Vòi hoa sen và bàn chải đánh răng chứa đầy vi rút

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 15:50, 11/10/2024

Môi trường ấm áp, ẩm ướt của vòi hoa sen và bàn chải đánh răng là nơi sinh sôi lý tưởng cho vi sinh vật. Một nghiên cứu mới ghi nhận trên hai đồ vật quen thuộc này chứa hàng trăm loại vi rút.
Khoa học - công nghệ

Vòi hoa sen và bàn chải đánh răng chứa đầy vi rút

Cẩm Bình 11/10/2024 15:50

Môi trường ấm áp, ẩm ướt của vòi hoa sen và bàn chải đánh răng là nơi sinh sôi lý tưởng cho vi sinh vật. Một nghiên cứu mới ghi nhận trên hai đồ vật quen thuộc này chứa hàng trăm loại vi rút.

Tuy nhiên đây không phải vi rút gây cảm, vi rút cúm hay loại nguy hiểm khác, mà là thực khuẩn thể (bacteriophage) - kẻ thù tự nhiên của vi khuẩn. Mỗi loại thực khuẩn thể nhỏ bé đã tiến hóa để săn lùng, tấn công, nuốt chửng một loại vi khuẩn cụ thể.

Phó giáo sư Erica Hartmann (Đại học Northwestern) cho biết: “Số lượng vi rút mà chúng tôi tìm thấy thực sự gây bất ngờ. Có nhiều loại vi rút mà chúng tôi hiểu biết rất ít về chúng, vài loại khác chưa từng thấy trước đây. Thật đáng kinh ngạc khi đồ vật quanh ta lại đa dạng sinh học như vậy”.

2024-10-11-141758.png

Để phát hiện được sự đa dạng trên, nhóm nghiên cứu tiến hành phân tích mẫu màng sinh học - cộng đồng vi sinh vật phát triển trên các bề mặt - lấy từ 34 bàn chải đánh răng và 92 vòi hoa sen. Họ xác định được tổng cộng 614 loại vi rút khác nhau.

Trên vòi sen, nhiều thực khuẩn thể có nguồn gốc từ nước. Còn thực khuẩn thể trên bàn chải đánh răng đến từ miệng người lẫn môi trường xung quanh. Bà Hartmann đặt giả thuyết một loại vi khuẩn trong miệng truyền sang bàn chải, đem theo vi rút. Sau đó vi rút tiếp tục tiến hóa khiến lượng vi sinh vật trên bàn chải gia tăng.

Dù phát hiện đồ vật quanh ta chứa đầy vi sinh vật nghe khá đáng lo ngại, nhưng bà Hartmann nhấn mạnh nên trân trọng chúng vì chúng mang lại nhiều lợi ích cũng như chứa đựng tiềm năng to lớn ở lĩnh vực công nghệ sinh học.

Thực khuẩn thể đang được xem xét trong hàng loạt thử nghiệm lâm sàng như giải pháp tiềm năng cho vấn đề kháng kháng sinh tràn lan ngày nay. Bằng cách lây nhiễm và nhân bản bên trong vi khuẩn vật chủ, thực khuẩn thể có thể tiêu diệt mầm bệnh, đóng vai trò “nguyên liệu” điều chế loại thuốc mới tiêu diệt vi khuẩn kháng kháng sinh.

Theo bà Hartmann: “Thay vì dùng kháng sinh phổ rộng tiêu diệt toàn bộ hệ vi sinh vật, ta chỉ cần dùng loại thuốc nhắm vào mầm bệnh nhất định”.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xem kháng kháng sinh là một trong số mối đe dọa lớn nhất đến sức khỏe cộng đồng. Nếu kháng sinh vô dụng với mầm bệnh, các phương pháp điều trị tiêu chuẩn như phẫu thuật, hóa trị trở nên nguy hiểm hơn.

Cẩm Bình