Hacker xâm nhập hệ thống Verizon, nhắm vào các điện thoại liên quan chiến dịch tranh cử của ông Trump và bà Harris

Thế giới số - Ngày đăng : 08:45, 26/10/2024

Các hacker xâm nhập vào hệ thống của hãng viễn thông Verizon đã nhắm đến điện thoại được sử dụng bởi những người có liên hệ với chiến dịch tranh cử của bà Kamala Harris (ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ), theo nguồn tin của Reuters.
Thế giới số

Hacker xâm nhập hệ thống Verizon, nhắm vào các điện thoại liên quan chiến dịch tranh cử của ông Trump và bà Harris

Sơn Vân 26/10/2024 08:45

Các hacker xâm nhập vào hệ thống của hãng viễn thông Verizon đã nhắm đến điện thoại được sử dụng bởi những người có liên hệ với chiến dịch tranh cử của bà Kamala Harris (ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ), theo nguồn tin của Reuters.

Theo truyền thông Mỹ, Donald Trump (ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa) và ứng viên Phó tổng thống của ông là JD Vance, cũng bị nhắm đến.

Tờ New York Times đưa tin các nhà điều tra đang làm việc để xác định xem liệu có bất kỳ thông tin liên lạc nào của ông Trump và JD Vance bị lấy đi hay không.

Chiến dịch tranh cử của Trump đã nhận thông báo trong tuần này rằng ông Trump và Vance nằm trong số những người bên trong và bên ngoài chính phủ có số điện thoại bị nhắm đến qua việc xâm nhập hệ thống Verizon - hãng viễn thông lớn nhất Mỹ. Theo New York Times, chiến dịch tranh cử của ông Trump không xác nhận rằng điện thoại ông Trump và JD Vance bị nhắm đến.

Steven Cheung, Giám đốc truyền thông chiến dịch tranh cử của ông Trump, cáo buộc các hành động của bà Harris đã tạo động lực để hacker Trung Quốc và Iran mạnh dạn hơn trong việc thực hiện các cuộc tấn công mạng vào các hạ tầng quan trọng Mỹ, nhằm gây khó khăn cho việc ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ.

Dù lưu ý rằng không biết rõ về tình hình cụ thể, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho biết Trung Quốc phản đối và chống lại các cuộc tấn công mạng cũng như trộm cắp thông tin dưới mọi hình thức.

“Các cuộc bầu cử Tổng thống là công việc nội bộ của Mỹ. Trung Quốc không có ý định và sẽ không can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ”, phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington nói khi được hãng tin Reuters liên hệ.

Đại diện chiến dịch tranh cử của bà Harris chưa phản hồi ngay lập tức khi được Reuters đề nghị bình luận.

Chiến dịch tranh cử của ông Trump bị tấn công mạng hồi đầu năm nay. Bộ Tư pháp Mỹ đã truy tố ba thành viên của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran về vụ việc này, cáo buộc họ cố gắng phá hoại cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 5.11 tới.

Hôm 25.10, FBI (Cục Điều tra Liên bang Mỹ) cùng Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng Mỹ (CISA) thông báo đang điều tra việc truy cập trái phép vào cơ sở hạ tầng viễn thông thương mại do những hacker có liên quan đến Trung Quốc thực hiện.

Tuyên bố chung từ hai cơ quan này không nêu tên các mục tiêu của vụ hack. Verizon cho biết đã nhận thức được một nỗ lực tinh vi nhắm vào các hệ thống viễn thông Mỹ để thu thập thông tin tình báo. Hãng viễn thông lớn nhất Mỹ thông báo đang làm việc với cơ quan thực thi pháp luật.

hacker-xam-nhap-he-thong-verizon-nham-vao-cac-dien-thoai-lien-quan-chien-dich-tranh-cu-cua-ong-trump-va-ba-harris.jpg
Các hacker xâm nhập vào hệ thống của hãng viễn thông Verizon đã nhắm đến điện thoại được sử dụng bởi những người có liên hệ với chiến dịch tranh cử của bà Harris và ông Trump - Ảnh: Internet

Nhóm hacker Iran bị tố bán thành công email đánh cắp từ chiến dịch tranh cử của ông Trump

Nhóm hacker Iran bị cáo buộc đã lấy email chiến dịch tranh cử của ông Trump và đạt được một số thành công trong việc công bố tài liệu đánh cắp được sau khi ban đầu không thu hút sự chú ý của các phương tiện truyền thông chính thống.

Theo hãng tin Reuters, hacker những tuần gần đây bắt đầu bán email chiến dịch tranh cử của ông Trump rộng rãi hơn cho nhân viên chính trị thuộc đảng Dân chủ (người đã đăng hàng loạt tài liệu lên trang web Ủy ban hành động chính trị của mình mang tên American Muckrakers) và các nhà báo độc lập. Ít nhất một trong số các nhà báo này đã đăng chúng trên nền tảng Substack.

