ĐBQH Tạ Văn Hạ: Giá BĐS tăng cao đột ngột có dấu hiệu lũng đoạn, thổi giá của nhóm lợi ích
Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 13:55, 28/10/2024
ĐBQH Tạ Văn Hạ: Giá BĐS tăng cao đột ngột có dấu hiệu lũng đoạn, thổi giá của nhóm lợi ích
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) nêu thực tế thị trường bất động sản (BĐS) tăng giá cao, đột ngột, bên cạnh vướng về thể chế, chính sách còn có dấu hiệu lũng đoạn, thao túng và thổi giá, tạo ra bong bóng bất động sản của một nhóm lợi ích.
Sáng 28.10, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường BĐS và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.
Có dấu hiệu thao túng, lũng đoạn thị trường bất động sản
Đại biểu Tạ Văn Hạ (tỉnh Quảng Nam) nêu thực tế thị trường BĐS tăng giá cao, đột ngột, bên cạnh vướng về thể chế, chính sách, đại biểu cho rằng có dấu hiệu lũng đoạn, thao túng và thổi giá, tạo ra bong bóng BĐS của một nhóm lợi ích.
Đại biểu cho rằng cần đánh giá sát, đúng vấn đề, từ đó chỉ ra được giải pháp cụ thể, căn cơ. Dự thảo nghị quyết đã đánh giá được hạn chế, nhưng chủ yếu vẫn là hạn chế trong chính sách, pháp luật và vẫn còn yếu tố bất thường, tăng giá đột ngột, gấp 2-3 lần, không phù hợp với tình hình thực tế chung và nhu cầu của người dân.
Theo đại biểu Hạ, một trong những giải pháp giảm giá thị trường BĐS đó là trái phiếu BĐS. Hiện nay, trái phiếu BĐS phát hành ra với mức lãi suất 12 - 15%, cộng với khoảng 3% phí phát hành. Như vậy, mục tiêu của phát hành trái phiếu BĐS, dư nợ lĩnh vực này đến thời kỳ đáo hạn có áp lực rất lớn.
“Nếu chúng ta không kiểm soát chặt để phục hồi và phát triển thị trường BĐS, thì việc phát hành trái phiếu không hiệu quả. Hơn nữa, thời gian khoảng 3 năm, mà phải trả lãi suất cao như vậy dễ tạo ra gánh nặng cho nhà nước và nhân dân, nguy cơ dẫn đến nợ xấu gia tăng và thậm chí là vỡ nợ”, ông Hạ nêu.
Theo ông Hạ, thời gian tới thị trường BĐS chưa thể hạ nhiệt và người dân cũng chưa có cơ hội để tiếp cận với thị trường. Do đó, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu giải pháp và tiến hành thanh tra, kiểm tra, xem xét lại căn cơ để phục hồi và phát triển thị trường BĐS lành mạnh và đúng hướng.
Đại biểu Trịnh Xuân An (tỉnh Đồng Nai) cho rằng nhìn nhận từ góc độ thị trường, giá BĐS dĩ nhiên sẽ có chu kỳ lên xuống, việc cần làm là duy trì nhịp độ, giữ tính quy luật, hạn chế những tăng giảm đột ngột, bất thường. Trong đó, trách nhiệm của Nhà nước là tạo ra sân chơi, môi trường bình đẳng cho thị trường.
Theo đại biểu, nếu nhìn nhận giá đất theo biến động thị trường, không hẳn giá đất cao là không tốt, giá đất thấp là tốt, mà còn tùy vào mức độ cao thấp với từng phân khúc để phân tích, có phản ứng chính sách phù hợp giúp tăng thu ngân sách, đầu tư một cách tập trung, hợp lý.
Đại biểu An nêu quan điểm, cần quan tâm và có chính sách tập trung vào phân khúc đất, nhà ở từ 2,5 tỉ trở xuống, tránh đầu tư dàn trải. Ngoài ra, cần đảm bảo công khai, minh bạch trong thị trường, tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt với tất cả các giao dịch BĐS.
“Về mặt thuế, chúng ta đã đề xuất nhiều lần về việc thiết lập thuế đối với cá nhân sở hữu nhiều nhà, nhiều tài sản, giờ đây là thời điểm chín muồi để áp dụng loại thuế này", ông An nêu.
Về việc nguồn cung thấp, giá thành cao, đại biểu cho rằng cần phân tích, đánh giá cụ thể nguyên nhân từ việc ách tắc liên quan đến thủ tục pháp lý; đồng thời bày tỏ hy vọng các luật có liên quan đến đất đai, nhà ở, kinh doanh BĐS cùng các văn bản pháp quy liên quan sẽ góp phần cải thiện tình trạng này.
Không hợp thức hóa các vi phạm
Tham gia ý kiến tại phiên họp, đại biểu Lý Tiết Hạnh (tỉnh Bình Định) kiến nghị cần tập trung làm rõ các nguyên nhân, thực trạng đối với các dự án BĐS đang có vướng mắc, bị đình trệ.
Bà Hạnh cho rằng nguyên nhân của các vướng mắc, tồn tại có thể do thiếu khung pháp lý, công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện ở địa phương hoặc công tác kiểm tra, giám sát còn thiếu. Một số mô hình như condotel vẫn chưa có định hướng xử lý rõ ràng, các quy định pháp lý chưa phù hợp.
Đại biểu kiến nghị Chính phủ cần đặt trọng tâm nhiệm vụ xem xét, tháo gỡ vướng mắc pháp lý đối với các dự án đang bị đình trệ. Không nên hợp thức hóa sai phạm, nhưng cũng cần nghiên cứu cách xử lý phù hợp đối với các công trình, dự án đã xảy ra sai phạm, tránh lãng phí nguồn lực.
Ngoài ra, Chính phủ cần đưa ra khung pháp lý đối với từng nhóm vướng mắc, giao thẩm quyền cho địa phương trong xử lý các dự án cụ thể, kể cả điều chỉnh quy hoạch để đưa các dự án vào khai thác, sử dụng phù hợp.
Đại biểu Lê Thanh Hoàn (tỉnh Thanh Hóa) đề nghị cần làm rõ việc không hợp thức hóa các vi phạm về BĐS...
Theo đại biểu Hoàn, việc không hợp thức hóa sai phạm cần phải được làm rõ về nội hàm và đây là vấn đề rất phức tạp, bởi khó có thể có một quy định chung đúng cho tất cả các trường hợp.
“Với tinh thần không hợp thức hóa sai phạm và phải tìm cơ chế, chính sách để giải quyết ngay để giải phóng nguồn lực nhưng phải đảm bảo thực hiện nghiêm túc quy định 178 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực; phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật là một vấn đề khó và phải cần được cụ thể hóa và sớm có chủ trương của cơ quan có thẩm quyền”, ông Hoàn nêu.
Đại biểu Lê Thanh Hoàn cho rằng cần phải xác định là nếu hành vi vi phạm pháp luật là nghiêm trọng, đã xem xét, tổng kết thi hành pháp luật và không thấy không có vấn đề vướng mắc trong thực tiễn và phù hợp với thực tiễn rồi thì phải triệt để cưỡng chế, khắc phục vi phạm, chế tài mạnh như là xung công hay là phá dỡ triệt để.
“Nếu thực sự do pháp luật không phù hợp mà cần sự chỉnh sửa, bổ sung và được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận thì nên hồi tố để miễn trừ trách nhiệm nhưng cũng cần có giải pháp để hài hòa lợi ích, đặc biệt đến chú trọng đến lợi ích của người dân, cộng đồng và Nhà nước”, ông Hoàn nêu.