Bé trai 3 tuổi có ‘lỗ tiểu một đằng, nước tiểu chảy một nẻo’

Thông tin Y học - Ngày đăng : 19:23, 21/10/2024

Sau khi được phẫu thuật di chuyển lỗ tiểu về đúng vị trí, bé trai 3 tuổi lại bị rò niệu đạo, nước tiểu không chảy đúng đường mà rỉ qua lỗ khác ở gốc dương vật.
Thông tin Y học

Bé trai 3 tuổi có ‘lỗ tiểu một đằng, nước tiểu chảy một nẻo’

Hồ Quang 21/10/2024 19:23

Sau khi được phẫu thuật di chuyển lỗ tiểu về đúng vị trí, bé trai 3 tuổi lại bị rò niệu đạo, nước tiểu không chảy đúng đường mà rỉ qua lỗ khác ở gốc dương vật.

Ngày 21.10, ThS-BS Phan Lê Minh Tiến - Khoa Thận niệu, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho hay các bác sĩ ở đây vừa phẫu thuật, xử lý thành công trường hợp bé trai 3 tuổi có “lỗ tiểu một đằng, nước tiểu chảy một nẻo”.

cuu-be-trai-3-tuoi-co-lo-tieu-mot-dang-nuoc-tieu-chay-mot-neo-hinh-anh.png
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật vá lại lỗ rò giúp nước tiểu chảy đúng theo lỗ tiểu - Ảnh: BVCC

Theo bác sĩ Tiến, sau khi chào đời, bé trai này được chẩn đoán lỗ tiểu thấp. Sau đó, đến 2 tuổi, bé được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật tạo hình niệu đạo để di chuyển lỗ tiểu về đúng vị trí. Tuy nhiên, sau phẫu thuật, bé gặp biến chứng rò niệu đạo, tức nước tiểu không chảy ra đúng đường mà rỉ qua lỗ khác ở gốc dương vật khiến bệnh nhi có nguy cơ biến chứng nặng.

Trước tình trạng “lỗ tiểu một đằng, nước tiểu chảy một nẻo” trên, bệnh nhi được người nhà đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 2. Sau khi nhập viện, bệnh nhi đã được bác sĩ tiến hành phẫu thuật lần 2 nhằm vá lại lỗ rò.

“Đây là phương pháp giúp bệnh nhi khôi phục chức năng tiểu tiện bình thường và tránh các biến chứng sau này”, bác sĩ Tiến nói.

Theo bác sĩ Tiến, lỗ tiểu thấp (hypospadias) ở trẻ em là một dị tật bẩm sinh thường gặp ở trẻ trai, với tỷ lệ mắc khoảng 1 trong 200 đến 300 trẻ trai sinh ra. Đây là tình trạng lỗ tiểu không nằm ở đầu dương vật mà nằm ở vị trí thấp hơn dọc theo thân dương vật. Phẫu thuật chỉnh sửa dị tật này thường được tiến hành sớm, với mục tiêu khôi phục chức năng tiểu tiện và hình dạng giải phẫu bình thường của dương vật.

Có 3 dạng chính của lỗ tiểu thấp là thể trước, thể giữa và thể sau. Trong đó, thể trước là lỗ tiểu nằm gần đầu dương vật nhưng không ở đúng vị trí. Đây là dạng ít nghiêm trọng nhất.

Thể giữa là lỗ tiểu nằm giữa thân dương vật, khiến trẻ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tiểu tiện. Còn thể sau là lỗ tiểu nằm ở gốc dương vật hoặc thậm chí ở vùng bìu, thường kèm theo sự cong vẹo nặng và chuyển vị của dương vật.

Trẻ bị lỗ tiểu thấp thường có dòng nước tiểu không đi thẳng mà bị lệch hoặc yếu; dương vật có thể bị cong, gây khó chịu cho trẻ; cấu trúc quy đầu không hoàn chỉnh, thiếu da ở mặt bụng dương vật.

Mặc dù nguyên nhân chính xác của lỗ tiểu thấp chưa được làm rõ, các nhà nghiên cứu cho rằng yếu tố di truyền và môi trường có thể góp phần gây ra dị tật này. Điều trị chủ yếu là phẫu thuật chỉnh hình niệu đạo nhằm đưa lỗ tiểu về vị trí đúng và cải thiện chức năng tiểu tiện cho trẻ. Thời điểm tốt nhất để phẫu thuật là khi trẻ trong độ tuổi từ 6 đến 18 tháng (trung bình 12 tháng).

“Phẫu thuật chỉnh sửa lỗ tiểu thấp có thể rất hiệu quả, nhưng các biến chứng như rò niệu đạo là điều không hiếm gặp. Để đảm bảo sự hồi phục tốt nhất, việc theo dõi và can thiệp kịp thời khi có dấu hiệu bất thường là rất quan trọng”, bác sĩ Tiến cho biết.

Qua trường hợp trên, bác sĩ Tiến khuyến cáo khi trẻ mắc dị tật lỗ tiểu thấp, không nên quá lo lắng nhưng cần có kế hoạch điều trị sớm và theo dõi chặt chẽ sau phẫu thuật.

Hồ Quang