Ngón tay robot biết bắt mạch và phát hiện khối u

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 12:55, 12/10/2024

Tạp chí Cell Reports Physical Science vừa đăng tải một công trình nghiên cứu của Đại học Khoa học - Công nghệ Trung Quốc (USTC), phát triển ngón tay robot sẽ giúp bác sĩ thực hiện kiểm tra thông thường tại phòng khám.
Khoa học - công nghệ

Ngón tay robot biết bắt mạch và phát hiện khối u

Cẩm Bình 12/10/2024 12:55

Tạp chí Cell Reports Physical Science vừa đăng tải một công trình nghiên cứu của Đại học Khoa học - Công nghệ Trung Quốc (USTC), phát triển ngón tay robot sẽ giúp bác sĩ thực hiện kiểm tra thông thường tại phòng khám.

Ngón tay sở hữu cảm giác chạm tinh vi nên có thể bắt mạch và phát hiện khối u bất thường. Phát minh này hỗ trợ phát hiện sớm ung thư cùng nhiều bệnh khác. Theo nhóm nghiên cứu, ngón tay đặc biệt thích hợp với người thấy lo lắng khi gặp bác sĩ.

Theo nhà nghiên cứu của USTC Hongbo Wang: “Bằng cách đẩy mạnh phát triển để tăng hiệu quả, một bàn tay robot khéo léo tạo thành từ các ngón tay như vậy có thể hoạt động như “bác sĩ robot” tại một bệnh viện tương lai. Kết hợp thêm máy học thì việc khám và chẩn đoán bằng robot tự động - đặc biệt có lợi cho khu vực chưa phát triển, thiếu hụt nhân viên y tế nghiêm trọng - hoàn toàn khả thi”.

2024-10-11-181517.png

Ngón tay robot cứng rất phổ biến, nhưng chúng chưa chứng minh được khả năng thực hiện nhiệm vụ y tế phức tạp. Ngón tay mềm, nhẹ, an toàn hơn xuất hiện gần đây mô phỏng được chuyển động bàn tay người, nhưng chưa sở hữu cảm giác chạm chân thực.

Với mục tiêu giải quyết loạt thách thức trên, đội ngũ USTC đặt cuộn sợi dẫn điện bên trong ngón tay robot mềm, cho phép theo dõi thời gian thực độ cong của ngón khi chạm vật thể cũng như lực tác động ở đầu ngón. Trong thử nghiệm vuốt bằng lông vũ, gõ và đẩy bằng thanh thủy tinh, cuối cùng là uốn cong, cảm biến của ngón tay nhận biết chính xác loại lẫn mức độ lực tác động.

Nhóm cũng kiểm tra tiềm năng y tế bằng cách để ngón tay tìm khối u ẩn dưới một tấm silicon lớn. Kết quả thiết bị phát hiện cả 3 khối u, ngoài ra còn xác định đúng vị trí động mạch cổ tay.

Đội ngũ USTC dự định bổ sung cảm biến để tăng độ linh hoạt, hướng tới phát triển bàn tay robot khéo léo mô phỏng chân thực thao tác của con người.

Cẩm Bình