Bão Trà Mi liên tục đổi hướng, diễn biến phức tạp
Sự kiện - Ngày đăng : 18:21, 24/10/2024
Bão Trà Mi liên tục đổi hướng, diễn biến phức tạp
Chiều 24.10, bão Trà Mi đã đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 6 hoạt động trên Biển Đông từ đầu năm đến nay.
Chiều 24.10, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia cho biết bão Trami (tiếng Việt là Trà Mi) đã đi vào vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông, trở thành cơn bão số 6 trong năm 2024.
Hồi 16 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,3 độ Vĩ Bắc; 119,9 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía đông của khu vực Bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-88km/h), giật cấp 11. Di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 15-20km/h.
Từ 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển chậm lại theo hướng tây tây nam, mỗi giờ đi được 5-10km, sau có khả năng đổi hướng nam.
Vùng biển phía đông khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10 (75-102km/h), giật cấp 12, sóng biển cao 5,0-7,0m, vùng gần tâm bão 7,0-9,0m; biển động rất mạnh.
Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.
Dự báo sau ngày 27.10, bão Trà Mi di chuyển chậm lại theo hướng tây tây nam, mỗi giờ đi được 5-10km, sau có khả năng đổi hướng nam tây nam. Kịch bản có xác suất cao nhất hiện nay là bão vòng ra biển. Tuy nhiên, kịch bản bão đi vào đất liền vẫn có khả năng xảy ra. Vì vậy cần liên tục cập nhật các bản tin dự báo mới nhất.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia nhận định bão Trà Mi có đường đi khá phức tạp, trước khi di chuyển vào Biển Đông, bão đã 4 lần đổi hướng.
Khi đến gần vùng biển miền Trung, bão lại có khả năng đổi hướng để đi ngược ra ngoài biển và ít có khả năng mạnh lên nhanh như siêu bão Yagi.
"Theo tính toán của chúng tôi, một rãnh gió tây ở trên 500m và một cơn bão ở phía đông Philippines xuất hiện khoảng ngày 26 - 27.10, cùng không khí lạnh ở phía bắc sẽ tương tác, làm thay đổi đường đi của bão số 6, khiến bão số 6 đi ra ngoài biển", ông Hưởng nói.
Do ảnh hưởng của bão Trà Mi, vùng biển phía đông khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10 (89-102km/h), giật cấp 12, sóng biển cao 3-5m, vùng gần tâm bão 5-7m, biển động rất mạnh. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh và sóng lớn.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão, Văn phòng Bộ Công an ngày 24.10 đề nghị công an các đơn vị, địa phương khẩn trương thông tin về diễn biến của bão để triển khai các phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự, ứng phó phù hợp với diễn biến của bão, mưa lũ tại địa phương.
Đối với lực lượng công an tại các khu vực ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận: Chủ động công tác phòng, chống bão, mưa lũ, kịp thời xử lý các tình huống ngay tại cơ sở, nhất là bảo đảm an toàn các hoạt động của người, phương tiện, tài sản trên biển, ven biển tại các địa phương dự báo sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, mưa lũ.
Lực lượng công an cấp xã chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng tổ chức thông báo, hướng dẫn, kêu gọi, vận động các chủ phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết để chủ động ứng phó, không di chuyển vào khu vực nguy hiểm và về nơi tránh trú an toàn.
Phối hợp kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tầu thuyền, tránh trú đảm bảo an toàn cháy nổ, an ninh trật tự, xã hội; Tăng cường các biện pháp bảo đảm công tác an ninh, trật tự ở tất cả các địa bàn, không để chủ quan, mất cảnh giác, không để bị động, bất ngờ.
Bố trí lực lượng, phương tiện phối hợp chặt chẽ với các ngành, các lực lượng tại cơ sở: Rà soát, nắm chắc địa bàn, nắm rõ số hộ, số nhân khẩu để kịp thời sơ tán, di dời hoặc ứng cứu người dân cùng phương tiện, tài sản tại các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra mưa lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất;
Hướng dẫn, phân luồng, tổ chức bảo đảm an toàn giao thông, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không an toàn, không để xảy ra thiệt hại về người do bất cẩn, chủ quan;
Kịp thời tổ chức cứu hộ, cứu nạn và hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả bão, mưa lũ, bảo đảm ổn định ngay đời sống người dân, không để ai bị đói, rét, không có nơi ở;
Sẵn sàng mọi phương án phòng, chống thiên tai, trang thiết bị, phương tiện đặc chủng chuyên dùng kịp thời phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai.