đáng chú ý hơn khi xảy ra ở quốc gia đã khai sinh ra Cách mạng Công nghiệp, cuối cùng lại gây ra cuộc khủng hoảng khí hậu đang ảnh hưởng đến toàn bộ thế giới ngày nay.

dienthan.jpg
Nước Anh vừa đóng cửa nhà máy nhiệt điện cuối cùng

Chính phủ Anh đang chịu áp lực phải cho phép các nhà phát triển nhanh chóng xây dựng những thứ như đường dây truyền tải. Trong khi đó, cộng đồng lại đang gây áp lực không được phá hoại vùng nông thôn. Và có áp lực phải sửa đổi các quy định để các cộng đồng gần cơ sở hạ tầng mới — ví dụ như Scotland, nơi sản xuất phần lớn điện gió ngoài khơi— có thể giảm hóa đơn tiền điện và thu hút các doanh nghiệp mới sử dụng nhiều năng lượng.

Khí đốt tự nhiên vẫn chiếm một phần ba trong cơ cấu điện. Việc thay thế bằng năng lượng tái tạo trong 5 năm không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Một phân tích gần đây đã kết luận rằng các dự án năng lượng mặt trời và gió hiện đang được lên kế hoạch sẽ chiếm chưa đến một nửa cơ cấu điện vào năm 2030 nếu không có nguồn vốn đầu tư khổng lồ.

Dấu hiệu của sự chuyển đổi đang hiện rõ. Các tua bin gió đang quay không ngừng nghỉ ngoài khơi bờ biển Scotland. Các tấm pin mặt trời được lắp trên mái nhà của các sân vận động bóng đá. Và trên một mảnh đất công nghiệp ở West Yorkshire, nơi mà trong nhiều thập niên, ba nhà máy nhiệt điện khổng lồ đã đốt vô số than, người ta đã lắp đặt những tấm pin điện khổng lồ.

Tổng cộng có 136 tấm pin, mỗi tấm có kích thước bằng một chiếc xe đầu kéo và thuộc sở hữu của SSE, một công ty năng lượng khổng lồ sản xuất rất nhiều năng lượng gió ở biển Bắc. Các tấm pin được thiết kế để khai thác năng lượng gió và mặt trời rồi lưu trữ cho đến khi cần xả vào lưới điện.

Ricky Harker trước đây làm công nhân dầu mỏ giờ đang quản lý dự án. Harker là hiện thân của sự chuyển đổi. Ông nội của Harker là một thợ mỏ than. Cha ông làm việc trong một nhà máy thép đốt than. Harker cũng học việc ở đó rồi sau làm việc tại một nhà máy lọc dầu. Một vụ nổ tai nạn khiến 5 đồng nghiệp thiệt mạng và thực sự khiến ông phải nghỉ việc. Ông kể lại: “Tôi chưa bao giờ chạy nhanh như vậy trong đời. Ngày hôm sau, tôi cầm túi xách và bỏ việc dầu khí”.

Khi thấy dầu khí nguy hiểm với môi trường, nhiều người Anh có dám đoạn tuyệt như Hacker?

Anh Tú