TS Nguyễn Quốc Việt: Kỳ vọng sự hứng khởi từ khu vực tư nhân
Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 11:20, 16/10/2024
TS Nguyễn Quốc Việt: Kỳ vọng sự hứng khởi từ khu vực tư nhân
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng điểm nhấn trong bức tranh kinh tế 9 tháng là vốn đầu tư của khu vực tư nhân, thường gấp đôi so với khu vực FDI và Nhà nước.
Thúc đẩy đầu tư tư nhân
Theo báo cáo kinh tế quý 3 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) công bố vào hôm qua (15.10), vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 9 tháng của năm đạt 2,4 triệu tỉ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Mức tăng trưởng này cho thấy sự phục hồi tích cực của hoạt động đầu tư. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng này thấp hơn so với mức tăng trưởng 7,5% của cùng kỳ năm 2023, cho thấy sự thận trọng của các nhà đầu tư trong bối cảnh lạm phát và lãi suất vẫn còn nhiều biến động.
Sự tăng trưởng của vốn đầu tư toàn xã hội được thúc đẩy bởi sự đóng góp tích cực của cả ba khu vực, trong đó khu vực tư nhân chiếm tỷ trọng lớn nhất và đạt khoảng 3,89%, gấp 2 – 3 lần so với hai khu vực còn lại. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn so với hai quý cuối năm 2023 và quý 2/2024.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng hiện vốn đầu tư của khu vực tư nhân đóng vai trò càng ngày càng lớn, tỷ trọng cao lên đáng kể.
“Đây là điều tôi vui mừng. Những năm gần đây, chúng ta đang rất mạnh về nội lực và trong tinh thần phát triển thời gian tới, chúng ta tập trung vào những nhân tố tự lực, tự cường, tự tin để vươn lên. Muốn vậy cần nhấn mạnh vai trò của tư nhân trong nước”, bà Lan bày tỏ.
Bà Lan kỳ vọng trong tương lai, nhất là gần đây khi Thủ tướng Chính phủ đã có cuộc gặp các doanh nghiệp lớn và đề nghị họ tham gia vào các dự án lớn của nhà nước sẽ làm tăng thêm vai trò của nội lực, vai trò của các doanh nghiệp tư nhân trong nước đối với sự phát triển.
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng VEPR cũng nhận định điểm nhấn trong bức tranh kinh tế 9 tháng là vốn đầu tư của khu vực tư nhân khá mạnh mẽ, thường xuyên gấp đôi so với khu vực FDI và Nhà nước.
“Bức tranh này tương đối sáng, cho thấy những nỗ lực về cải cách thể chế, tạo thuận lợi môi trường kinh doanh, đầu tư đã thúc đẩy khu vực nội địa có sự hứng khởi hơn trong thời gian vừa qua”, ông Việt nói.
Dù vậy, trên bình diện chung, môi trường kinh doanh vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, với các rào cản về điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính không chỉ chưa được giảm thiểu mà còn có xu hướng gia tăng, do động lực cải cách từ các bộ, ngành đang suy yếu.
Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT trong năm 2023 cũng như 6 tháng đầu năm 2024, dường như rất ít nỗ lực hay sáng kiến cải cách từ địa phương nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.
Do vậy, TS Việt cho rằng việc đẩy mạnh nghiên cứu, nhận diện các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp (cả về quy định pháp lý và thực thi) để khẩn trương sửa đổi.
Ngoài ra, trong quá trình xây dựng và hoàn thiện dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, cần tổ chức tham vấn rộng rãi đối với các đối tượng chịu tác động bởi chính sách; việc ban hành mới hay sửa đổi, bổ sung các quy định, chính sách cần thực hiện đánh giá tác động toàn diện, thực chất, dựa trên cơ sở khoa học và minh chứng thuyết phục.
GDP tăng nhưng cuộc sống người dân chưa cải thiện nhiều
Về bức tranh chung của nền kinh tế, theo báo cáo của VEPR, kết thúc quý 3 năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi tương đối tốt. Tăng trưởng GDP sau 9 tháng đạt 6,82%, tăng hơn 1,5 lần so với mức 4,4% cùng kỳ năm ngoái với sự đóng góp chủ yếu từ khu vực công nghiệp và dịch vụ.
Nói về điều này, bà Phạm Chi Lan cho hay khi theo dõi tình hình kinh tế, bà rất lo liệu năm nay có đạt được mục tiêu tăng trưởng hay không? Bởi vì nếu năm 2024 không đạt tốc độ tốt thì rất khó để thúc đẩy thời gian tới, thậm chí mục tiêu phát triển cho cả thời kỳ 5 năm.
“Quý 3 tiếp nối sự tăng trưởng của quý 2 đã đạt được là rất đáng mừng. Điều này sẽ tạo ra những niềm tin về phục hồi tăng trưởng tiếp trong thời gian tới”, bà Lan nói.
Tuy vậy, bà Lan cũng lưu ý, tăng trưởng trong quý 3 vẫn dựa vào 2 động lực chính là xuất khẩu và FDI. Xuất khẩu đến nay chiếm 73,5% nằm trong tay các nhà đầu tư nước ngoài, trong khi tăng trưởng chủ động về xuất khẩu chủ yếu vẫn nhờ “bàn tay” các doanh nghiệp FDI.
Theo bà Lan, một động lực quan trọng của kinh tế là tiêu dùng và đầu tư trong nước, thì năm nay không tăng nhiều. Điều này ảnh hưởng từ giai đoạn COVID-19 đến nay chưa phục hồi.
“Theo nghiên cứu của các chuyên gia quốc tế, sự phục hồi được sau COVID-19 hay không phải xem xét đã trở lại mức trước COVID-19 (2019) hay chưa? Nếu chỉ tiêu nào vẫn thấp hơn thì chứng tỏ kinh tế vẫn chưa phục hồi”, bà Lan chia sẻ.
Bà Lan nhấn mạnh đây là điều rất đáng lưu ý, bởi nó thể hiện đến cuộc sống của người dân. Do đó, dù GDP quý 3 tăng, kéo theo GDP bình quân đầu người tăng, song trên thực tế cuộc sống của đông đảo của người dân vẫn chưa được cải thiện nhiều.
Bà Phạm Chi Lan cũng lưu ý, ngành nông nghiệp có đóng góp và vai trò rất lớn, tuy nhiên biểu đồ thể hiện sự đóng góp của ngành nông nghiệp lại chưa cao.
“Đóng góp của nông nghiệp bị “ẩn” rất nhiều, vì chuyển sang khu vực dịch vụ, công nghiệp. Ví dụ các dịch vụ ăn uống, nhà hàng có đầu vào rất lớn từ nông nghiệp. Do đó đóng góp của nông nghiệp lớn hơn rất nhiều so với những gì thể hiện trên biểu đồ. Chúng ta cần nhìn nhận một cách công bằng hơn cho nông nghiệp”, bà Lan nói và đề nghị cần quan tâm nhiều hơn đến nông nghiệp.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế, cũng cho rằng, các thách thức trong những tháng cuối năm 2024 vẫn rất lớn. Đặc biệt, thiệt hại do cơn bão Yagi gây ra vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn. Việc triển khai nhanh chóng các chính sách hỗ trợ sau bão là cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo ông Hiếu, cần triển khai Nghị quyết 143 của Chính phủ về hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 3 Yagi phải rất nhanh, tính bằng ngày thì mới có được mức tăng trưởng cao trong quý 4 và từ đó đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 7%.