Tài liệu mới nhất cho thấy các cuộc giao tiếp giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump với các cố vấn bên ngoài và đồng minh khác, thảo luận về hàng loạt các chủ đề liên quan đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024.

Substack là nền tảng trực tuyến cho phép các nhà báo, nhà văn và những người sáng tạo nội dung khác xuất bản bản tin và xây dựng một cộng đồng độc giả riêng. Nói một cách đơn giản, Substack giống blog cá nhân nhưng có tính tương tác cao hơn và tập trung vào việc gửi nội dung trực tiếp đến hộp thư của người đăng ký.

Tại sao Substack lại phổ biến?

Tự do sáng tạo: Trên Substack, các tác giả có toàn quyền kiểm soát nội dung của mình, không bị giới hạn bởi các thuật toán của các nền tảng mạng xã hội.

Mối quan hệ trực tiếp với độc giả: Tác giả có thể tương tác trực tiếp với độc giả thông qua bình luận, email, và thậm chí là các cuộc gặp mặt trực tuyến.

Mô hình kinh doanh bền vững: Substack cho phép các tác giả kiếm tiền từ nội dung của mình thông qua việc thu phí đăng ký từ độc giả.

Đa dạng chủ đề: Bạn có thể tìm thấy các bản tin về mọi chủ đề, từ chính trị và xã hội đến công nghệ, văn hóa, thậm chí là sở thích cá nhân.

Các hoạt động nêu trên được Reuters theo dõi, cung cấp cái nhìn thoáng qua về nỗ lực can thiệp cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Điều này cũng chứng minh rằng Iran vẫn quyết tâm can thiệp vào các cuộc bầu cử dù Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra bản cáo trạng vào tháng 9 cáo buộc những leaker (kẻ tiết lộ thông tin bí mật) làm việc cho Iran, sử dụng danh tính giả.

Bản cáo trạng cáo buộc rằng một nhóm hacker có liên hệ với chính phủ Iran, được gọi là Mint Sandstorm hay APT42, đã xâm phạm nhiều nhân viên chiến dịch tranh cử của ông Trump trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 6 bằng cách đánh cắp mật khẩu của họ. Trong một khuyến cáo được công bố đầu tháng 10, Bộ An ninh Nội địa Mỹ cảnh báo rằng hacker tiếp tục nhắm mục tiêu vào nhân viên chiến dịch tranh cử. Nếu bị kết tội, các hacker sẽ phải đối mặt với án tù và tiền phạt.

Bản cáo trạng của Bộ Tư pháp Mỹ cho biết các leaker là ba hacker người Iran làm việc với lực lượng dân quân Basij của Iran, có các thành viên tình nguyện giúp chính quyền thực thi các quy tắc nghiêm ngặt và mở rộng ảnh hưởng.

Trong các cuộc trò chuyện với Reuters, những leaker (sử dụng danh tính giả là Robert) không trả lời trực tiếp các cáo buộc của Mỹ. Một người nói rằng: "Bạn thực sự mong đợi tôi trả lời sao?!".

Robert là danh tính giả được đề cập trong bản cáo trạng của Bộ Tư pháp Mỹ, theo các email FBI gửi đến các nhà báo và được Reuters xem xét.

Phái đoàn Iran tại Liên Hợp Quốc tuyên bố các báo cáo về sự tham gia của quốc gia này vào hoạt động tấn công mạng nhằm vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ là "hoàn toàn vô căn cứ và không thể chấp nhận được", đồng thời nói thêm rằng họ "hoàn toàn bác bỏ những cáo buộc như vậy".

FBI, cơ quan đang điều tra hoạt động tấn công mạng của Iran nhắm vào cả hai chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử này, từ chối bình luận.

David Wheeler, người sáng lập Ủy ban hành động chính trị American Muckrakers, nói các tài liệu mà ông chia sẻ là xác thực và vì lợi ích công cộng. David Wheeler cho biết mục tiêu của ông là "vạch trần chiến dịch tranh cử của Trump tuyệt vọng như thế nào khi cố gắng giành chiến thắng" và cung cấp cho công chúng thông tin thực tế. Ông từ chối thảo luận về nguồn gốc của tài liệu.

Không đề cập cụ thể đến bất kỳ ai, đại diện chiến dịch tranh cử của ông Trump tuyên bố đầu tháng 10 rằng hoạt động tấn công mạng từ hacker Iran "có mục đích can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2024 và gieo rắc hỗn loạn trong suốt quá trình dân chủ của chúng ta", đồng thời nói thêm rằng bất kỳ nhà báo nào đăng lại các tài liệu bị đánh cắp đều "đang làm theo lệnh của kẻ thù của nước Mỹ".

Năm 2016, ông Trump đã có lập trường khác khi khuyến khích hacker lấy email của bà Hillary Clinton và cung cấp cho báo chí.

Sơn Vân