Sở ATTP TP.HCM: Mất ATTP trong trường học thuộc trách nhiệm của UBND các cấp
Thông tin Y học - Ngày đăng : 17:15, 28/10/2024
Sở ATTP TP.HCM: Mất ATTP trong trường học thuộc trách nhiệm của UBND các cấp
Theo Sở An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM, tình trạng không đảm bảo ATTP xảy ra trong trường học thời gian gần đây là do thực phẩm bán lưu động trước cổng trường.
Mất ATTP trong trường học là do thực phẩm kinh doanh trước cổng trường
Tình trạng ngộ độc thực phẩm trên địa bàn TP.HCM vẫn liên tục xảy ra từ đầu năm 2024 đến nay, đặc biệt là các vụ ngộ độc xảy ra trong trường học khiến không ít phụ huynh cảm thấy lo lắng. Từ đầu năm 2024 đến nay, chỉ tính riêng các vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học đã có ít nhất 4 vụ xảy ra.
Cụ thể, ngày 2.5 xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tại 4 trường tiểu học trên địa bàn TP.Thủ Đức khiến 15 em phải nhập viện cấp cứu; ngày 4.5 xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tại Trường tiểu học Đặng Trần Côn (quận 4) khiến ít nhất 6 trường hợp nhập viện cấp cứu; ngày 8.5 xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tại căn tin KTX Đại học Quốc gia TP.HCM khiến 19 sinh viên nhập viện cấp cứu và mới đây, vào ngày 9.10, có 6 học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn nhập viện cấp cứu do ngộ độc thực phẩm.
Theo Sở ATTP TP.HCM, hằng năm đơn vị này đều phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức tập huấn các quy định về điều kiện bảo đảm ATTP, các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm và xử lý khi bị ngộ độc thực phẩm; các mối nguy ô nhiễm thực phẩm; công tác tự kiểm tra an toàn thực phẩm trong trường học… cho người quản lý, nhân viên y tế trường học, cấp dưỡng, người trực tiếp tiếp xúc thực phẩm, người chế biến thực phẩm... Đồng thời tổ chức kiểm tra, thanh tra 2 lần/năm nhằm tăng cường công tác đảm bảo ATTP trong trường học.
Các quận huyện và TP.Thủ Đức cũng chủ động xây dựng kế hoạch triển khai các biện pháp đảm bảo ATTP, lấy mẫu giám sát chất lượng, ATTP tại chợ truyền thống, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và thanh tra, kiểm tra trên địa bàn.
Tuy nhiên, vụ việc không đảm bảo ATTP khu vực trường học xảy ra trên địa bàn TP từ đầu năm 2024 đến nay là do thực phẩm kinh doanh, bán lưu động trước cổng trường; trang thiết bị chế biến, bảo quản bảo quản thực phẩm đối với thực phẩm được chế biến dùng để ăn, uống ngay chưa được đảm bảo theo quy định.
Ông Lê Minh Hải – Phó giám đốc Sở ATTP TP.HCM - cho rằng các đối tượng kinh doanh trước cổng trường phần lớn là những cá nhân buôn bán hàng rong, không có địa chỉ cụ thể, không thuộc trách nhiệm quản lý của đơn vị mà thuộc quản lý của UBND các cấp ở địa phương.
“Tại các cổng trường, đối tượng kinh doanh thực phẩm trước cổng trường đa số là các cá nhân buôn bán hàng rong, không có địa điểm cụ thể. Theo khoản 2, điều 65 của Luật An toàn thực phẩm quy định, UBND các cấp chịu trách nhiệm quản lý ATTP trên địa bàn; quản lý điều kiện bảo đảm ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn”, ông Hải giải thích.
Rất khó quản lý dịch vụ ăn uống xung quanh trường học
Theo ông Hải, hiện nay, việc quản lý ATTP, nhất là quản lý nguồn nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc đối với dịch vụ ăn uống xung quanh trường học là rất khó khăn bởi đây là các cơ sở nhỏ, lẻ, tự phát.
“Hiện các quận, huyện và TP.Thủ Đức đã xây dựng tuyến đường kinh doanh thức ăn đường phố, tuy nhiên còn khó khăn trong quy hoạch tuyến đường kinh doanh món ăn đường phố tập trung, do các tuyến đường có vỉa hè chật hẹp, không đủ diện tích để sắp xếp, bố trí. Một số người tiêu dùng trong quá trình ăn uống tại các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố không thực hiện tốt vệ sinh môi trường, không vứt rác vào các thùng rác đã được trang bị…”, ông Hải cho biết.
Trước tình hình trên, Sở ATTP TP.HCM cho biết đã có đề nghị Sở GD-ĐT, UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường công tác thông tin truyền thông về đảm bảo ATTP, các biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm; vận động tuyên truyền phụ huynh, học sinh, không mua quà vặt, hàng rong, các loại thực phẩm bày bán không đảm bảo ATTP; tăng cường công tác thanh - kiểm tra, giám sát ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn... Ngoài ra, UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện cũng chủ động xây dựng kế hoạch triển khai các biện pháp đảm bảo ATTP trên địa bàn như: Tăng cường truyền thông cho các đối tượng, đặc biệt lưu ý đối tượng quản lý, kinh doanh, chế biến, phục vụ trong trường học; tăng cường công tác thanh kiểm tra, trong đó tập trung các đối tượng kinh doanh hàng rong và khu vực xung quanh trường học; công tác lấy mẫu giám sát chất lượng, ATTP tại chợ truyền thống, duy trì và xây dựng các mô hình điểm kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn.
Tuy nhiên, về lâu dài, ông Hải cho biết Sở ATTP tiếp tục phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh đã ký kết triển khai công tác phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm đảm bảo an toàn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn giữa TP.HCM và các tỉnh. Mô hình này được kiểm soát chặt chẽ, từ khâu sản xuất ban đầu (trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác...) đến cơ sở sơ chế, giết mổ, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông sản đạt chuẩn cung cấp cho các bếp ăn, cơ sở cung cấp suất ăn. Đồng thời, định kỳ vào mỗi học kỳ của năm học, Sở ATTP phối hợp Sở GD-ĐT tổ chức kiểm tra, thanh tra các cơ sở giáo dục có bếp ăn tập thể.
“Qua đó chúng tôi kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hành vi vi phạm trong việc chấp hành các quy định pháp luật về ATTP, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong trường học”, ông Hải nói.