Không hình sự hóa quan hệ kinh tế - dân sự
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 18:45, 29/10/2024
Không hình sự hóa quan hệ kinh tế - dân sự
Trong thông báo mới nhất, Chính phủ tái khẳng định việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, doanh nhân, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự.
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 496/TB-VPCP ngày 29.10.2024 về kết luận của Thường trực Chính phủ tại buổi gặp mặt của Thường trực Chính phủ với đại diện doanh nghiệp, nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam.
Doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh
Thông báo nêu rõ Chính phủ luôn bám sát, thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng, góp phần xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh cho doanh nghiệp, doanh nhân phát triển.
Chính phủ cũng rất vui mừng, tin tưởng và tự hào về doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức để phát triển lớn mạnh.
“Doanh nghiệp, doanh nhân ngày càng thể hiện vai trò, vị trí, tầm quan trọng của mình trong phát triển đất nước, trong sự nghiệp đổi mới, đặc biệt là trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế của đất nước; đoàn kết, thống nhất trong doanh nghiệp, doanh nhân, cùng nhau phát triển, cùng tiến bộ, cùng đóng góp cho đất nước, cho nhân dân”, thông báo nêu.
Theo đó, sau 20 năm kể từ khi có Ngày Doanh nhân Việt Nam, số doanh nghiệp thành lập mới không ngừng gia tăng, là một điểm sáng của nền kinh tế.
Số doanh nghiệp thành lập mới trong vòng 20 năm (2004 - 2023) đã đạt hơn 1,88 triệu, số doanh nghiệp thành lập mới năm 2023 tăng khoảng 4,3 lần so với năm 2004. Số doanh nghiệp thành lập mới 9 tháng đầu năm 2024 là trên 121.000, tăng 3,42% so với cùng kỳ năm 2023.
Ước tính, số doanh nghiệp thành lập mới năm 2024 sẽ vượt con số 159.000 của năm 2023, là năm thứ 3 liên tiếp lập kỷ lục. Lũy kế giai đoạn 2000 - 2024, số doanh nghiệp thành lập mới dự báo sẽ vượt con số 2,1 triệu.
Mật độ doanh nghiệp đang hoạt động tăng khoảng 8,4 lần, từ 1,1 doanh nghiệp/1.000 dân năm 2004 lên 9,2 doanh nghiệp/1.000 dân năm 2023.
Các doanh nghiệp, doanh nhân có mặt ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Không chỉ trong nước mà nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã gây dựng, khẳng định giá trị thương hiệu vươn tầm ra khu vực và thế giới...
Nhiều doanh nghiệp đã vươn lên làm chủ công nghệ, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có thương hiệu, tạo dựng được hệ sinh thái cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng phát triển; tiên phong trong chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tham gia giải quyết các thách thức, bài toán lớn của quốc gia.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hay thiên tai, bão lũ xảy ra thường xuyên, gây ảnh hưởng nặng nề, nhưng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã và luôn nêu cao tinh thần chia sẻ đồng hành cùng đất nước, cùng nhân dân vượt qua khó khăn, thách thức, duy trì công ăn việc làm, tạo sinh kế cho người dân...
Không hình sự hóa quan hệ kinh tế - dân sự
Thời gian tới, trong bối cảnh khó khăn, thách thức và cơ hội, thuận lợi đan xen, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương với tinh thần là thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
“Nói ít nhưng làm nhiều, đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện; không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; đã làm, đã thực hiện phải ra sản phẩm cụ thể, đạt kết quả lượng hóa được”, Chính phủ nhấn mạnh.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng, nhất là xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh giữa các thành phần kinh tế; phát triển hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, toàn diện, gồm hạ tầng giao thông, năng lượng, viễn thông, y tế, giáo dục, văn hóa… để góp phần giảm chi phí logistics, tạo không gian phát triển mới, các khu đô thị mới, khu dịch vụ mới.
Ngoài ra, cần đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước nói chung và các doanh nghiệp nói riêng; hoàn thiện mô hình quản trị doanh nghiệp hiện đại, huy động mọi nguồn lực của xã hội cho phát triển đất nước; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, doanh nhân, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự.
Chính phủ đề nghị xây dựng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp xứng tầm truyền thống lịch sử văn hóa, hào hùng dân tộc.
Theo đó, tiên phong thúc đẩy 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng và nhân lực), đặc biệt là đột phá về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm…).
Chính phủ cũng nhấn mạnh cần tiên phong góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; bảo đảm đủ năng lượng cho sản xuất kinh doanh…
Ngoài ra, tiên phong xây dựng quản trị doanh nghiệp hiện đại để góp phần xây dựng quản trị đất nước thông minh, xây dựng chính phủ trong sạch, liêm chính, vì nhân dân phục vụ; tiên phong củng cố, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, làm tốt công tác an sinh xã hội, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần…