Giá BĐS 'hư hư thực thực', ĐBQH đề xuất tăng điều kiện tham gia đấu giá đất
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 14:24, 28/10/2024
Giá BĐS 'hư hư thực thực', ĐBQH đề xuất tăng điều kiện tham gia đấu giá đất
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng không nên tăng phí đặt cọc, mà cần tăng điều kiện của những người tham gia đấu giá đất.
Người tham gia đấu giá phải chứng minh năng lực
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhấn mạnh điều nổi cộm đó là giá bất động sản (BĐS) tại các thành phố lớn rất cao và liên tục tăng lên, vượt quá mức thanh toán của đại đa số người dân có nhu cầu nhà ở, đồng thời thu nhập từ BĐS thấp so với giá vốn đầu tư BĐS.
Theo ông Cường, giá BĐS cao bất thường do người mua BĐS để tích lũy tăng cao khiến dòng tiền đẩy vào BĐS cao, không chảy vào kinh doanh sản xuất; nguồn cung bất động sản ngày càng khan hiếm; các lực lượng thị trường như môi giới, đấu giá cố tình đẩy giá lên cao để kiếm lợi nhuận.
Để kiểm soát giá BĐS, đại biểu Cường đề xuất: Yêu cầu người tham gia đấu giá phải chứng minh được khả năng tài chính để mua tài sản, nhằm loại bỏ những người chỉ đấu giá để bán lại; thực hiện ngay Điều 31 của Luật Giá về kiểm tra các yếu tố hình thành giá khi có biến động bất thường, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp kê khai giá bán lần đầu trên thị trường thứ cấp.
Ngoài ra, ông Cường đề nghị xây dựng cơ chế quản lý sàn giao dịch BĐS chuyên nghiệp tại một số thành phố lớn, nhằm quản lý minh bạch hoạt động của thị trường.
Tranh luận với đại biểu Dương Văn Phước (tỉnh Quảng Nam) về lý do vì sao không nên tăng phí đặt cọc, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, hiện nay phí đặt cọc đang được quy định từ 5 - 20%.
“Chẳng hạn như, giá BĐS ban đầu là 10 tỉ thì phí đặt cọc là 2 tỉ, không phải ai tham gia đấu giá thì đều được mua bất động sản đó ngay, 10 người tham gia thì chỉ được 1 người mua. Chi phí dồn tiền đặt cọc vào đó đã tạo ra cản trở tâm lý nên rất ít người tham gia đăng ký mua”, đại biểu phân tích.
Do đó, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, không nên tăng phí đặt cọc, mà cần tăng điều kiện của những người tham gia đấu giá. Nếu người mua có thể minh chứng tài sản thông qua việc sao kê tài khoản ngân hàng hoặc thông qua các BĐS như sổ đỏ, nếu người đó bỏ cọc thì sẽ bị xử lý bỏ cọc bằng tài sản tương đương giá trị đấu giá.
Ông Cường cho rằng với cách làm như vậy thì sẽ đạt được lợi ích: Những người không có tiền mà tham gia đấu giá chỉ nhằm mục tiêu mua đi - bán lại thì không có đủ điều kiện để minh chứng và không tham gia đấu giá được. Còn những người mua BĐS để dùng thì họ sẽ chứng minh được ngay và chúng ta xác định được những người đấu giá đúng thực chất. Đối với những người trả giá cao mà bỏ cọc thì sẽ bị xử lý tài sản đó với giá trị rất lơn, qua đó ngăn chặn được tình trạng bỏ cọc như thời gian qua.
Qua những phân tích nêu trên, đại biểu Cường cho rằng quy định này phải làm trước khi minh chứng được hồ sơ và hoàn toàn có đủ điều kiện và có đủ thời gian để người tham gia đấu giá chuẩn bị cũng như cơ quan quản lý đấu giá có thể kiểm soát.
Đại biểu Dương Văn Phước cho rằng giá đấu giá là không thực chất thì nó trở thành là công cụ để lũng đoạn và thị trường buôn bán trở thành nơi để trục lợi và cần phải nghiêm trị.
Để khắc phục tình trạng bỏ cọc, trục lợi đối với thị trường BĐS, đại biểu Phước đưa ra giải pháp là cần tăng giá tiền đặt cọc theo từng vòng, theo lũy tuyến để buộc người đấu giá phải cân nhắc khi bỏ cọc. Ngoài ra, cần phải có chế tài mạnh để cấm các doanh nghiệp tiếp tục đấu giá trên một số lĩnh vực.
Giá BĐS hư hư thực thực
Đại biểu Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) cho rằng trong thời gian qua, thị trường BĐS, nhất là trước dịch COVID-19, có bước phát triển rất mạnh cả về số và chất lượng. Tuy nhiên thời điểm này đang sốt giá đất, giá đất cao, nhu cầu ở không nhiều, chủ yếu mua để đầu cơ, cho thuê; có người mới vừa mua thì đã sang tay chốt lời, thị trường BĐS bất ổn, "hư hư thực thực" khó định giá.
Liên quan đến giá BĐS tại một số thành phố lớn tăng cao trong thời gian qua, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (tỉnh Bắc Kạn) cho biết giá nhà đất tại một số thành phố lớn tăng rất cao thời gian qua đã khiến cho thị trường BĐS vừa mới phục hồi thì lại xuất hiện những dấu hiệu bất ổn. Cử tri lo lắng trước các hiện tượng thổi giá, tạo sóng, gây nhiễu loạn thông tin thị trường.
Đại biểu nêu rõ, tại buổi họp báo ngày 17.10 vừa qua, đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng nhận định, giá nhà đất tăng cao như thời gian vừa qua là vô lý và bất thường.
“Không chỉ các khu vực trung tâm mà sức nóng còn lan sang các quận, huyện vùng ven đô, nhất là sự tăng giá đột biến ở các chung cư (cả chung cư mới và cũ), tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba so với thời gian trước đây”, đại biểu này phân tích.
Ngoài ra, bà Thủy cho hay vẫn còn "nóng" câu chuyện đấu giá đất ở một số huyện ven đô, lên tới hơn 100 triệu/m2, tương đương với đất dự án đã được đầu tư hạ tầng và liên tục thiết lập mặt bằng mới, vượt xa thu nhập của đại bộ phận người dân.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cũng cho rằng tình trạng đầu cơ thổi giá, đẩy giá là nguyên nhân chính dẫn đến giá nhà đất tăng cao như thời gian qua. Một số nhà đầu tư thổi giá, gây nhiễu loạn thông tin thị trường nhằm thao túng tâm lý của người dân để trục lợi; nguyên nhân nữa là do tồn tại tâm lý của một bộ phận người dân mua nhà đất để chờ tăng giá, và thực tiễn này có xu hướng ngày càng tăng cao. Và hiện đang thiếu trầm trọng nguồn cung cho người thu nhập thấp…
Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị Chính phủ tiếp tục có những chính sách ưu đãi đủ sức hấp dẫn để khuyến khích các doanh nghiệp phát triển phân khúc nhà ở thương mại để phù hợp với túi tiền của phần đông người lao động; tháo gỡ những vướng mắc của các dự án nhà ở hiện nay và nếu như thuộc thẩm quyền của cấp cao hơn thì báo cáo cấp có thẩm quyền để tháo gỡ những vướng mắc trong các dự án này; nghiên cứu triển khai các biện pháp mạnh để kiểm soát tình trạng đầu cơ nhà đất trong thời gian vừa qua.