Chuyên gia khuyến nghị lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cần phù hợp, tránh gây sốc

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 16:49, 16/10/2024

Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng cần có chính sách và lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) một cách hợp lý. Mức thuế cũng cần được xác định phù hợp để đảm bảo thu ngân sách Nhà nước hiệu quả mà không gây áp lực lên các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Chuyên gia khuyến nghị lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt cần phù hợp, tránh gây sốc

Sơn Lam {Ngày xuất bản}

Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng cần có chính sách và lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) một cách hợp lý. Mức thuế cũng cần được xác định phù hợp để đảm bảo thu ngân sách Nhà nước hiệu quả mà không gây áp lực lên các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, tỷ trọng thu thuế TTĐB trong tổng thu ngân sách nhà nước không có quá nhiều biến động, ở quanh mức 1,6 - 2% từ năm 2021, có tăng nhẹ lên 2,2% trong 6 tháng đầu năm 2023.

Trong khi đó, tình hình thực thu thuế TTĐB của Việt Nam so với dự toán tuy đã tăng mạnh hậu COVID-19 từ 30,1% 6 tháng đầu năm năm 2020 đến 68,7% năm 2021, khoảng 15.070 tỉ đồng, và ở quanh mức 60,2% trong 2 năm tiếp theo.

Tuy vậy, đến 2024, trong 6 tháng đầu năm, tình hình thực thu thuế TTĐB mới chỉ đạt 42%, giảm mạnh gần 20% so với các năm trước đó.

Có thể thấy, suy thoái và biến động kinh tế ở nhiều khu vực trên thế giới đã ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng, bao gồm cả các mặt hàng chịu thuế TTĐB như rượu, bia, thuốc lá, và xe hơi. Người tiêu dùng có xu hướng cắt giảm chi tiêu vào các sản phẩm không thiết yếu trong thời kỳ kinh tế bất ổn.

Hiện tại, Dự thảo Luật thuế TTĐB (sửa đổi) trong tháng 9.2024 được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo và đang lấy ý kiến đề xuất tăng thuế TTĐB với một số nhóm hàng được cho là cần tiếp tục hạn chế tiêu dùng và nhằm đảm bảo nguồn thu ngân sách trong thời gian tới.

anh-man-hinh-2024-10-16-luc-15.56.10.png
Dự kiến tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với nhiều mặt hàng, trong đó có rượu, bia

Dự thảo thuế mới dự kiến tăng thuế tương đối cao đối với rượu, bia, thuốc lá và bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB, với mức thuế là 10%.

Các cơ quan chức năng đã và đang nghiên cứu, bổ sung quy định phương pháp tính thuế hỗn hợp (thuế suất theo tỷ lệ và thuế tuyệt đối) đối với mặt hàng thuốc lá theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ để phù hợp với thông lệ quốc tế.

TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương - CIEM) cho rằng việc tăng thuế này tác động tiêu cực tới ngành sản xuất bia trong nước.

Ví dụ, với phương án 1 từ Bộ Tài chính, giá trị gia tăng của ngành bia sẽ giảm 1.163 tỉ đồng vào năm 2026. Trong khi đó, phương án 2 với mức tăng thuế 80% dẫn đến giảm hơn 3.000 tỉ đồng. Với doanh nghiệp, lợi nhuận trước thuế có thể giảm 510 - 1.530 tỉ đồng, ứng với từng phương án.

Ngoài ra, việc này cũng tác động đến GDP và nguồn thu ngân sách. Mặc dù thuế gián thu sẽ tăng ngay sau khi áp dụng, nhưng do sản xuất bị thu hẹp, nguồn thu sẽ giảm sau đó. Ví dụ, GDP dự kiến sẽ giảm khoảng 364 tỉ đồng vào năm 2026.

Do đó, bà Thảo đề nghị không nên tăng thuế sốc và đề nghị xem xét bối cảnh, thực tế của doanh nghiệp để quyết định thời điểm áp dụng chính sách.

thue-ttdb-2.jpg
TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương - CIEM)

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho rằng trong bối cảnh khó khăn này, việc tăng thuế TTĐB từ 5 - 15% ngay trong năm đầu tiên 2026, và tiếp tục tăng 5% mỗi năm trong 4 năm sau đó, chắc chắn sẽ là một cú sốc đối với doanh nghiệp.

"Liệu các doanh nghiệp có thể trụ vững được trước áp lực này? Câu hỏi này đặt ra nhiều vấn đề cần được cân nhắc. Chúng ta cần tìm một giải pháp vừa đảm bảo mục tiêu tăng thu ngân sách, vừa hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn", bà Cúc nói.

Theo đánh giá của VEPR, về mặt lý thuyết, trong khoảng thời gian ngắn hạn, việc tăng cường mức thuế tiêu thụ đặc biệt có khả năng giúp tăng thu Ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên biện pháp này có thể dẫn đến sự giảm sút trong sức cầu tiêu dùng, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến tổng thể tỷ trọng các nguồn thu thuế khác, nhất là thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp, không chỉ doanh nghiệp trong ngành mà trong cả hệ sinh thái dịch vụ ăn uống, du lịch, giải trí trong dài hạn.

Ngoài ra, việc tăng thuế có thể làm tăng giá bán, có thể hạn chế sản xuất rượu bia, tuy nhiên chưa hẳn đã đạt được mục tiêu giảm tiêu dùng mặt hàng rượu bia do thực tế việc tăng thuế cao có thể dẫn đến hàng nhập lậu tăng. Người tiêu dùng có thu nhập phân khúc cao chuyển sang uống rượu, bia nhập lậu.

Do vậy, các chuyên gia của VEPR cho rằng cần có chính sách và lộ trình tăng thuế TTĐB một cách hợp lý. Mức thuế cũng cần được xác định phù hợp để đảm bảo thu ngân sách Nhà nước hiệu quả nhưng cũng không gây áp lực lên các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế như lạm phát.

“Luật Thuế TTĐB cần đảm bảo sự công bằng trong việc thu thuế đối với mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, xuất khẩu các hàng hóa, dịch vụ chịu thuế TTĐB. Danh mục hàng hóa, dịch vụ chịu thuế TTĐB và mức thuế áp dụng cần được quy định rõ ràng, minh bạch để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chấp hành pháp luật thuế”, VEPR nêu.

Ở phía cơ quan soạn thảo, Bộ Tài chính giữ quan điểm tăng thuế với bia, rượu trên 20 độ lên tối đa 100% vào 2030. Phương án này sẽ giảm tiêu dùng rượu, bia, cũng như các tác hại liên quan do việc lạm dụng đồ uống có cồn gây ra.

Với lộ trình này, giá bia, rượu sẽ tăng 20% vào năm 2026 và thêm khoảng 2 - 3% mỗi năm tiếp theo. Mức này đảm bảo giá sản phẩm tăng tương ứng theo lạm phát, thu nhập. Mặt khác, ngân sách có thêm khoảng 10.700 tỉ đồng từ thuế TTĐB với bia. Mức này tăng khoảng 23% so với số dự kiến thu về trong năm 2025 (khi chưa điều chỉnh thuế). Từ năm 2027 - 2030, khoản thu thuế tăng thêm khoảng 3.500 tỉ đồng mỗi năm. Với rượu, thu thuế tăng thêm gần 230 tỉ đồng vào 2026 và gần 80 tỉ đồng mỗi năm sau đó.

Sơn Lam